Sức khỏe người phụ nữ ở Hà Nội bị sét đánh giờ ra sao?

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội) cho biết, nữ bệnh nhân bị sét đánh vào ngày 5/6 hiện đang nguy kịch, dù các bác sĩ nỗ lực điều trị tích cực nhưng vẫn trông chờ vào điều kỳ diệu.

Ngày 6/6, PGS Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội) cho biết, nữ bệnh nhân tên T (30 tuổi, trú tại Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) bị sét đánh khi đang hái rau sáng 5/6 vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

"Bệnh viện huy động sử dụng tất cả các phương tiện máy móc hiện đại nhất như máy thở, lọc máu, hạ thân nhiệt để cấp cứu cho bệnh nhân. Các bác sĩ áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ và cải thiện chức năng thần kinh trung ương ở những bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn. Tuy nhiên, tiên lượng của bệnh nhân vẫn nặng, trông chờ vào điều kỳ diệu", ông Tùng cho biết.

Nữ bệnh nhân bị sét đánh vào ngày 5/6 tại Hà Nội hiện vẫn nguy kịch, dù các bác sĩ nỗ lực điều trị tích cực (ảnh minh họa).

Nữ bệnh nhân bị sét đánh vào ngày 5/6 tại Hà Nội hiện vẫn nguy kịch, dù các bác sĩ nỗ lực điều trị tích cực (ảnh minh họa).

Theo đánh giá của ông Tùng, đây là trường hợp được gia đình sơ cứu rất tốt. Bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngay sau khi bị sét đánh nhưng người thân vẫn tích cực ép tim ngoài lồng ngực kèm theo thổi ngạt, đã giúp người bệnh có cơ hội được cứu sống. Nếu sơ cứu sai, ngừng tuần hoàn quá lâu bác sĩ cũng không thể cứu người bệnh.

Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hàng trăm trường hợp bị sét đánh thương vong. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa ý thức được đầy đủ về sự nguy hiểm của sấm sét và các biện pháp phòng tránh.

Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, khi gặp người bị sét đánh, nếu nạn nhân hôn mê thì cần kiểm tra xem còn thở hay không. Nếu ngừng thở, cần tiến hành hồi sinh tim phổi ngay lập tức.

Bước 1: Đặt nạn nhân nằm ngửa, để cổ ngửa tối đa, nới rộng quần áo, thắt lưng, cà vạt.

Bước 2: Ép tim ngoài lồng ngực đặt 2 tay lên vị trí giữa ngang ngực và ép sâu 3 – 5cm với tần số khoảng 100 lần/phút và thực hiện ép 30 lần.

Bước 3: Hà hơi thổi ngạt dùng tay bịt mũi nạn nhân, miệng ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra để nạn nhân thở bình thường. Thực hiện 2 – 3 lần rồi tiếp tục ép tim. Hành động sơ cứu thực hiện liên tục cho tới khi có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Với trẻ nhỏ, các bước sơ cứu làm chậm hơn.

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, khi trời mưa dông thường hay xảy ra hiện tượng sấm sét. Sấm sét thường xuất hiện nhiều trong giai đoạn đầu mùa mưa, sau một thời gian nắng nóng, khô hạn.

Chỉ riêng trong buổi sáng 5/6, mưa lớn kèm theo hơn 10 nghìn cú sấm sét dội xuống đất. Tại Hà Nội sấm sét xuất hiện ở nhiều quận, huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa với mật độ dày đặc.

Để đảm bảo an toàn khi có sấm sét, người dân cần hạn chế ra ngoài khi trời mưa dông. Tìm chỗ trú ẩn an toàn khi gặp mưa dông: Nên vào nhà hoặc tìm nơi trú ẩn kiên cố; Tránh xa những nơi trống trải, cây to, cột điện cao thế; Không trú mưa dưới mái hiên nhà, không đứng thành nhóm đông người gần nhau; Ở vị trí càng thấp càng tốt, tốt nhất nên đứng nhón chân trên mặt đất hoặc ngồi xuống, lấy tay che tai.

Tuyệt đối không sử dụng các thiết bị điện tử khi trời mưa dông. Tắt nguồn điện, ngắt các thiết bị điện trong nhà khi có sấm sét.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/suc-khoe-nguoi-phu-nu-o-ha-noi-bi-set-danh-gio-ra-sao-192240606181944947.htm