Sửa luật để tháo 'điểm nghẽn' thu hồi tài sản tham nhũng
Với việc sửa đổi Luật Thi hành án dân sự cho phép mở rộng cơ chế ủy thác xử lý tài sản cùng lúc trên nhiều địa phương, được kỳ vọng là tháo gỡ 'điểm nghẽn' thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.
Sáng 24/1, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về luật sửa đổi bổ sung một số điều của 9 luật: Đầu tư công, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Đầu tư, Nhà ở, Đấu thầu, Điện lực, Doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thi hành án dân sự.
Dự án luật sửa đổi 9 luật vừa được Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV hồi giữa tháng 1.
Đáng chú ý, Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung để làm rõ hơn trường hợp "ủy thác thi hành án từng phần" và bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản.
Trong trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản.
Trả lời báo chí tại họp báo về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, cơ chế này được kỳ vọng sẽ khắc phục “điểm nghẽn” thu hồi tài sản tham nhũng thời gian vừa qua.
Ông cho biết, thời gian gần đây có tiến bộ hơn, song việc thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp, trung bình chỉ đạt 10%. Một trong những điểm nghẽn là do cơ chế ủy thác xử lý tài sản trong luật Thi hành án dân sự hiện nay bắt buộc phải thực hiện thi hành án xong tại một địa phương mới được phép ủy thác cho địa phương khác.
Ông phân tích, ví dụ, theo cơ chế cũ, một vụ việc mất khoảng 6 tháng để xử lý. Như vậy, một vụ án với 5 vụ việc phải xử lý tài sản sẽ phải kéo dài 3 năm. Luật sửa đổi lần này đã bổ sung cơ chế mới, cho phép đồng thời xử lý tài sản tại cả 5 địa phương. Như vậy, sẽ xử lý nhanh và triệt để hơn, khắc phục điểm nghẽn trong thời gian qua.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tài sản thường nằm ở nhiều địa phương khác nhau. Do đó, quy định ủy thác thi hành án từng phần dẫn đến khó khăn trong thực hiện.
Không chỉ vậy, quy định chờ địa phương này xong thì mới được ủy thác thi hành án ở địa phương kia còn là kẽ hở dẫn đến thất thoát tài sản nên kết quả thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua rất thấp.
Thứ trưởng Tư pháp bày tỏ: "Với cơ chế mới, Chính phủ kỳ vọng thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt là thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng, kinh tế".