Sức khỏe các bệnh nhân trong vụ ăn tiết canh ở Hưng Yên giờ ra sao?
Sau khi được điều trị tích cực tại Viện Y học Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, 3 bệnh nhân trong chùm ca bệnh nguy kịch do ăn tiết canh lợn ở Quỳnh Phụ, Hưng Yên (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cũ) hiện sức khỏe tốt hơn, có người đã được ra viện.
Tiết canh lợn có thể là món ăn của "tử thần"
Đêm 11/7, Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai tiếp nhận 3 ca bệnh, trong đó có 1 trường hợp nguy kịch co giật, lú lẫn phải thở máy chuyển đến từ BVĐK tỉnh Thái Bình.
Theo khai khác thông tin từ bệnh nhân và người nhà, các trường hợp này đều ăn tiết canh lợn vào sáng 6/7 cùng với bạn tại 3 quán ăn gần nhau và đều lấy nguồn lợn từ một lò mổ. Đã có 2 trường hợp tử vong tại cơ sở y tế với biểu hiện ban đầu sốt, đi ngoài phân lỏng.
Bệnh nhân thứ nhất (nam, 63 tuổi), vào viện với biểu hiện co giật, hôn mê, thở máy qua nội khí quản được chuyển đến từ BVĐK tỉnh. Theo lời kể của con gái, sáng Chủ Nhật ngày 6/7, ông cùng khoảng 6 người bạn tụ tập ăn tiết canh lợn tại một quán quen ở Quỳnh Phụ (Hưng Yên). Khoảng 1 tuần sau, ông xuất hiện đau gối, mệt mỏi, tụt huyết áp, buồn nôn, gia đình có đưa đi truyền nước nhưng không đỡ.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện tỉnh trong tình trạng lơ mơ, mất ý thức, yếu chân tay, co giật. Tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não mủ, hôn mê phải thở máy và dùng kháng sinh liều cao, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

ThS. BS. Hoàng Quốc Thái Bình, Khoa Hồi sức tích cực, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra các vết xuất huyết trên da bệnh nhân
ThS. BS. Hoàng Quốc Thái Bình - Khoa Hồi sức tích cực, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Bệnh nhân lúc chuyển đến Viện đã được đặt ống thở, hôn mê sâu, co giật. Thăm khám ban đầu nhận thấy bệnh nhân có tình trạng nhiễm khuẩn, trên da có đám xuất huyết, nghi ngờ là do ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn. Bệnh nhân được lấy dịch não tủy xét nghiệm và cấy dịch não tủy... cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. Bệnh nhân đã được điều trị kháng sinh và hồi sức tích cực. Sau 36 giờ, bệnh nhân đã tỉnh táo và được rút ống thở. Hai trường hợp còn lại nhẹ hơn tuy nhiên hiện vẫn còn di chứng: tai nghe kém, mắt mờ...".
Bệnh nhân thứ 2 (nam, 38 tuổi) cho biết bị phát bệnh sau ba ngày ăn tiết canh: “Chiều thứ ba (8/7) đi tắm xong thì người nóng, sốt, tôi uống thuốc hạ sốt rồi đi ngủ. Nhưng đêm đó đau đầu không chịu nổi. Tôi có đến Bệnh viện địa phương khám và nghĩ đơn giản chỉ cúm thông thường”. Sau đó, nghe thông tin về các ca tử vong liên quan đến tiết canh, anh được chuyển thẳng lên tuyến trung ương và được xác định mắc viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn.
Bệnh nhân thứ 3 (nam, 43 tuổi), trước đó cũng ăn tiết canh cùng với những người trên, ngày 10/7 cũng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nhẹ, được chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng sau ăn tiết canh lợn. Sau 3 ngày điều trị tại Viện Y học Nhiệt đới, bệnh nhân đã được xuất viện.
Không có vaccine phòng bệnh, ăn một lần đánh cược cả mạng sống
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai nhấn mạnh: “Liên cầu khuẩn lợn (tên khoa học là Streptococcus suis) là vi khuẩn nguy hiểm lây từ lợn sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn tiết canh, gây nên bệnh cảnh nhiễm trùng huyết, viêm màng não và suy đa tạng với tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đặc biệt, vi khuẩn này không có vaccine phòng ngừa. Cách duy nhất để tránh mắc bệnh là không ăn tiết canh và các thực phẩm từ thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín”.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai cùng các bác sĩ hội chẩn ca bệnh 63 tuổi
Lâu nay, người dân thường xem tiết canh là món “đặc sản”, là nét “văn hóa ẩm thực”. Tuy nhiên sự nguy hiểm từ tiết canh nói chung và chùm ca bệnh trên là một bài học nghiêm khắc được đặt ra đối với cộng đồng: “Bữa ăn không an toàn có thể là bữa ăn cuối cùng”. Ông cũng cảnh báo tiết dê, tiết ngan vịt nếu được pha thêm tiết canh lợn, người ăn cũng rất dễ nhiễm bệnh.
“Việc sử dụng tiết canh, thịt lợn sống, thịt tái, nem chua, thực phẩm không được nấu chín kỹ là nguồn cơn dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Nguy cơ không chỉ dừng ở liên cầu khuẩn lợn mà còn là các loại giun sán, vi khuẩn tạp khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Bởi vậy, tập quán ăn uống này cần được loại bỏ”- PGS.TS Cường nhấn mạnh.