Sửa đổi Thông tư 52: Tăng cường hiệu quả giám sát, nâng tầm chuẩn mực quản trị ngân hàng
NHNN Việt Nam đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2018/TT-NHNN quy định về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Việc sửa đổi không chỉ nhằm đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật mới và mô hình tổ chức lại bộ máy, mà còn tăng cường hiệu quả công tác giám sát, thúc đẩy phát triển bền vững và kiểm soát rủi ro hệ thống.
Phù hợp với tổ chức bộ máy mới và quy định pháp luật hiện hành
Dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở Luật NHNN, Luật Các TCTD (sửa đổi năm 2024), Nghị quyết số 190/2025/QH15, Nghị định số 26/2025/NĐ-CP. Trong đó, nhiều nội dung tại Thông tư 52 hiện hành đã không còn phù hợp với mô hình tổ chức mới ví dụ như NHNN chi nhánh khu vực thay thế NHNN cấp tỉnh), cũng như chưa đồng bộ với các quy định mới về kiểm soát đặc biệt, can thiệp sớm theo Luật Các TCTD sửa đổi.
Dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật NHNN năm 2010, Luật Các TCTD năm 2024, Nghị quyết số 190/2025/QH15 và Nghị định số 26/2025/NĐ-CP. Các quy định pháp lý này yêu cầu phải điều chỉnh các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, nhiệm vụ của NHNN cũng như chế độ giám sát đối với hệ thống TCTD. Trong đó, nhiều nội dung của Thông tư 52 hiện hành đã không còn phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới (ví dụ như NHNN chi nhánh khu vực thay cho chi nhánh cấp tỉnh).

Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho xếp hạng TCTD, tiêu chí đánh giá theo hướng thực chất hơn
Theo NHNN, mục tiêu của Thông tư sửa đổi lần này là tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xếp hạng TCTD, đảm bảo sát thực tế, phản ánh đúng rủi ro và tình hình hoạt động của các tổ chức. Một điểm mới đáng chú ý là cập nhật thêm đối tượng không thuộc phạm vi áp dụng gồm các TCTD đang trong diện "can thiệp sớm" theo Luật Các TCTD sửa đổi, nhằm tránh chồng lấn giữa chức năng giám sát và hỗ trợ phục hồi.
Đáng chú ý, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung hai chỉ tiêu mới trong tiêu chí "Chất lượng tài sản". Cụ thể, Dự thảo bổ sung quy định: Tỷ lệ dự phòng cụ thể đã trích lập so với nợ nhóm 2 đến nhóm 5; Tỷ lệ tài sản có khác bình quân so với Tổng tài sản bình quân. Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung chỉ tiêu Tỷ lệ dự phòng cụ thể đã trích lập so với nợ nhóm 2 đến nhóm 5 phản ánh mức độ bao phủ nợ quá hạn, nợ xấu bằng dự phòng rủi ro đã trích lập của NHTM. Việc bổ sung tỷ lệ này sẽ giúp đánh giá được đầy đủ hơn về chất lượng tài sản của NHTM. Còn với chỉ tiêu Tỷ lệ tài sản có khác bình quân so với Tổng tài sản bình quân phản ánh mức độ tập trung của NHTM vào các tài sản có khác. Do đó, cần thiết bổ sung chỉ tiêu trên để có thêm căn cứ đánh giá tiêu chí Chất lượng tài sản của NHTM. Các bổ sung này nhằm giúp cơ quan giám sát có thêm công cụ đánh giá toàn diện, sát với rủi ro thực tế hơn.
Khuyến khích chuẩn hóa theo Basel, điều chỉnh trọng số đánh giá
Một điểm mới quan trọng khác là quy định cộng thêm 1 điểm cho chỉ tiêu tỷ lệ an toàn vốn nếu TCTD áp dụng sớm các tiêu chuẩn cao hơn theo khuyến nghị của Ủy ban Basel, cụ thể là vượt mức yêu cầu tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Đây là bước đi mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hệ thống ngân hàng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, đảm bảo an toàn vốn bền vững.
Cùng với đó, Dự thảo cũng điều chỉnh lại trọng số các tiêu chí đánh giá trong xếp hạng TCTD. Đó là tăng trọng số tiêu chí “Quản trị điều hành” (M) từ 10% lên 15%, trong đó nhóm chỉ tiêu định lượng tăng từ 3% lên 8%; Giảm trọng số tiêu chí “Kết quả hoạt động kinh doanh” (E) từ 20% xuống 15%, nhóm chỉ tiêu định lượng từ 15% xuống còn 10%.
Sự điều chỉnh này phản ánh quan điểm nhất quán trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 986/QĐ-TTg): các TCTD cần hướng đến phát triển bền vững, không vì mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn trước mắt; Nâng cao chất lượng quản trị điều hành của TCTD đồng nghĩa với yêu cầu các TCTD phải chú trọng hơn đến quản lý rủi ro, xây dựng hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của Ủy ban Basel.
Dự thảo còn điều chỉnh ngưỡng phân loại ngân hàng thương mại có quy mô lớn từ 100.000 tỷ lên 200.000 tỷ đồng. Giải thích về điều chỉnh trên, cơ quan soạn thảo cho biết, trong các năm qua, quy mô tổng tài sản của hệ thống các TCTD tăng lên đáng kể: năm 2018 (thời điểm xây dựng, ban hành Thông tư 52) đạt 11,07 triệu tỷ đồng; năm 2024 đạt 22,9 triệu tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với tổng tài sản năm 2018 (trong đó, tổng tài sản của các NHTM tăng gấp 2,1 lần trong giai đoạn 2018-2024). Vì vậy, việc điều chỉnh quy mô nhóm đồng hạng đối với các NHTM trong quá trình xếp hạng là cần thiết, để phù hợp hơn với thực tiễn.
Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm c Điều 8 theo hướng thay thế chỉ tiêu “Tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng của các khách hàng có dư nợ cấp tín dụng lớn so với dư nợ cấp tín dụng đối với tổ chức kinh tế, cá nhân” bằng chỉ tiêu “Tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng đối với 100 khách hàng lớn nhất so với dư nợ cấp tín dụng đối với tổ chức kinh tế, cá nhân” để phản ánh mức độ tập trung rủi ro tín dụng của TCTD; sắp xếp lại các chỉ tiêu tuân thủ nội bộ về quản trị...
Từ khi ban hành, Thông tư 52 đã đóng vai trò là cơ sở pháp lý quan trọng giúp NHNN đánh giá toàn diện tình hình hoạt động của từng TCTD. Trên cơ sở kết quả xếp hạng, NHNN có thể xác định phương án giám sát phù hợp, từ đó phân loại, cảnh báo sớm và áp dụng các biện pháp xử lý hiệu quả. Đặc biệt, kết quả xếp hạng theo Thông tư 52 cũng là một căn cứ quan trọng trong điều hành "room" tín dụng – công cụ then chốt để NHNN kiểm soát cung tiền, hạn chế tăng trưởng nóng và bảo đảm ổn định vĩ mô.
Việc sửa đổi Thông tư 52 thể hiện quyết tâm của NHNN trong hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường hiệu quả của công tác giám sát ngân hàng, đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD. Những điều chỉnh về phương pháp xếp hạng, tiêu chí đánh giá, trọng số và cách khuyến khích các TCTD cải thiện quản trị là bước tiến phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu từ thực tiễn.