Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn

Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp Phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Việc ban hành Luật là cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng đã được nêu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước; đáp ứng các yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế .

Dự thảo luật Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung một số quy định về người nộp thuế và thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, sửa đổi, bổ sung các quy định về xác định thu nhập tính thuế và phương pháp tính thuế. Trong đó quy định cụ thể về phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với các đối tượng là: doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú phát sinh thu nhập tại Việt Nam; trường hợp hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập đối với tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 03 tỷ đồng. Ngoài ra, dự thảo Luật bỏ quy định về nơi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp để thực hiện thống nhất, đồng bộ theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành và phù hợp với quá trình phát triển của nền kinh tế trong nước và thế giới.

Dự thảo Luật bổ sung các chính sách ưu đãi thuế đặc biệt, để thu hút các nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư lớn, chiến lược. Tuy nhiên, với hiệu lực của Nghị quyết số 107/2023/QH15 về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (thuế tối thiểu toàn cầu) thì đồng thời với việc được hưởng các ưu đãi miễn giảm thuế đặc biệt, các nhà đầu tư lớn (có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu Euro/năm) sẽ vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung ở mức 15%. Với thực thế này, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn về hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế đặc biệt áp dụng cho các nhà đầu tư lớn, khi vừa thực hiện ưu đãi đặc biệt vừa thu lại thuế bổ sung. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định mức thuế suất 15% áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc diện phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu để không tạo ra chi phí quản lý và các thủ tục hành chính không cần thiết cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư khác phù hợp và hiệu quả hơn.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/sua-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-dap-ung-cac-yeu-cau-tu-thuc-tien-243829.htm