Sức hút, sức lan tỏa của một đề tài giàu ý nghĩa chính trị - xã hội
Trải qua 93 năm được tôi rèn, thử thách trong thực tiễn cách mạng sôi động, phong phú và vượt qua những khó khăn, thách thức từ thời cuộc đầy biến động, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
* Hơn 640 tác phẩm của gần 40 cơ quan báo chí trong cả nước tham dự
Đó là cơ sở, niềm tin và cũng là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, sâu sắc, thôi thúc các cây bút thể hiện tình cảm, trí tuệ, lương tâm, trách nhiệm chính trị của mình về đề tài xây dựng Đảng nói chung, về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng.
Thành phần dự thi đa dạng, thu hút nhiều tên tuổi uy tín
Với tinh thần tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng là bảo vệ những thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo vệ những giá trị tốt đẹp của xã hội, nhiều cơ quan báo chí đã thể hiện tinh thần “bút chiến” không dừng, thông qua việc duy trì thường xuyên, bền bỉ các chuyên trang, chuyên mục như: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Phòng, chống “diễn biến hòa bình”; Phòng, chống “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”; Đấu tranh tư tưởng-lý luận...
Góp phần làm nên thế trận tuyên truyền rộng khắp đến đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương.
Ban tổ chức Cuộc thi “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ hai (Báo Quân đội nhân dân (QĐND), Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội) rất phấn khởi khi nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của gần 40 cơ quan báo chí trong cả nước với hơn 640 tác phẩm dự thi. Ngoài các cơ quan báo chí Trung ương có uy tín, sức ảnh hưởng lớn trong xã hội tiếp tục dự giải như: Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Báo Công an nhân dân, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam..., có nhiều cơ quan báo chí các địa phương lần đầu gửi tác phẩm dự giải đến Ban tổ chức, như: Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Phú Yên, Bạc Liêu...; các tạp chí: Công an nhân dân; Lý luận chính trị và truyền thông (Học viện Báo chí và Tuyên truyền); Giáo dục Lý luận (Học viện Chính trị khu vực I); Thông tin Khoa học chính trị (Học viện Chính trị khu vực IV); Mặt trận (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam);...
Cuộc thi lần này hội tụ các cây bút đa dạng, phong phú hơn. Bên cạnh các chuyên gia từng tham gia cuộc thi lần trước như: Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương; PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc; PGS, TS Nguyễn Danh Tiên; PGS, TS Nguyễn Văn Dững; PGS, TS Đặng Quang Định... còn có sự hưởng ứng của các cây bút tên tuổi trong giới khoa học như: GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp; GS, TS Nguyễn Trọng Chuẩn, Phó chủ tịch Hội Triết học Việt Nam; GS, TS Mạch Quang Thắng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); PGS, TS Phạm Quang Long, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội...
Điều đáng trân trọng là có nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã dành thời gian viết bài, gửi tác phẩm dự giải, như: Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Mai Đức Ngọc, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trung tướng, PGS, TS Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (Bộ Công an); TS Phan Tuấn Anh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế); Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Ủy ban Luật Quốc tế của Liên hợp quốc...
Sức hút của cuộc thi còn thể hiện ở sự tham gia của nhiều cán bộ chỉ huy, quản lý đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong Quân đội như: Thiếu tướng Hàn Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng); Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Đại tá, TS Vũ Phú Dũng, Cục Cán bộ (Tổng cục Chính trị); Đại tá, ThS Nguyễn Hồng Sơn, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Trường Sĩ quan Chính trị; Trung tá Phan Tấn Toàn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, Lữ đoàn 2 (Bộ tư lệnh 86)... Đặc biệt, Ban tổ chức rất cảm kích trước tấm lòng của ngài G.S.Bezdetko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam đã tham dự cuộc thi với tác phẩm “Không thể bóp méo sự thật về Ngày Chiến thắng 9-5” đăng trên Báo QĐND ngày 9-5-2022.
Đó là những minh chứng “biết nói” về hiệu ứng xã hội của cuộc thi ngày càng lan tỏa rộng khắp, đến với nhiều thành phần trong xã hội và nhờ đó, Ban tổ chức càng có thêm cơ sở để lựa chọn, thẩm định, đánh giá những tác phẩm xuất sắc để trao giải.
Cách tiếp cận đề tài, nội dung phong phú, sâu sắc hơn
Có thể nói rằng, so với các đề tài khác, đề tài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là đề tài khó và “kén” người viết, nhưng với tấm lòng yêu mến Đảng, các tác giả tham dự cuộc thi đã tiếp tục làm sáng tỏ nhiều khía cạnh, nhiều góc độ, góp phần làm cho công chúng ngày càng hiểu biết đầy đủ, nhận thức sâu sắc hơn những giá trị căn cốt về hệ tư tưởng của Đảng ta là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nhiều tác phẩm tiếp tục đi sâu phân tích, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; bảo vệ và khẳng định những giá trị truyền thống tốt đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam... Trong đó, tiêu biểu có các tác phẩm của chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan: Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông...
