Sửa quy định đào tạo thuyền viên phương tiện thủy nội địa
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2017 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 06/2020 quy định nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.
Tăng số thuyền viên được đào tạo, được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn
Theo Bộ GTVT, sau khi Thông tư số 03/2017 có hiệu lực, các cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa đã căn cứ quy định về nội dung, chương trình đào tạo quy định đã ban hành giáo trình, nội dung giảng dạy, đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.
Theo đó, chương trình bồi dưỡng nâng hạng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (GCNKNCM) thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa cấp gồm cho thuyền trưởng và máy trưởng.
Trong đó, GCNKNCM thuyền trưởng chia làm 4 hạng gồm: hạng nhất, hạng nhì, hạng ba và hạng tư.
GCNKNCM máy trưởng chia làm 3 hạng gồm: hạng nhất, hạng nhì và hạng ba, tương ứng với các chương trình bồi dưỡng phù hợp với từng loại, hạng.
Các chương trình được đánh giá cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tiễn công việc của thuyền viên trên phương tiện thủy nội địa.
Đối với chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuyên môn (CCCM) thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa gồm CCCM nghiệp vụ và CCCM đặc biệt, được chia làm 9 loại, tương ứng với 9 chương trình đào tạo gồm thủy thủ; thợ máy; lái phương tiện; điều khiển phương tiện cao tốc; điều khiển phương tiện đi ven biển; an toàn làm việc trên phương tiện đi ven biển; an toàn làm việc trên phương tiện chở xăng dầu; an toàn làm việc trên phương tiện chở hóa chất; an toàn làm việc trên phương tiện chở khí hóa lỏng.
Kết quả, giai đoạn 2017 - 2023, số lượng thuyền viên, người lái phương tiện được đào tạo, cấp mới 67.084 GCNKNCM, tăng 38% so với trước đó. Đồng thời, cấp mới 50.219 CCCM, tăng 32% so với giai đoạn trước khi có Thông tư.
Về số lượng cơ sở đào tạo, tính đến hết tháng 12/2023 trên cả nước hiện có 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Trong đó, miền Bắc có 7 cơ sở (do Cục ĐTNĐ Việt Nam cấp), miền Trung có 3 cơ sở do Sở GTVT cấp), miền Nam có 10 (8 cơ sở do Cục ĐTNĐ VN cấp, 2 cơ sở do Sở GTVT cấp).
Bất cập thuyền viên hoạt động trong sông cũng phải học về hàng hải
Điểm đáng chú ý tại dự thảo Thông tư sửa đổi là những đề xuất thay đổi trong việc đào tạo để cấp GCNKNCM thuyền trưởng.
Theo Bộ GTVT, quy định nội dung đào tạo để được cấp GCNKNCM thuyền trưởng hạng ba và hạng nhất hiện đang có nhiều môn học về hàng hải (địa văn, thao tác hải đồ, phương hướng trên biển...).
Tuy nhiên, hầu hết thuyền viên thủy nội địa hoạt động trong sông, kênh (trên phương tiện mang cấp VR-SI, VR-SII). Chỉ khi nào thuyền viên hoạt động trên phương tiện mang cấp VR-SB (thuyền viên thủy nội địa hoạt động tuyến ven biển) mới phải dùng kiến thức về hàng hải, thao tác hải đồ, hệ tọa độ địa dư, kinh tuyến, vỹ tuyến....
Thực tế hiện nay, chỉ có khoảng 3.000 phương tiện VR-SB trên tổng số khoảng 260.000 phương tiện thủy nội địa.
Như vậy, việc học kiến thức hàng hải đối với những thuyền viên chỉ hoạt động trong sông, kênh (trên tàu VR-SI và VR-SII) được đánh giá là không thực sự cần thiết.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư số 39/2019, thuyền viên hoạt động trên phương tiện mang cấp VR-SB, ngoài GCNKNCM tương ứng với phương tiện, phải có CCCM đặc biệt tương ứng với loại phương tiện.
Trong khi đó, nội dung và chương trình đào tạo của chứng chỉ này đã bao gồm kiến thức về hàng hải (hàng hải địa văn, khí tượng thủy văn, quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển, điều động tàu trên biển...).
Từ đây, dự thảo Thông tư đề xuất sửa đổi chương trình đào tạo GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhất, hạng ba theo hướng: Chuyển các nội dung liên quan đến hàng hải từ chương trình đào tạo nâng hạng thuyền trưởng sang nội dung chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện đi ven biển để tránh trùng lặp.
Việc sửa đổi này sẽ giúp giảm thời lượng học kiến thức không cần thiết đối với thuyền viên chỉ hoạt động trong sông, kênh, giảm chi phí, thời gian học tập của học viên. Đồng thời, vẫn đảm bảo chất lượng thuyền viên hoạt động ven biển.