'Sức bật' từ đột phá giao thông
Kinh tế tăng trưởng khá, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo liên kết vùng, giao thương thuận lợi, giảm tai nạn giao thông… là những kết quả nổi bật huyện Vị Xuyên có được nhờ 'sức bật' từ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư tương đối đồng bộ.
Đại hội Đảng bộ huyện Vị Xuyên khóa XXIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định phát triển hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Sau 5 năm đưa nghị quyết vào cuộc sống với nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cách làm linh hoạt, hiệu quả trong huy động nguồn lực và triển khai ở cơ sở, nhiều tuyến đường giao thông “huyết mạch” liên huyện, liên xã, đường nội thị được đầu tư, nâng cấp, trong đó nhiều tuyến đường được thực hiện 100% xã hội hóa, mở ra cơ hội liên kết vùng để phát triển KT – XH ở địa phương.
Từ năm 2015 đến nay, huyện hoàn thành nâng cấp 5 tuyến đường liên xã; phát triển giao thông liên kết vùng Thượng Sơn - Túng Sán (Hoàng Su Phì), Ngọc Minh - Lâm Bình (Tuyên Quang), Tùng Bá, Thuận Hòa - Tráng Kìm (Quản Bạ). Có 6 xã hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng Nông thôn mới. Toàn huyện làm mới trên 372 km đường bê tông nông thôn và 38 cầu qua suối các loại; đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ thi công dự án đường nội thị, thị trấn Vị Xuyên (giai đoạn 1); mở đường tuần tra biên giới từ Mốc 252 đến Mốc 260; hoàn thành 8 tuyến đường bê tông tại 2 thị trấn; đề xuất chủ trương triển khai Dự án nâng cấp tuyến đường thôn Lùng Càng đi thôn Lùng Châu (Phong Quang); cải tạo, sửa chữa tuyến đường Việt Lâm - Quảng Ngần - Thượng Sơn; hỗ trợ gần 4 ngàn tấn xi măng cho các xã triển khai làm đường bê tông để nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông tại các xã Nông thôn mới và 2 thị trấn. Tổng kinh phí đầu tư, nâng cấp, sữa chữa, mở mới các tuyến đường giao thông đạt trên 837,8 tỷ đồng; trong đó nhà nước đầu tư 756,414 tỷ đồng, vốn từ các dự án đầu tư nước ngoài 35,122 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 46,4 tỷ đồng và hiến trên 90.500 m2 đất.
Việc đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông tạo thuận lợi cho KT – XH phát triển, huyện thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp như: Liên kết trồng mía xuất khẩu, ngô sinh khối, sản xuất lúa thuần theo chuỗi giá trị, dược liệu, chăn nuôi bò sữa công nghệ cao. Trong 9 tháng của năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ năm trước; có 191 doanh nghiệp và tư thương tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 185 triệu USD.
Bên cạnh kết quả đạt được, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện còn một số khó khăn như: Đường nội thị, đường huyện, xã chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch; đường đến trung tâm các xã nhỏ hẹp, một số tuyến đường xuống cấp sau thời gian dài khai thác chưa được nâng cấp, sửa chữa; hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh; nhiều tuyến đường đến thôn, bản vùng sâu, xa chưa được bê tông hóa.
Xác định hạ tầng giao thông là “chìa khóa” để thúc đẩy phát triển KT – XH, BCH Đảng bộ huyện Vị Xuyên ban hành Nghị quyết chuyên đề về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu: Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông hiện có; bê tông hóa đường giao thông nông thôn; rà soát, lập quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn tích hợp vào quy hoạch chung của huyện. Tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường quy hoạch kéo dài Quốc lộ 2C Ngọc Minh - Bạch Ngọc - Ngọc Linh, Phú Linh - Linh Hồ - Ngọc Linh, Phú Linh - Kim Thạch - Km 4, Quốc lộ 34; đường nối từ cầu Phương Tiến đến Quốc lộ 4C; mở mới tuyến đường nội thị thị trấn Vị Xuyên và tuyến đường vành đai phía Đông thị trấn Vị Xuyên; nâng cấp, sửa chữa tuyến đường Việt Lâm - Quảng Ngân - Thượng Sơn - Túng Sán (Hoàng Su Phì); xây dựng mới cầu Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy; nâng cấp, sửa chữa 100% hệ thống cầu treo trên địa bàn và hoàn thành các cầu qua suối; phấn đấu 100% thôn biên giới có đường giao thông đến trung tâm đạt chuẩn Nông thôn mới; hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng Nông thôn mới tại 8 xã; tăng cường quản lý, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa và an toàn giao thông.
Để đạt mục tiêu trên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Mạnh Tuyên, huyện đang tập trung một số giải pháp trọng tâm: Lập quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tích hợp vào quy hoạch của huyện; đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông ở tất cả các cấp, đồng thời huy động các nguồn vốn, hình thức đầu tư khác; hoàn thiện cơ chế, chính sách về bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng Nông thôn mới; giải phóng mặt bằng bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ; ứng dụng khoa học và công nghệ trong triển khai các bước khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo trì; tăng cường quản lý Nhà nước đối với công trình giao thông.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202110/suc-bat-tu-dot-pha-giao-thong-783528/