Sức hút của du lịch tâm linh
Ngay từ những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, các điểm du lịch tâm linh đã đón hàng vạn khách từ khắp nơi về chiêm bái và vãn cảnh đầu năm. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu khai thác tốt, du lịch tâm linh sẽ có sức hút không chỉ với khách nội địa mà còn hấp dẫn với khách quốc tế. Tuy nhiên, hiện nhiều khu du lịch tâm linh chủ yếu khai thác những tài nguyên sẵn có…
![Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) hàng năm thu hút hàng vạn du khách. Ảnh: Lê Khánh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_113_51424684/68e0daefe3a10aff53b0.jpg)
Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) hàng năm thu hút hàng vạn du khách. Ảnh: Lê Khánh.
Theo thông tin từ các công ty du lịch, các điểm du lịch tâm linh như: Chùa Hương (Hà Nội), Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phủ Dầy (Nam Định), chùa Tam Chúc (Hà Nam)… đang được nhiều du khách lựa chọn đến dâng hương, cầu nguyện và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hữu tình dịp đầu xuân.
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, các công ty du lịch đã xây dựng các tour hành hương cho du khách với mức giá từ vài trăm nghìn đồng cho đến vài triệu đồng. Như tour Hà Nội - Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình) 750.000 đồng/người; tour du lịch chùa Hương đi về trong ngày hoặc 2 ngày 1 đêm với giá 850.000 - 1,3 triệu đồng/khách (bao gồm vé thắng cảnh, thuê đò, bảo hiểm, ăn nghỉ...); tour Hà Nội - Yên Tử giá 850.000 đồng/người; tour Du Lịch Tây Ninh: Núi Bà Đen - Thánh địa Đạo Cao Đài (khởi hành từ TPHCM) giá 890.000 đồng...
Tour du lịch tâm linh hút khách
Là địa phương sở hữu hơn 1.000 lễ hội lớn nhỏ, Hà Nội đã tăng cường chỉ đạo các quận, huyện, thị xã nhằm đảm bảo công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2025 diễn ra hiệu quả. Sở Du lịch Hà Nội chủ trì, phối hợp UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2025 tại điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt đền, chùa, đình tại quận Hai Bà Trưng; Sở Du lịch Hà Nội cũng đồng chủ trì với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố tổ chức chương trình Du xuân hữu nghị 2025 tại huyện Mê Linh... Đây là 2 hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch mở màn của ngành du lịch Thủ đô trong năm 2025.
![Du khách thập phương vãn cảnh chùa Trấn Quốc (Hà Nội) dịp đầu xuân. Ảnh: P.Sỹ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_113_51424684/b703030c3a42d31c8a53.jpg)
Du khách thập phương vãn cảnh chùa Trấn Quốc (Hà Nội) dịp đầu xuân. Ảnh: P.Sỹ.
Trong đó, lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là một trong những lễ hội có quy mô lớn và thời gian kéo dài. Lễ hội chùa Hương năm 2025 có chủ đề “Lễ hội chùa Hương - điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt”, diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2 - 1/5. Chỉ riêng dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, chùa Hương đã đón hàng trăm nghìn lượt khách thập phương. Mặc dù lượng khách trẩy hội chùa Hương rất đông, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, không có tình trạng đeo bám, chèo kéo khách như những năm trước. Khách tham quan tỏ ra khá hài lòng với những dịch vụ, đổi mới của lễ hội.
Tại Ninh Bình, du lịch tâm linh chùa Bái Đính là một trong những điểm đến luôn thu hút đông du khách trong dịp đầu năm mới, trung bình mỗi ngày chùa đón trên 30.000 lượt khách, cao điểm có ngày đón gần 70.000 lượt khách. Ngoài khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, các khu, điểm du lịch khác như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, khu du lịch sinh thái Tràng An, phố cổ Hoa Lư... cũng đón lượng lớn du khách trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong 9 ngày nghỉ Tết vừa qua, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đón hơn 700.000 lượt khách, tăng 17% so với năm 2024. Trong đó có hơn 130.000 lượt khách quốc tế.
Hay như Nam Định là một trong những địa phương nổi tiếng với di tích đền Trần và Lễ hội Phủ Dày. 2 địa danh này luôn thu hút đông đảo du khách thập phương vào dịp đầu xuân. Ngay từ mùng 1 Tết, khu di tích đã đón đông đảo người dân, du khách đến lễ, vãn cảnh. Ước tính, trong 4 ngày Tết đã có khoảng 70.000 người đến tham quan. Theo thông lệ, từ nay đến ngày diễn ra Lễ hội Khai ấn đền Trần, một lượng lớn người dân và du khách thập phương sẽ tiếp tục hành hương về khu di tích.
Không chỉ có sức hút với khách trong nước
Theo các chuyên gia, du lịch tâm linh đang là xu thế và thế mạnh được rất nhiều quốc gia khai thác, trở thành dòng sản phẩm du lịch chủ đạo mang nguồn thu lớn như: Ấn Độ, Bhutan, Thái Lan...
