Sửa Luật Đầu tư công: Phải phù hợp Hiến pháp, đảm bảo nguyên tắc kiểm soát quyền lực

Chiều 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật gồm 7 Chương, 116 Điều (sửa đổi 53 điều, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 7 điều so với Luật Đầu tư công năm 2019), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn.

Trong đó, tại dự án Luật Đầu tư công sửa đổi lần này có nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng như cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án.

Để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, dự thảo đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư công: của dự án quan trọng quốc gia tăng từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành.

Đồng thời, phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng, nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra

Cần đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, thống nhất với các luật liên quan

“Cần rà soát để đảm bảo thống nhất với quy định của Hiến pháp và tính thống nhất với các luật có liên quan, đảm bảo thực hiện đúng chức năng của Quốc hội, HĐND trong việc quyết định dự toán NSNN, các chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ.

Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung luật phải bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, đồng bộ với các luật khác có liên quan. Các chính sách phải đảm bảo nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, trong quản lý đầu tư công.

Đối với quy định đề xuất tại dự thảo về việc Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) và hằng năm vốn ngân sách trung ương (NSTW) giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, cơ quan thẩm tra nêu rõ, theo Hiến pháp, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội là “quyết định dự toán NSNN và phân bổ NSTW”. Việc điều chỉnh KHĐTCTH và hằng năm vốn NSTW giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương làm thay đổi dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW đã được Quốc hội quyết định.

Do đó, đa số ý kiến Thường trực UBTCNS cho rằng, việc quyết định dự toán NSNN đã được thực hiện ổn định nhiều năm (đối với cả chi thường xuyên và chi đầu tư), không có vướng mắc phát sinh, do vậy đề nghị giữ như quy định hiện hành để bảo đảm quy định của Hiến pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tương tự đối với kiến nghị phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn NSTW, vốn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW, các khoản vốn NSTW chưa phân bổ trong KHĐTCTH, cơ quan thẩm tra đề nghị cần rà soát đề xuất chính sách, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; thống nhất với Luật NSNN và đề xuất sửa đổi Luật NSNN trong dự án Luật sửa 7 luật. Tại dự án Luật này, Chính phủ đang đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành đối với vấn đề này.

Liên quan đến đề xuất tăng mức vốn xác định tiêu chí dự án, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát, thống kê, đánh giá về số lượng các dự án nhóm A, dự án quan trọng quốc gia, đánh giá tác động kỹ về năng lực thực hiện của các địa phương; tránh việc phân cấp vượt quá khả năng thực hiện, gây thất thoát, không hiệu quả.

Dự thảo cũng phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Theo Thường trực UBTCNS và Thường trực Ủy ban Pháp luật, việc phân cấp như dự thảo Luật là thay đổi lớn, cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đặt trong tổng thể các chính sách khác về vấn đề trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân.

“Việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án là vấn đề quan trọng của địa phương, do vậy Luật Đầu tư công hiện hành quy định HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực. Nếu quy định Chủ tịch UBND các cấp vừa là người quyết định chủ trương đầu tư dự án, vừa là người quyết định đầu tư dự án, là chưa bảo đảm tính khách quan” - Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho hay.

Nhiều thay đổi lớn cần được đánh giá, nghiên cứu kỹ hơn

Thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến trong UBTVQH đề nghị phải nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung lớn có thay đổi căn bản so với luật hiện hành, như quy định về tiêu chí dự án, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, dùng chi thường xuyên để chuẩn bị đầu tư dự án…

Dù có những thay đổi lớn, nhưng một số ý kiến cho rằng dự thảo luật chưa giải quyết được những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực đầu tư công hiện nay. Có ý kiến cho rằng dù mục tiêu là tháo gỡ vướng mắc song dự thảo chưa giải quyết được vấn đề căn cốt liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan dân cử trong việc quyết định đầu tư. Thay vào đó, dự thảo chọn cách làm nhanh nhưng chưa đảm bảo được tính chất quản lý nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, tiêu chí dự án theo mức vốn được đề xuất tăng lớn nhưng chưa đồng bộ, chưa rõ cơ sở để thay đổi. Theo báo cáo của Chính phủ, 10 năm qua GDP tăng 2,1 lần, song tiêu chí dự án quan trọng quốc gia được đề xuất tăng gấp 3 lần. Nếu quy định như dự thảo, ông Vũ Hồng Thanh băn khoăn có thể có những địa phương không bao giờ có dự án trên 10.000 tỷ đồng để quyết định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nếu đảm bảo chất lượng và được sự đồng thuận của cơ quan thẩm tra thì có thể thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với tinh thần là chỉ sửa đổi một số điều cần thiết, cấp bách và nếu cần thiết thì sẽ có Nghị quyết thí điểm về việc sửa đổi. Còn về lâu dài thì dự án Luật sẽ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt vấn đề, liệu năng lực thực hiện của địa phương có đảm bảo để thực hiện các dự án quy mô từ 10.000 tỷ đồng đến dưới 30.000 tỷ đồng. Theo quy định hiện hành, dự án từ 10.000 tỷ đồng phải có Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định. Vậy phân cấp về địa phương liệu có đảm nhận được không?

Với quy mô sửa đổi lớn của dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, yêu cầu các nội dung sửa đổi phải phù hợp với Hiến pháp, đảm bảo thống nhất các luật khác có liên quan.

Trong thời gian này, Chính phủ cũng đang đề nghị sửa đổi 2 luật khác nữa (luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư và luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính). Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là cơ hội để sửa đổi đồng bộ, thống nhất và các luật được sửa phải đảm bảo không “vênh” nhau.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nếu đảm bảo chất lượng và được sự đồng thuận của cơ quan thẩm tra thì có thể thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với tinh thần là chỉ sửa đổi một số điều cần thiết, cấp bách và nếu cần thiết thì sẽ có Nghị quyết thí điểm về việc sửa đổi. Còn về lâu dài thì dự án Luật sẽ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-luat-dau-tu-cong-phai-phu-hop-hien-phap-dam-bao-nguyen-tac-kiem-soat-quyen-luc-161356.html