Cân nhắc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có cồn

Trong buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sáng 22/11, nội dung được các đại biểu quan tâm là việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo lộ trình.

Trong đó, cân nhắc tính toán, đề xuất mức tăng hợp lý để có thể đạt được các mục tiêu đặt ra mà không làm tác động lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh còn khó khăn hiện nay.

Theo các đại biểu Đoàn Quốc hội thành phố Hà Nội, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có mục tiêu chính là thay đổi hành vi người tiêu dùng, không phải mục tiêu chính là thu ngân sách. Khi đưa giải pháp tăng thuế thì cơ quan trình dự thảo cần làm rõ việc tăng thuế có chuyển đổi hành vi người tiêu dùng hay không?

Ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị: cả thuốc lá, rượu bia phải tăng luôn ở mức cao trong năm đầu tiên ở mức tuyệt đối 5.000 đồng/bao; rượu bia tăng luôn 15% ở năm đầu để tạo sự thay đổi rõ rệt để người tiêu dùng nhìn thấy và có quyết định thay đổi hành vi ngay. Sau đó dừng trong 5 năm tiếp tục tăng theo lộ trình. Như vậy vẫn đạt được mục tiêu và có giãn cách thay đổi hành vi.

Ở một khía cạnh khác, ông Trần Hoàng Ngân - đại biểu thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngành bia đóng góp cho ngân sách Nhà nước khá lớn, khoảng 56.000 tỷ đồng, lao động trực tiếp khoảng hơn 50.000 người; trong khi đó, ngành sản xuất này vừa phục hồi sau đại dịch, vì vậy cần cân nhắc về lộ trình và mức tăng để tránh cú shock tiếp theo. Theo đại biểu, nên giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt 65% như hiện nay trong 2 năm, sau đó mới tính toán mức tăng phù hợp, để doanh nghiệp có thời gian phục hồi và điều chỉnh kế hoạch sản xuất.

"Cần có độ trễ để đảm bảo nguồn thu ngân sách. Mặt khác, người lao động trên lĩnh vực này có điều kiện để đảm bảo công việc, doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu", đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Kim Chi

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/can-nhac-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-do-uong-co-con-282343.htm