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh thể hiện ở bề dày văn hóa, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm gắn với tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng thời nhu cầu du lịch, đi lễ của du khách đã trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển. Nếu khai thác tốt, du lịch tâm linh sẽ có sức hút không chỉ với khách nội địa mà còn hấp dẫn với khách quốc tế.
Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á cũng cho biết: “Tiềm năng phát triển của du lịch tâm linh ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều người tìm kiếm sự bình yên, tĩnh lặng và những giá trị tinh thần. Du lịch tâm linh không chỉ giúp du khách tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng mà còn tạo ra cơ hội phát triển kinh tế cho các địa phương. Hầu như tất cả các tỉnh/thành Việt Nam đều có những điểm du lịch tâm linh, cho thấy nhu cầu tìm về với những giá trị tâm linh, văn hóa truyền thống đang ngày càng được chú trọng”. Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, du lịch tâm linh chính là dòng sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Việt Nam. “Nếu khai thác tốt, du lịch tâm linh còn mang đến nhiều lợi ích, không chỉ thu hút khách nội địa, mà còn là sản phẩm để thu hút khách quốc tế. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều khu du lịch tâm linh hiện nay đã đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, như khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam), Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình)...” - ông Bình cho hay.
Khai thác gắn với bảo tồn
Du lịch tâm linh không chỉ là sản phẩm thúc đẩy ngành du lịch phát triển, mà còn góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu về du lịch tâm linh đang ngày càng tăng, trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của du lịch văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch này một cách hiệu quả và bền vững, nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị di tích, là một thách thức không nhỏ.
Để tạo sức hút với du khách, khai thác hiệu quả “mỏ vàng” du lịch tâm linh, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, các địa phương cần có kế hoạch đầu tư bài bản cho những lễ hội, điểm di tích tâm linh mang tính nổi bật, tạo thành thương hiệu riêng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho những lễ hội tổ chức vào mùa hè, mùa thu.
Còn theo ông Lê Hồng Thái - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội), du khách thường có xu hướng đi lễ ở nhiều điểm, vì thế các địa phương cần có sự liên kết chặt chẽ cũng như liên kết với các đơn vị lữ hành xây dựng tour, tuyến du lịch tâm linh trọn gói hấp dẫn, nhiều trải nghiệm cho du khách.
Ông Phạm Hải Quỳnh cũng cho rằng, để khai thác tiềm năng du lịch tâm linh một cách bền vững, cần có những chiến lược cụ thể. Trước hết cần có các quy định rõ ràng về việc bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử gắn liền với các địa điểm tâm linh. Việc khảo sát và đánh giá định kỳ về tình trạng của các di sản là rất cần thiết. Ngoài ra, cần phải đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có kiến thức sâu về văn hóa tâm linh để giúp du khách hiểu rõ hơn về giá trị của các địa điểm này. Cải thiện hạ tầng giao thông, dịch vụ lưu trú và ăn uống xung quanh các địa điểm tâm linh để tạo thuận lợi cho du khách. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền về văn hóa và giá trị của du lịch tâm linh qua các phương tiện truyền thông và trong các trường học.
“Để du lịch tâm linh không chỉ thu hút khách trong nước thì các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần xây dựng hình ảnh một điểm đến tâm linh nổi bật. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống và sự kiện tâm linh quy mô lớn sẽ tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm văn hóa bản địa. Đồng thời, cần đẩy mạnh quảng bá qua truyền thông xã hội và hợp tác với các công ty du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, việc phát triển các tour du lịch kết hợp tâm linh với văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên sẽ gia tăng sức hấp dẫn cho du khách” - ông Quỳnh nói.
Để tour văn hóa tâm linh trở thành “mỏ vàng” tạo nguồn thu cho du lịch, ông Phùng Quang Thắng cho rằng, ngoài việc đầu tư nguồn lực, các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch cần tăng trải nghiệm cho du khách dựa vào các giá trị văn hóa sẵn có, hướng du khách tới giá trị “chân - thiện - mỹ” trong các hoạt động thực hành tín ngưỡng dân gian.
TS Hoàng Thị Điệp - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam:
Để du lịch tâm linh phát triển bền vững
TS Hoàng Thị Điệp.
Du lịch tâm linh là một loại hình nhiều tiềm năng, đặc biệt tại những địa phương giàu giá trị văn hóa tâm linh. Nếu được xây dựng thành các tuyến sản phẩm đặc trưng, loại hình này có thể mang lại sự phát triển bền vững cho cả địa phương lẫn doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ đặc điểm của du lịch tâm linh: Không chịu tác động của thời tiết hay tính thời vụ, nhờ đó có khả năng thu hút du khách quanh năm. Nếu được xây dựng thành các tuyến sản phẩm đặc trưng, du lịch tâm linh có thể mang lại sự phát triển bền vững cho cả địa phương lẫn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các địa phương cần có chiến lược đầu tư bài bản vào hệ thống di tích, lễ hội mang dấu ấn riêng, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch đặc sắc. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, đặc biệt đối với các lễ hội diễn ra vào mùa hè và mùa thu, nhằm gia tăng sức hút và mở rộng phạm vi tiếp cận du khách.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/suc-hut-cua-du-lich-tam-linh-10299528.html