Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng để giải quyết các bất cập trong thực tiễn
Chiều 17/6, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra.
Thu gọn đối tượng chịu thuế, đảm bảo minh bạch, dễ thực hiện
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) số 13/2008/QH12 được thông qua ngày 3/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009 thay thế cho Luật Thuế GTGT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT năm 2003, năm 2005 và đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, qua 15 năm thực hiện, Luật Thuế GTGT đã có những thay đổi theo đúng định hướng cải cách chính sách thuế của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020; giảm bớt thủ tục hành chính cho người nộp thuế và cơ quan thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, Luật Thuế GTGT đã góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, chú trọng đến khuyến khích phát triển nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; giảm chi phí đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội.
Luật Thuế GTGT góp phần quan trọng, ổn định, đảm bảo tỉ lệ động viên hợp lý cho ngân sách nhà nước (NSNN); cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản (dầu thô) và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT
Đáng chú ý, dự thảo Luật chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế GTGT để phù hợp thông lệ quốc tế và tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho các doanh nghiệp khi vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế (phải kê khai, phân bổ thuế GTGT đầu vào sử dụng chung cho cả hoạt động chịu thuế và không chịu thuế). Ví dụ: phân bón; tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Theo đó, dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) sẽ hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.
Đồng thời, đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) nhằm cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế.
Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) gồm 4 Chương, 18 Điều. Theo quy định tại dự thảo Luật, Luật Thuế GTGT hiện hành quy định 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, để thu gọn đối tượng không chịu thuế, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành, Chính phủ trình Quốc hội.
Trong đó, dự thảo luật sửa đổi tên một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành để nhằm tăng tính minh bạch của Luật và giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế. Sửa đổi quy định rõ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ để thống nhất với pháp luật chuyên ngành, tránh vướng mắc trong thực hiện và thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT.
Ngoài ra, sửa đổi quy định “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Đáng chú ý, dự thảo Luật chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế GTGT để phù hợp thông lệ quốc tế và tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho các doanh nghiệp khi vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế (phải kê khai, phân bổ thuế GTGT đầu vào sử dụng chung cho cả hoạt động chịu thuế và không chịu thuế). Ví dụ: phân bón; tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập...
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, với các nội dung sửa đổi, bổ sung theo đề xuất nêu trên, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này.
Điều chỉnh ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế là cần thiết
Sau phần trình bày của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội (TCNS) Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban TCNS nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về các trường hợp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, theo Ủy ban TCNS, dự thảo Luật quy định cho phép không tính thuế đầu ra nhưng được khấu trừ thuế đầu vào đối với nông lâm thủy sản chưa chế biến. Hiện nay việc chuyển nhượng dự án đầu tư và một số trường hợp khác cũng đang được áp dụng cơ chế tương tự, do đó, Ủy ban này đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình làm rõ luận cứ và cơ sở pháp lý của các quy định này.
Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, dự thảo Luật sửa đổi quy định mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (theo quy định của Luật hiện hành) thành “dưới mức do Chính phủ quy định”. Ủy ban TCNS cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết để phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và cần được quy định cụ thể trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng.
Liên quan đến quy định không thu thuế GTGT đối với một số loại hàng hóa nhập khẩu, dự thảo Luật bổ sung quy định quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển, hàng biên mậu trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Theo Ủy ban TCNS, mặc dù không được quy định trong Luật song trên thực tế, việc miễn thuế GTGT gắn với miễn thuế nhập khẩu hiện cũng được thực hiện đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh (theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg).
Với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Tại Việt Nam, hàng ngày có trung bình 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok,… Nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Do đó, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay, giải trình cơ sở pháp lý của Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg đối với nội dung nêu trên./.
Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) gồm 4 Chương, 18 Điều
Cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung, gồm 05 điều (từ Điều 1 đến Điều 5).
Chương II. Căn cứ và phương pháp tính thuế, gồm 07 điều (từ Điều 6 đến Điều 12).
Chương III. Khấu trừ, hoàn thuế, gồm 04 điều (từ Điều 13 đến Điều 16).
Chương IV. Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 17 và Điều 18).