Sửa quy định quyền hạn, tổ chức cảng vụ đường thủy

Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2021/TT-BGTVT ngày 14/9/2021 của Bộ GTVT quy định về tổ chức và hoạt động của cảng vụ đường thủy nội địa (ĐTNĐ).

Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật

Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, nội dung Thông tư 18 đã bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp với quy định và thực tiễn quản lý; cần được sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan và phù hợp thực tiễn quản lý nhà nước về cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.

Đại diện cảng vụ kiểm tra thiết bị an toàn trước khi cấp phép cho tàu rời bến (Ảnh: Tạ Hải).

Đại diện cảng vụ kiểm tra thiết bị an toàn trước khi cấp phép cho tàu rời bến (Ảnh: Tạ Hải).

Cụ thể, dự thảo thông tư sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung các nội dung về căn cứ pháp lý, phạm vi quản lý, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cảng vụ ĐTNĐ.

Về phạm vi quản lý của cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam bao gồm các cảng, bến (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu đã được công bố, cấp phép hoạt động. Trong đó có cảng, bến, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển được Bộ GTVT giao (điểm d khoản 1 Điều 3 dự thảo), trong khi Thông tư 18 quy định "cảng, bến, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa quốc gia".

Các cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc cơ quan chuyên môn về GTVT (sở) thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ quản lý cảng, bến, khu neo đậu trên ĐTNĐ địa phương; Cảng, bến, khu neo đậu trên ĐTNĐ chuyên dùng nối với ĐTNĐ địa phương; Cảng, bến, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển thuộc địa giới hành chính của địa phương được Bộ GTVT giao; Cảng, bến, khu neo đậu theo quy định tại khoản 1 Điều 3 thông tư sửa đổi được Bộ GTVT phân cấp theo quy định.

Dự thảo thông tư cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của cảng vụ ĐTNĐ được quy định tại khoản 16 Điều 4: "Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn và hàng năm; các dự án, đề án, công trình thuộc phạm vi quản lý nhà nước chuyên ngành ĐTNĐ; quy hoạch kết cấu hạ tầng ĐTNĐ, quy chuẩn, tiêu chuẩn cảng, bến, khu neo đậu khi có yêu cầu."

Bổ sung quy định tổ cảng vụ, tạo thuận lợi cho vận tải

Về cơ cấu tổ chức, dự thảo đề xuất quy định: "Đại diện cảng vụ ĐTNĐ thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến, khu neo đậu được giao theo quy định, được sử dụng con dấu riêng. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và địa bàn quản lý thực tế, giám đốc cảng vụ ĐTNĐ tổ chức các tổ cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc đại diện cảng vụ ĐTNĐ cho phù hợp.

Đại diện cảng vụ kiểm tra điều kiện về phương tiện, thuyền viên (Ảnh: Tạ Hải).

Đại diện cảng vụ kiểm tra điều kiện về phương tiện, thuyền viên (Ảnh: Tạ Hải).

Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam, giám đốc sở quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đại diện cảng vụ ĐTNĐ địa thuộc phạm vi quản lý theo đề nghị của giám đốc cảng vụ ĐTNĐ".

Lý giải về đề xuất này, Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, trước khi Thông tư 18 được ban hành, việc thành lập tổ cảng vụ trực thuộc đại diện cảng vụ có nhiều ưu điểm. Đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong khu vực được giao quản lý của tổ cảng vụ (chủ phương tiện, người lái phương tiện, chủ cảng, bến các cơ quan, đơn vị liên quan...) sẽ giảm bớt rất nhiều thời gian và chi phí đi lại để kịp thời thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định và các công việc khác có liên quan do khoảng cách gần.

Đối với cơ quan cảng vụ, viên chức cảng vụ cũng giảm bớt nhiều thời gian và chi phí đi lại để kịp thời kiểm tra, làm thủ tục, cấp giấy phép vào, rời cảng, bến cho phương tiện theo quy định, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cùng đó thuận tiện trong việc xử lý, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Tuy nhiên, Thông tư 18 không quy định có tổ cảng vụ thuộc các đại diện cảng vụ nên các đơn vị cảng vụ ĐTNĐ và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực ĐTNĐ đã gặp rất nhiều khó khăn.

"Do đó, cần tổ chức tổ cảng vụ (điểm công tác) thuộc đại diện cảng vụ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực ĐTNĐ", Cục ĐTNĐ Việt Nam kiến nghị.

Hiện cảng vụ ĐTNĐ gồm có các cảng vụ ĐTNĐ khu vực trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam và các cảng vụ ĐTNĐ địa phương thuộc các sở GTVT các tỉnh, thành phố.

Các cảng vụ ĐTNĐ khu vực trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam bao gồm 5 cảng vụ ĐTNĐ khu vực, quản lý 235 cảng và 3.465 bến thủy nằm rải rác trên 6.000km ĐTNĐ quốc gia thuộc địa bàn 30 tỉnh, thành phố.

Các cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc sở GTVT bao gồm 16 cảng vụ ĐTNĐ tại các tỉnh, thành phố gồm: TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tây Ninh, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Đà Nẵng, Ninh Bình.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sua-quy-dinh-quyen-han-to-chuc-cang-vu-duong-thuy-192240820212254194.htm