Nét mới của cuộc thi năm nay là nhiều tác phẩm đi sâu phân tích, nhận diện, đấu tranh với các quan điểm sai trái về các vấn đề: Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; Nhà nước pháp quyền XHCN; xã hội dân sự; chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; kinh tế thị trường định hướng XHCN; chính sách đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc; sùng ngoại, lai căng văn hóa; lợi dụng sáng tác văn học-nghệ thuật để “giải thiêng”, bóp méo lịch sử cách mạng... Một số tác phẩm thể hiện sự khám phá mới mẻ khi đưa ra những luận cứ, luận điểm, luận chứng sâu sắc để bóc mẽ sự xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề giải phóng con người, bảo vệ nhân phẩm và quyền con người của Chủ nghĩa Mác; giá trị công bằng xã hội trong Chủ nghĩa Mác.
Với đặc trưng thông tin nhanh nhạy, thể hiện “bút chiến” sắc bén, nhiều tờ báo đã bám sát thời sự, phản ứng kịp thời, đấu tranh kiên quyết với những thông tin sai trái, xấu độc, thù địch xuất hiện trên mạng xã hội trong thời gian gần đây như: Xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta; phủ nhận những nỗ lực của hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng ở Việt Nam; vạch trần mưu đồ lừa phỉnh, kích động công nhân biểu tình, bãi công; xuyên tạc chính sách quốc phòng “bốn không” của Nhà nước Việt Nam; xuyên tạc cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế; xuyên tạc việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự của công dân... Tiêu biểu có các báo: QĐND, Công an nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bắc Giang, Nghệ An, Đồng Nai, Quân khu 4, Quốc phòng Thủ đô,...
So với năm trước, cuộc thi lần này có nhiều tác phẩm nhận diện, phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, như các biểu hiện: Phai nhạt lý tưởng cách mạng; quan liêu, vô cảm với dân; thói ganh ghét, đố kỵ; sống phô trương, xa hoa, lãng phí...
Cuộc thi có ý nghĩa thiết thực, nhân văn
“Đảng ta, muôn vạn công nông/ Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin” (Tố Hữu). Với tinh thần ấy, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giờ đây không chỉ là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, mà là bổn phận của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Minh chứng cho điều đó thể hiện ở các tác phẩm dự giải như: “Văn nghệ sĩ với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” (ThS Nguyễn Thị Triều); “Dựa vào nhân dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” (Nguyễn Tuấn Anh-Thế Phương); “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải xuất phát từ niềm tin và lòng biết ơn đối với người có công với cách mạng” (TS Lê Đức Hoàng);...
Theo TS Nguyễn Công Dũng, Phó tổng biên tập Thường trực Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Cuộc thi lần thứ hai, việc Báo QĐND phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội tiếp tục tổ chức Cuộc thi viết "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” là việc làm thiết thực, nhân văn trong “cuộc chiến” bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ niềm tin đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Sự thiết thực thể hiện ở chỗ, cuộc thi đã huy động được đông đảo cơ quan báo chí trong cả nước tham gia, từ đó khơi dậy tình yêu nghề nghiệp, tinh thần nhiệt huyết của các cây bút chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo cùng đoàn kết trên “trận tuyến” đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc hệ tư tưởng của Đảng ta. Còn nhân văn thể hiện ở chỗ, nhờ các tác phẩm về đề tài này được phân tích, luận giải sâu sắc ở các góc độ, các khía cạnh và giàu tính thuyết phục nên đã góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin cho các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đó khẳng định vị thế, sứ mệnh cầm quyền, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là đúng đắn, hợp lòng dân”, TS Nguyễn Công Dũng khẳng định.
Trên cơ sở thể lệ, quy chế chấm điểm, qua hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo bảo đảm nghiêm túc, khách quan, Hội đồng Chung khảo với các nhà báo uy tín hàng đầu cả nước đã thống nhất lựa chọn 30 tác phẩm xuất sắc để trao 3 loại giải, gồm: Giải dành cho báo Trung ương; giải dành cho báo địa phương; giải dành cho tạp chí. Trong đó có: 3 giải nhất, 6 giải nhì, 9 giải ba và 12 giải khuyến khích. Ban tổ chức cũng quyết định tặng thưởng 1 tác phẩm xuất sắc của người nước ngoài và khen thưởng 3 tập thể cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm chất lượng tham dự cuộc thi.