Đề xuất mới về xếp hạng ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước đề xuất nâng một số tiêu chí về xếp hạng ngân hàng như: Quy mô, tỷ lệ an toàn vốn, quản trị điều hành...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2018 quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư số 52 có một số nội dung quy định liên quan đến xếp hạng được tham chiếu đến các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Ngân hàng Nhà nước cần thiết ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52 để sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan nêu trên để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Ngân hàng Nhà nước nâng các tiêu chí xếp hạng ngân hàng để hướng đến phát triển bền vững.
Theo dự thảo thông tư này, Ngân hàng Nhà nước sửa, phân loại nhóm ngân hàng thương mại có quy mô lớn là nhóm có tổng trị giá tài sản bình quân theo quý trong năm xếp hạng trên 200.000 tỷ đồng (thay vì 100.000 tỷ đồng theo quy định hiện tại).
Trong những năm qua, quy mô tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng lên đáng kể: năm 2018 đạt hơn 11 triệu tỷ đồng; năm 2024 đạt 22,9 triệu tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với tổng tài sản năm 2018 (trong đó, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại tăng gấp 2,1 lần trong giai đoạn 2018-2024). Vì vậy, việc điều chỉnh quy mô nhóm đồng hạng đối với các ngân hàng thương mại trong quá trình xếp hạng là cần thiết, để phù hợp hơn với thực tiễn.
Ngân hàng Nhà nước cũng bổ sung thêm một phương án mới trong tính toán tỷ lệ an toàn vốn và cộng thêm 1 điểm vào chỉ tiêu định lượng về tỷ lệ an toàn vốn.
Quy định này nhằm khuyến khích các ngân hàng áp dụng sớm tiêu chuẩn theo khuyến nghị của Ủy ban Basel về an toàn vốn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nâng trọng số của quản trị điều hành từ 10% lên 15%. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước giảm trọng số kết quả hoạt động kinh doanh từ 20% xuống 15%.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, các ngân hàng cần hướng đến phát triển bền vững, không vì mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn trước mắt để phù hợp với mục tiêu chung trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-xuat-moi-ve-xep-hang-ngan-hang-post1758108.tpo