Sức khỏe tâm thần: Ít được quan tâm

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019, cứ 8 người thì có 1 người - tương đương 970 triệu người trên thế giới đang chung sống với rối loạn tâm thần. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng từ sau đại dịch Covid-19. Tuy vậy, dịch vụ chăm sóc cho các bệnh nhân còn nhiều hạn chế.

Điều trị rối loạn cảm xúc cho bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).

Điều trị rối loạn cảm xúc cho bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).

Lo âu, trầm cảm cũng là rối loạn tâm thần

Bộ Y tế ước tính tỉ lệ rối loạn tâm thần ở nước ta chiếm 14,9% dân số, tương đương 15 triệu người. Trong đó thường gặp nhất là trầm cảm, lo âu. Đa số người dân quan niệm rối loạn tâm thần là tâm thần phân liệt. Thực tế, tỉ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% dân số. Trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ cao khoảng 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn khác như: Rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác. Ở trẻ em, tỉ lệ mắc các bệnh rối loạn tâm thần là 12%, tương đương 3 triệu trẻ có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Theo TS.BS Lại Đức Trường - Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, rối loạn tâm thần bao gồm rối loạn trong suy nghĩ, tình cảm và hành vi. Trong đó, trầm cảm và lo âu là 2 loại rối loạn phổ biến nhất. Năm 2020, do Covid-19, tỉ lệ trầm cảm và lo âu tăng lần lượt 28% và 26% so với trước. Tại Việt Nam, tâm thần phân liệt chỉ chiếm khoảng 0,3 - 0,5% dân số nhưng trầm cảm, rối loạn lo âu, loạn thần, lạm dụng rượu chiếm 5 -10%.

Về căn bệnh này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ở Việt Nam cứ 100 người thì có 15 người mắc các rối loạn tâm thần. Hiện vẫn còn sự kỳ thị lớn đối với rối loạn tâm thần, do vậy hầu hết mọi người đều ngại ngùng khi thừa nhận các vấn đề sức khỏe tâm thần của họ. Ở người bình thường việc kiểm soát lo âu khá dễ dàng, đôi khi chỉ cần nghỉ ngơi thư giãn hợp lý là sẽ hết. Ngược lại, người bị lo âu bệnh lý họ không kiểm soát được lo âu, mất khả năng thư giãn. Hơn nữa, lo âu bệnh lý thường không phù hợp với hoàn cảnh, không có chủ đề rõ ràng, mang tính chất vô lý, mơ hồ, thời gian thường kéo dài. Rối loạn tâm thần cũng giống như bất kỳ bệnh nào khác, cần được chẩn đoán và có thể điều trị.

Theo báo cáo của Bệnh viện Tâm thần Trung ương, tỉ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. Tỉ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân. Còn theo Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, có tới 8-20% trẻ em và vị thành niên Việt Nam gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần chung. Nghiên cứu trên các nhóm đối tượng đặc biệt khác cũng cho thấy tỉ lệ trầm cảm trong khi mang thai là 5% và trầm cảm sau sinh là 8,2%, tỷ lệ mắc mới trầm cảm sau sinh là 6,5% (2018), tỉ lệ trầm cảm ở người bệnh ung thư phổi là 24,6% (năm 2017).

Thiếu dịch vụ chăm sóc

Theo TS.BS Lại Đức Trường, chuyên ngành tâm thần tại Việt Nam vẫn chịu nhiều thiệt thòi, hạn chế. Việt Nam có 0,99 bác sĩ tâm thần/100.000 dân; 2,89 điều dưỡng tâm thần/100.000 dân, 0,11 tư vấn tâm lý/100.000 dân. Trong khi đó, các tỉ lệ tương ứng trung bình của thế giới lần lượt là 1,7 - 3,8 - 1,4/100.000 dân. Bên cạnh đó, khoảng cách điều trị còn lớn, tâm lý trị liệu còn hạn chế vì bác sĩ chuyên khoa tâm thần chủ yếu tập trung ở các thành phố. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho phụ nữ, trẻ em… thiếu trầm trọng. Hiện nay, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng còn nhiều hạn chế, chủ yếu điều trị tâm thần phân liệt và động kinh. Thuốc điều trị còn hạn hẹp, nhiều người dân sử dụng thuốc gián đoạn.

TS Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam cũng chịu những tác động lớn do già hóa dân số, tỷ lệ người khuyết tật cao (khuyết tật thần kinh) và hậu quả từ đại dịch Covid-19. Trong khi đó, so với các chuyên ngành khác, sức khỏe tâm thần là lĩnh vực sức khỏe cộng đồng ít được quan tâm.

Kết quả khảo sát năm 2022 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy: Có 61,3% (398/649) bệnh viện huyện/trung tâm y tế quận huyện tổ chức khám chữa bệnh ngoại trú cho người bệnh tâm thần, nhưng chỉ có 9,1% (59/649) cơ sở tuyến quận, huyện tổ chức khám, chữa bệnh nội trú cho bệnh này.

Dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Việt Nam chủ yếu là điều trị bằng thuốc. Cả nước có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu. Tuy nhiên dịch vụ tâm lý lâm sàng chưa phải là dịch vụ chính thức được bảo hiểm y tế chi trả, do vậy các nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu chủ yếu được coi là kỹ thuật viên và làm các trắc nghiệm tâm lý, không phải dịch vụ tâm lý lâm sàng thực sự.

Dịch vụ sức khỏe tâm thần chủ yếu có ở cơ sở chuyên khoa tuyến trung ương và tỉnh. Tuyến huyện và xã chủ yếu quản lý, điều trị tâm thần phân liệt và động kinh, trong khi đó theo điều tra của Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 thì hai bệnh này chỉ chiếm khoảng 0,5% dân số và tổng các rối loạn tâm thần là 14,2% dân số. Ước tính 0,5% rối loạn tâm thần khác được điều trị tại cơ sở chuyên khoa, như vậy có tới trên 90% người rối loạn tâm thần chưa được nhận dịch vụ chính thức, trong khi đó tình hình rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng về số lượng cũng như đa dạng nhiều mặt bệnh như lo âu, nghiện chất, sa sút trí tuệ, tự kỷ, tăng động giảm chú ý…

THANH MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe-tam-than-it-duoc-quan-tam-5725082.html