Thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, góp phần phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia
Việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thị trường thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia.
Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
Chiều 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Trình bày tờ trình dự thảo luật, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với yêu cầu phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp, loại bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại toàn cầu.
Qua thực tiễn hơn 17 năm thi hành, luật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực này được nâng lên cả về chất và lượng, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành luật thời gian qua cho thấy đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần xử lý, giải quyết. Do đó, mục tiêu xây dựng dự án luật này này là nhằm hoàn thiện thể chế để thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nêu rõ, dự án luật thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Ban bí thư tại Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, dự thảo sửa đổi, bổ sung 19 điều trên tổng số 71 điều (chiếm 26,7%) của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các quy định này đã thể hiện đầy đủ 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, tập trung vào hoàn thiện các quy định bảo đảm tuân thủ cam kết thực hiện Hiệp định WTO/TBT và các FTA thế hệ mới, phù hợp với thông lệ quốc tế liên quan đến khái niệm, thuật ngữ, chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, hạ tầng chất lượng quốc gia, minh bạch hóa về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, lập báo cáo đánh giá tác động của quy chuẩn kỹ thuật, cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp xuyên biên giới.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động liên quan đến xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động thử nghiệm, chứng nhận, giám định nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội, phù hợp thông lệ quốc tế.
Hoàn thiện quy định về đối tượng, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo trình tự, thủ tục rút gọn; lập đánh giá tác động khi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Dự án luật cũng bổ sung quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đổi mới hoạt động xuất bản, phát hành tiêu chuẩn Việt Nam theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiệu quả.
Hoàn thiện quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp nhằm nội luật hóa các cam kết tại các FTA thế hệ mới, đồng thời bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững…
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi
Nêu quan điểm thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành luật và cho rằng, việc sửa đổi lần này sẽ đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thị trường thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia.
Ủy ban đề nghị cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là một số nội dung trong Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể hơn, tránh quy định chung chung, bảo đảm tính khả thi.
Ngoài ra, cần cụ thể hóa các chính sách của nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thành các điều khoản cụ thể, thể hiện rõ hơn quan điểm, chính sách của nhà nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với việc bổ sung quy định về chiến lược như trong dự thảo luật. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định rõ giai đoạn, thời kỳ, quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn; bổ sung quy định nội dung định hướng, đánh giá thực trạng, hoàn thiện hạ tầng chất lượng quốc gia; quy định rõ cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế; cân nhắc việc ban hành Kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hằng năm và định kỳ 5 năm bảo đảm đồng bộ với chiến lược.
Về minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thủ tục đánh giá sự phù hợp, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành và đề nghị rà soát, nghiên cứu, cụ thể hóa hơn nội dung minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật và quy định chi tiết về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, hoạt động phải thực hiện và điều kiện để bảo đảm minh bạch hóa; bổ sung quy định về việc công bố hợp chuẩn, hợp quy trên môi trường điện tử để thuận tiện, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí, thời gian cho tổ chức, doanh nghiệp…