Sức hấp dẫn không thể chối từ của loài cua không ngủ ở Na Uy

Na Uy vốn nổi tiếng sở hữu vùng biển lạnh, sạch nhất thế giới và đây cũng chính là môi trường sống lý tưởng cho loài cua Nâu.

 Ngư dân Na Uy đánh bắt cua nâu ngoài biển. Ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy

Ngư dân Na Uy đánh bắt cua nâu ngoài biển. Ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy

Loài cua không ngủ

Khi màn đêm buông xuống bên bờ biển Na Uy, những con cua Nâu sẽ chui ra từ các kẽ đá để gặm những con hà bám trên đá. Món khoái khẩu của cua Nâu là hà nhưng đây cũng chính là điểm yếu của loài này. Vào những đêm hè yên ả, người Na Uy mạo hiểm ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ và giong thuyền tới nơi mà họ biết chắc chắn cua Nâu đang tìm hà để ăn.

Để bắt cua Nâu, bạn chỉ cần một chiếc đèn pin và phản xạ nhanh. Bạn phải xử lý thật nhanh, bởi chỉ sau một hai giây bị chói mắt vì ánh đèn, cua Nâu sẽ ý thức được chuyện gì đang xảy ra và nó sẽ dùng càng kẹp mạnh đối phương.

Vì cua là loài sống về đêm nên khó có thể bắt gặp một con cua Nâu kiếm ăn vào ban ngày. Ban ngày, cua Nâu sẽ tìm một nơi để nghỉ ngơi, thường là trong các kẽ đá hoặc dưới lớp rong tảo nhưng hiểm nguy của biển cả không cho phép nó ngủ yên. Đôi mắt của cua Nâu luôn mở trong khi "mũi" của nó - những xúc tu giữa hai mắt - liên tục di chuyển, cảnh giác trước những mối đe dọa xung quanh. Do đó, nó còn được biết đến là loài cua không ngủ.

Thực tế, đó là một chiến lược kéo dài tuổi thọ: Một số con cua thậm chí có thể sống đến cả trăm tuổi. Ngày nay, người ta vẫn có thể tìm thấy những con cua Nâu sống sót từ Thế chiến thứ I.

Tuy nhiên, tuổi thọ trung bình của cua Nâu Na Uy là khoảng 25 đến 30 năm. Cua Nâu thích sống ở đáy biển, nơi có đá hoặc cát, ở độ sâu từ 6-40m; những con lớn hơn sẽ sống ở vùng nước sâu hơn.

Quy chuẩn đánh bắt nghiêm ngặt

Đúng như tên gọi, cua Nâu có màu nâu đỏ, những con non có thể có màu nâu tía. Chúng có 8 chân nhọn và 2 càng chắc khỏe, đầu 2 càng có màu đen ấn tượng và trông khá dữ tợn.

Một trong những đặc điểm dễ phân biệt nhất của loài cua này là hoa văn chạy dọc theo mép mai có cấu tạo "vỏ bánh" đặc trưng.

Cua Nâu là loài cua lớn nhất sinh sống tự nhiên ở vùng biển Na Uy. Mặc dù cua Hoàng đế đỏ và cua Tuyết lớn hơn nhưng hai loại này đều do con người đưa đến vào vùng biển Na Uy. Cua Nâu có bề ngang đạt 15cm, cũng có khi lên tới là 25cm.

Giống như tất cả các loài giáp xác, cua Nâu phải lột xác để trưởng thành. Tuy nhiên, quá trình này không nhất thiết phải xảy ra hàng năm, vì nó tiêu tốn một lượng năng lượng khổng lồ và khiến cua Nâu rơi vào tình thế dễ bị tổn thương trong giai đoạn cua lột xác.

Những con cua già hơn, tốc độ tăng trưởng chậm lại, đôi khi sẽ chỉ lột xác hai năm một lần.

