Sữa và sản phẩm từ sữa giúp giảm nguy cơ ung thư vú khoảng 9%

Kết quả nghiên cứu phân tích toàn diện các bài báo đã công bố cho thấy việc tiêu thụ sản phẩm từ sữa giảm nguy cơ ung thư vú khoảng 9%, hiệu ứng này rõ rệt hơn ở phụ nữ sau tuổi trung niên.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty images)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty images)

Một nhóm chuyên gia Hàn Quốc vừa đưa ra kết quả nghiên cứu phân tích toàn diện các bài báo đã công bố cho đến nay về mối quan hệ giữa việc tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa với nguy cơ ung thư vú, cho thấy việc sử dụng các sản phẩm từ sữa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Trong số mới nhất của tạp chí khoa học quốc tế Nutrition Research, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Kim Jeong Seon thuộc Khoa Dịch tễ học Ung thư của Trường Cao học Quốc tế về Nghiên cứu Ung thư thuộc Trung tâm Ung thư Quốc gia Hàn Quốc đứng đầu, đã tiến hành phân tích tổng hợp 51 bài báo nghiên cứu được công bố trên toàn thế giới cho đến tháng 12/2024 về mối quan hệ giữa việc tiêu thụ các sản phẩm từ sữa và nguy cơ ung thư vú, đồng thời ước tính mức độ rủi ro mắc ung thư vú theo việc tiêu thụ các sản phẩm từ sữa.

Tổng số bệnh nhân ung thư vú được phân tích là 62.602 trường hợp. Kết quả phân tích cho thấy việc tiêu thụ sản phẩm từ sữa giảm nguy cơ ung thư vú khoảng 9%, hiệu ứng này rõ rệt hơn ở phụ nữ sau tuổi trung niên. Cụ thể, phụ nữ từ 45 tuổi trở lên tiêu thụ các sản phẩm từ sữa có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn 19%.

Ngoài ra, việc tiêu thụ nhiều sản phẩm từ sữa ít béo có liên quan đến tác dụng bảo vệ rõ rệt hơn ở phụ nữ tiền mãn kinh. Các sản phẩm từ sữa lên men, trong đó có sữa chua, có tác dụng đáng kể trong việc giảm 9% nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh.

Theo Giáo sư Kim Jeong Seon, việc tiêu thụ các sản phẩm từ sữa cho thấy mối liên hệ đáng kể với việc giảm nguy cơ ung thư vú nói chung và mối liên hệ mạnh nhất được quan sát thấy ở các sản phẩm từ sữa ít béo và lên men.

Nhóm nghiên cứu phân tích rằng vitamin D có trong các sản phẩm từ sữa góp phần ức chế quá trình phát triển ung thư bằng cách làm giảm nồng độ insulin và các yếu tố tăng trưởng giống insulin. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các sản phẩm từ sữa có hiệu quả trong việc ngăn ngừa ung thư vú vì là nguồn cung cấp canxi dồi dào, có thể ảnh hưởng đến sự tăng sinh, biệt hóa tế bào và ức chế sự phát triển của khối u.

Ngoài ra, các hợp chất hoạt tính sinh lý có trong các sản phẩm từ sữa có tác dụng ức chế sự tăng sinh, di căn và hình thành mạch máu của tế bào ung thư vú.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy một điểm đáng lưu ý, đó là mối tương quan tích cực khi lượng sữa tiêu thụ cao hơn có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú âm tính với thụ thể estrogen (ER) cao hơn 31%. Đây là loại ung thư đặc trưng bởi không có hoặc có rất ít thụ thể trên bề mặt tế bào ung thư mà hormone nữ estrogen có thể liên kết, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn so với ung thư vú thông thường.

Nhóm nghiên cứu giải thích rằng mặc dù việc tiêu thụ các sản phẩm từ sữa có tác dụng chung là ức chế ung thư vú, nhưng lại làm tăng nguy cơ phát triển một loại ung thư vú cụ thể - ung thư vú âm tính với thụ thể estrogen (ER), do đó cần nghiên cứu thêm.

Giáo sư Kim khuyến nghị cần chú ý đến những kết quả tích cực liên quan việc sử dụng các sản phẩm từ sữa ít béo và sữa lên men trong phòng ngừa ung thư vú. Tuy nhiên, vì tác dụng của việc tiêu thụ các sản phẩm từ sữa có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng mãn kinh, nên cần cân nhắc yếu tố này khi xây dựng chế độ ăn uống.

Trong một diễn biến có liên quan, theo dữ liệu phân tích của Hiệp hội Ung thư vú Hàn Quốc, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Hàn Quốc hiện nay. Chỉ tính trong năm 2024, số trường hợp được chẩn đoán mới là 36.650 trường hợp (35.366 nữ và 129 nam), chiếm 21,8% tổng số ca ung thư ở phụ nữ trên toàn Hàn Quốc.

Tuy nhiên, nhờ triển khai chương trình tầm soát sức khỏe toàn dân, tỷ lệ chẩn đoán sớm ngày càng tăng, cùng với việc áp dụng phương pháp điều trị chuẩn phù hợp với từng đặc điểm của bệnh lý nên tỷ lệ tử vong đang có xu hướng giảm. Năm ngoái, tỷ lệ tử vong theo độ tuổi của bệnh nhân ung thư vú ở Hàn Quốc được ghi nhận ở mức 5,8/100.000 người, thấp hơn so với Mỹ (12,2), Vương quốc Anh (14) và Nhật Bản (9,7).

Nguyên nhân chính xác gây ra ung thư vú đến nay chưa được xác định rõ ràng, nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có nhiều yếu tố nguy cơ tương tác phức tạp. Các yếu tố thường gặp có: tình trạng thụ thể hormone nữ, tiền sử gia đình, thói quen ăn uống và các yếu tố môi trường. Trong số đó, yếu tố đang được quan tâm hiện nay là thói quen ăn uống, vì đây là yếu tố nguy cơ có thể được kiểm soát.

Các chuyên gia khuyến nghị nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau quả và ngũ cốc nguyên hạt, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/sua-va-san-pham-tu-sua-giup-giam-nguy-co-ung-thu-vu-khoang-9-post1037752.vnp