Sức hút của những cửa hiệu lâu đời tại địa phương

Ở các cửa hiệu lâu đời, người bán và người mua đã trở thành bạn bè nhờ gặp gỡ thường xuyên. Tình cảm gắn bó giữa đôi bên biến thành một dịch vụ chăm sóc khách hàng đáng tin cậy.

 Tại các khu chợ quê, người bán và người mua đều quen biết nhau. Ảnh: D.V.

Tại các khu chợ quê, người bán và người mua đều quen biết nhau. Ảnh: D.V.

Cách đây không lâu tôi đã đến Pittsburgh, nơi tôi chào đời và ghé thăm cửa hàng phô mai nổi tiếng nhất ở bang Pennsylvania. Có lẽ đó là cửa hàng phô mai nổi tiếng nhất ở Mỹ. Hoặc trên thế giới! Đó là nhận xét của nhiều người

Vào năm 1902, ba anh em đến từ Sicily (một hòn đảo của Italy) là Augustino, Salvatore và Michael Sunseri mở một công ty sản xuất mỳ ăn liền nhỏ, giờ được biết đến với tên gọi Pennsylvania Macaroni Company. Gia đình nhập cư trẻ tuổi đã gan góc làm việc để duy trì hoạt động kinh doanh qua Thời kỳ Đại suy thoái, hai cuộc chiến tranh thế giới và một trận hỏa hoạn tàn khốc, gần như phá hủy hết cơ ngơi của họ.

Ngày nay, cửa hàng vẫn hoạt động nhộn nhịp tại quận Strip giàu lịch sử của Pittsburgh, bán được khoảng hơn 90.000 kg phô mai mỗi tuần.

Cửa hàng kỳ diệu này có một vị trí đặc biệt trong lịch sử gia đình Schaefer. Ông tôi đã mua sắm ở cửa hàng này trong suốt nhiều thập kỷ. Nếu công việc làm thợ sửa ống nước khiến ông ấy có dịp đi dọc con sông Allegheny, ông thường mang về một loại xúc xích hoặc phô mai đặc biệt từ “cửa hàng đồ Italy” - theo cách gọi của ông. Gia đình tôi không có nhiều tiền, thế nên đây là một dịp đặc biệt!

Tôi có một cảm giác ấm áp khi bước vào cửa hàng này qua những cánh cửa màu đỏ quen thuộc và sàn gỗ sờn cũ. Tôi đã đi xa được 40 năm. Cửa hàng vẫn do nhà Sunseris điều hành, đã tăng gấp đôi về quy mô, nhưng trái tim và linh hồn vẫn nằm ở quầy phô mai. Tủ kính của nó phải dài tới chín mét và chứa đầy khoảng 400 loại phô mai khác nhau cũng như mọi loại xúc xích nhập khẩu và thịt muối có thể tưởng tượng được.

Tôi đứng dựa vào tường và quan sát cửa hàng huyền thoại này hoạt động. Một nhân viên có biệt danh “bạn yêu” (vì đó là cách cô ấy gọi mọi khách hàng) chào đón một người phụ nữ lớn tuổi quấn một chiếc khăn nhiều mầu sắc quanh đầu.

“Bà khỏe không, bà Sullivan? Và ông Sullivan tuần này thế nào ạ?”

“Không được tốt lắm!”, bà khách trả lời. “Ông ấy lại bị ngã và gãy xương sườn. Ông ấy đau đớn lắm.”

“Ôi trời, bà yêu quý! Hãy để tôi chuẩn bị thêm ít đồ cho ông Sullivan. Chúng tôi vừa có loại mà ông ấy yêu thích. Hãy chuyển lời chúc của tôi, mong ông ấy nhanh khỏe!”

Bà Sullivan đã trò chuyện với "bạn yêu" lâu hơn một chút, nhưng không rời khỏi cửa hàng sau khi mua được loại pho mát Fontina quý giá cho chồng đang ốm. Bà lững thững đi tới một góc nơi bà nhận ra một người quen, rồi chẳng mấy chốc có thêm bốn người hàng xóm đang nói chuyện về cơn đau sưng của ông Sullivan. Và sau đó, họ cùng cười vì một câu chuyện.

Tôi không nghe được hết nhưng hình như liên quan đến một người cháu trai rơi vào một vũng bùn trong đêm dạ hội của trường trung học, trong bộ đồ tuxedo màu trắng.

Khi tôi nhìn thấy cảnh tượng bình dị này diễn ra, tôi đột nhiên cảm thấy một khát khao sâu sắc. Tôi muốn thuộc về nơi đây! Tôi muốn ai đó gọi tôi là “bạn yêu” và đóng gói pho mát đặc biệt cho tôi khi tôi buồn. Tôi muốn đến một cửa hàng và gặp bạn bè của mình và cười.

Mặc dù tôi cách một thế hệ với khung cảnh mua sắm hàng ngày của khu phố này, nhưng tôi chưa bao giờ trải nghiệm một nơi gặp gỡ nào như vậy. Tôi ghét mua sắm. Lang thang tại một trung tâm thương mại khiến tôi căng thẳng.

Nhưng đến Pennsylvania Macaroni Company không chỉ là để mua sắm. Đó là tán gẫu, ngửi, nếm, cười và thậm chí có thể nhận được một cái ôm từ "bạn yêu". Đó là một nơi để thuộc về. Đây là cách thế giới vận hành trong phần lớn lịch sử loài người chúng ta. Chủ cửa hàng trong làng biết rõ về loại thịt, pho mát hoặc hoa yêu thích của bạn. Sinh nhật của bạn. Tên của bạn. Con cái của bạn.

Và đó là lý do tôi mạnh dạn tuyên bố rằng “cộng đồng” là chiến lược tiếp thị mang hiệu quả lâu bền. Đó là chiến lược tiếp thị duy nhất mà mọi người thực sự muốn. Về mặt trí tuệ, tâm ý và tình cảm, khách hàng đều cần nó.

Mark W. Schaefer/ Bách Việt Books & NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/suc-hut-cua-nhung-cua-hieu-lau-doi-tai-dia-phuong-post1479102.html