Sửa luật để thể chế hóa tinh gọn bộ máy Chính phủ

Với nhiều chỉnh sửa quan trọng, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) dự kiến tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả hơn nữa.

Việc sửa đổi này nhằm thể chế hóa chủ trương tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Theo đó, phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ.

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 42, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, nội dung chủ yếu của phiên họp này sẽ tập trung xem xét, cho ý kiến vào các dự án luật, dự thảo nghị quyết cần ban hành ngay để phục vụ cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục tiêu xây dựng dự án Luật là sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, dự thảo Luật dự kiến gồm 5 chương, 35 điều. So với Luật hiện hành giảm 2 chương, giảm 15 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật gồm: Hoàn thiện các quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước ở Trung ương; Hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ; Hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương.

Tại phiên họp, các ý kiến đều tán thành sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ; thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đồng thời, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm liên quan tới quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền; phân cấp, ủy quyền; điều khoản chuyển tiếp, quan hệ của Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Chiều 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Đỗ Bắc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/sua-luat-de-the-che-hoa-tinh-gon-bo-may-chinh-phu-300986.htm