Sức bật từ phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới
Ông Đặng Ngọc Vàng (bìa phải) cùng cán bộ thôn đang trao đổi về việc tự nguyện hiến đất xây nhà văn hóa thôn Tư Thạnh, xã An Lĩnh, huyện Tuy An. Ảnh: NGỌC HÂN
Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, hơn 10 năm qua, hàng trăm hộ dân ở các địa phương trong tỉnh đã hiến hàng ngàn mét vuông đất xây dựng nhà văn hóa, trường học, làm đường giao thông…, góp phần làm cho bộ mặt NTM ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Người dân tự nguyện hiến đất
Xã An Lĩnh, huyện Tuy An, đường bây giờ không còn chật hẹp, nắng bụi mưa lầy như trước nữa. Ngày nay, con đường về xã đã được mở rộng, trải bê tông bằng phẳng, thuận lợi cho việc đi lại của hơn 1.250 hộ dân. Hai bên đường là những ngôi nhà khang trang, kiên cố, xen lẫn các hàng quán kinh doanh dịch vụ. Ông Nguyễn Thanh Kim, Phó Chủ tịch UBND xã An Lĩnh, cho biết: Trước đây, An Lĩnh là xã nghèo của huyện, đời sống người dân nhiều khó khăn. Phong trào xây dựng NTM được triển khai tại xã như một luồng gió mới. Nhiều nông dân tự nguyện hiến đất xây dựng hạ tầng, đường giao thông… rất đáng khen ngợi. Nhờ vậy, nhiều tuyến đường, nhà văn hóa được mở rộng và xây mới khang trang.
Là người đầu tiên trong thôn hiến 1.000m2 đất làm nhà văn hóa, ông Đặng Ngọc Vàng ở thôn Tư Thạnh, xã An Lĩnh, chia sẻ: Trước đây, thôn không có nhà văn hóa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Năm 2013 có chính sách hỗ trợ làm nhà văn hóa của Nhà nước nhưng không tìm được mặt bằng để xây dựng. Nhận thấy diện tích đất trồng mía của nhà mình thích hợp để xây nhà văn hóa, tôi đã bàn với vợ và quyết định hiến toàn bộ phần đất trên để làm nhà văn hóa thôn. Tôi thường động viên các thành viên trong gia đình rằng: Mình còn sức khỏe, mình còn làm ra được tiền của, không lo đói nghèo. NTM sẽ giúp mình xóa nghèo và làm giàu nhanh hơn.
Cũng như nhiều hộ dân khác ở thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), gia đình ông La Lang Tiến thu nhập chủ yếu từ nghề nông, vì thế đối với ông Tiến, diện tích đất nông nghiệp chính là nguồn sống quan trọng và quý giá giúp duy trì và phát triển kinh tế gia đình. Thế nhưng khi thấy con em trong thôn cần có trường học, năm 2020, ông Tiến đã tự nguyện hiến 4.000m2 đất của gia đình để xây trường học mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Trước tấm lòng và nghĩa cử cao quý của gia đình ông Tiến, bà con trong thôn cũng đóng góp công sức, tiền của để cùng Nhà nước bê tông toàn bộ đoạn đường dẫn vào điểm trường tiểu học thôn Hòa Ngãi. “Bây giờ mỗi lần có việc đi ngang qua điểm trường, nhìn các cháu vui chơi học tập trong khuôn viên trường học khang trang, tôi rất vui vì mình đã góp phần giúp con em trong thôn được thuận lợi trong học hành để tạo dựng tương lai sau này”, ông Tiến phấn khởi nói.
Nỗ lực tuyên truyền, vận động
Nhận thức sâu sắc việc xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng NTM, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh đã làm tốt công tác vận động người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn. Người dân các địa phương tích cực hưởng ứng phong trào bằng cách đóng góp ngày công lao động, hiến đất và tài sản trên đất phục vụ làm đường giao thông.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) Trần Quốc Suyền, ở thời điểm tấc đất như tấc vàng, để vận động người dân hiến vài chục mét vuông đất làm đường nông thôn đã khó chứ đừng nói gì đến hàng ngàn mét vuông. “Thế nhưng mấy năm qua, người dân trong xã đã hiến 15.378m2 đất, hoa màu và tham gia đóng góp hơn 26 tỉ đồng xây dựng NTM. Ngoài ra, người dân còn đầu tư xây dựng nhà, chỉnh trang cổng ngõ, tường rào với số tiền trên 20 tỉ đồng”, ông Suyền cho biết.
Điển hình trong phong trào này là bà Phạm Thị Lý ở thôn Xuân Thạnh 2, đã tự nguyện hiến 5 bụi tre và 500m2 đất để làm đường vào thôn. Bà Lý cho hay: “Bà con trong thôn ai cũng muốn có con đường bê tông để thay đường đất. Vì vậy, khi có chủ trương mở rộng đường cùng với những đợt tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương, chúng tôi ủng hộ, tháo dỡ công trình liên quan để việc thi công thuận lợi. Riêng gia đình tôi, con đường mở ra đi qua đất vườn nhà nên tôi đã tự nguyện hiến. Bây giờ, các tuyến đường trong thôn vừa to, vừa rộng, bà con ai cũng phấn khởi”.
Với vai trò nòng cốt trong phong trào nông dân xây dựng NTM, theo ông Phan Đại Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh, hơn 10 năm qua, các cấp hội nông dân trong toàn tỉnh đã chủ động thực hiện những nội dung, việc làm cụ thể, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực ở các địa phương. “Với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, giai đoạn 2010-2022, 80% hội viên, nông dân tham gia các công trình hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh; vận động nông dân hiến gần 315.000m2 đất để xây dựng các công trình công cộng; đóng góp 340 tỉ đồng, 540.813 ngày công lao động và 125 mô hình Thắp sáng đường quê với 9.500 bóng đèn với chiều dài 350km đường giao thông nông thôn…”, ông Thắng cho biết.