Sức hút từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề

Việc thực hiện các chính sách liên quan đến công tác đào tạo nghề được tỉnh đặc biệt quan tâm. Người học và đội ngũ giáo viên được hỗ trợ các điều kiện học tập, giảng dạy; cơ sở đào tạo nghề được đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ tốt hơn công tác dạy nghề.

Thực hiện Quyết định số 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh đã ban hành quy định danh mục nghề, mức chi phí đào tạo nghề và mức hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn. Những người thuộc các đối tượng ưu đãi như hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, lao động nữ bị mất việc làm… còn được hỗ trợ chi phí ăn ở và đi lại. Lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm.

Ông Nguyễn Duy Khánh, Phó Trưởng Phòng Công tác học sinh, sinh viên, Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: Năm học 2021 - 2022, trường có hơn 70% học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, trong đó nhiều em thuộc các đối tượng chính sách, như người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, ở vùng đặc biệt khó khăn hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ngay đầu năm học, nhà trường đã thực hiện chế độ cho học sinh, sinh viên theo Quyết định 53/2015/QĐ-TTg; chi trả trợ cấp xã hội theo Quyết định 1121/1997/QĐ-TTg; miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP với tổng số tiền gần 8 tỷ đồng, trong đó 859 em hưởng theo chế độ, chính sách nội trú với số tiền 3,6 tỷ đồng; 1.041 em được hưởng trợ cấp xã hội với số tiền gần 380 triệu đồng; miễn giảm học phí cho 2.455 học sinh, sinh viên với số tiền gần 3,7 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, các chính sách đối với giáo viên dạy nghề cũng được điều chỉnh. Theo đó, giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề thường xuyên phải xuống thôn, bản thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để dạy nghề với thời gian từ 15 ngày trở lên trong tháng được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu; giáo viên các cơ sở dạy nghề công lập ở các huyện miền núi, vùng sâu, biên giới, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số được giải quyết nhà ở công vụ. Giáo viên dạy nghề còn được hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng dạy nghề, tư vấn chọn nghề, kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp…

Ngoài các chính sách hỗ trợ người dạy, người học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng từng bước được đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo nghề. Với 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có, tỉnh Lào Cai đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang - thiết bị và đổi mới giáo trình phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Hằng năm, mỗi trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập được đầu tư thiết bị dạy từ 3 đến 7 nghề theo danh mục được UBND tỉnh ban hành. Hiện 100% giáo trình được rà soát xây dựng theo Chương trình khung của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đảm bảo nguyên tắc từ 70% đến 80% thời lượng thực hành; cấu trúc chương trình đào tạo theo module tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp, giúp sinh viên khi ra trường đáp ứng được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2021 có khoảng 3.800 học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được miễn, giảm học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, với tổng kinh phí gần 23 tỷ đồng; 1.753 học sinh, sinh viên được trợ cấp nội trú theo Quyết định 53/2015/QĐ-TTg, với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng; 1.488 học sinh, sinh viên được trợ cấp xã hội theo Quyết định 1121/1997/QĐ-TTg, với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 2.247 lao động nông thôn (trong đó có 2.031 người dân tộc thiểu số) thông qua các nguồn ngân sách hỗ trợ như ngân sách Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, dự án phi chính phủ AEA và dự án Great… với tổng kinh phí khoảng 6,6 tỷ đồng.

Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đã ban hành; nghiên cứu trình HĐND tỉnh ban hành một số chính sách mới, đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Theo kế hoạch của Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho người lao động tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025”, đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 65%, giải quyết việc làm cho 61.000 lao động, trong đó có 37.000 lao động là người dân tộc thiểu số.

Việc triển khai đồng bộ các chính sách đào tạo nghề sẽ góp phần khích lệ, thu hút người lao động học nghề, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355939-suc-hut-tu-chinh-sach-ho-tro-dao-tao-nghe