Vì là một quốc gia nhận thức được tầm quan trọng của việc đánh bắt bền vững nên Na Uy quy định rất nghiêm ngặt về việc khai thác cua Nâu.

Cua Nâu được đánh bắt quanh năm, mùa cao điểm từ tháng 7 đến tháng 11. Cua Nâu được đánh bắt bằng cách đặt các bẫy có mồi bên trong xuống biển. Đây là một trong những phương pháp đánh bắt thương mại có tính chất chọn lọc nhất, cho phép những con cái nhỏ, chưa đủ kích thước và những con cái mang trứng được thả trở lại biển.

Trong lĩnh vực chế biến và thương mại xuất khẩu, cua Nâu phải đạt các yêu cầu như có hàm lượng thịt cao, sạch, không bị thương và còn nguyên cả hai càng.

Hương vị hảo hạng

Do sinh trưởng số lượng lớn dọc theo bờ biển Na Uy nên cua Nâu đã trở thành một trong những món ngon phổ biến của quốc gia Bắc Âu này trong nhiều thế kỷ. Với một con cua Nâu trong tay, tất cả những gì bạn cần là một ít chanh, sốt mayonnaise và một lát bánh mì để có một bữa tiệc ngon miệng. Nếu thêm cảnh hoàng hôn và một ly rượu vang trắng là bạn đã có thực đơn sang trọng cho một buổi tối thú vị...

 Cua nâu ăn kèm cơm. Ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy

Cua nâu ăn kèm cơm. Ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy

Thưởng thức cua Nâu có sức hấp dẫn đặc biệt. Mặc dù cua đã được chế biến và dọn sẵn trên bàn ăn, nhưng để thưởng thức được thịt bên trong, bạn phải chinh phục được lớp vỏ cua rắn chắc bằng búa hoặc kìm chuyên dụng. Cách ăn khác biệt này phần nào đó làm tôn nên sức hấp dẫn của cua nâu Na Uy.

Thịt cua Nâu không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng, giàu protein và vitamin B12, selen - một chất chống oxy hóa quan trọng, đồng thời cung cấp Omega 3 cho cơ thể, góp phần vào hoạt động bình thường của tim, não và ổn định huyết áp. Cấu trúc thịt của cua Nâu thiếu mô liên kết nên dễ tiêu hóa, phù hợp với mọi lứa tuổi.

Về hương vị, cua Nâu đực có nhiều thịt trắng ngon ngọt hơn trong cua cái có nhiều thịt nâu đậm đà hơn. Nếu khai thác vào thời điểm chính vụ, cua nâu sẽ chắc nịch thịt và trứng.

Dù lượng thịt trắng và thịt nâu khác nhau nhưng cả cua đực và cái đều rất ngon, đều có thể xuất hiện trên bàn ăn dành cho người sành ăn. Cua Nâu thường được nấu chín nguyên con nhưng có thể sử dụng linh hoạt trong các công thức nấu ăn khác nhau của cả phương Tây lẫn phương Đông.

Tại Việt Nam, cua Nâu rất được săn đón nhờ chất lượng hảo hạng và giá cả hợp lý. Việt Nam nhập khẩu trực tiếp cua Nâu từ Na Uy theo hình thức cua sống và đông lạnh. Hiện nay, cua Nâu sống có giá từ 700.000 đồng - 800.000 đồng/kg, còn cua đông lạnh có giá hơn 300.000 đồng/kg. Theo Công ty Arctic Seafood Norway AS, giá cua đông lạnh tại Việt Nam tương đối sát với giá bán lẻ tại Na Uy.

Thượng đế Việt có thể đem hấp cua Nâu cùng gừng, sả, sốt me hay nấu súp v.v... Dù chế biến theo hình thức nào, hương vị cua Nâu Na Uy cũng sẽ không làm bạn thất vọng.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/suc-hap-dan-khong-the-choi-tu-cua-loai-cua-khong-ngu-o-na-uy-316428.html