Sức lan tỏa của một cuộc thi
Thời gian qua, huyện Triệu Phong triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 (1907 - 2022) và 50 năm ngày giải phóng huyện Triệu Phong 29/4 (1972 - 2022). Trong đó, cuộc thi trực tuyến 'Tìm hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn và quê hương Triệu Phong anh hùng, đổi mới, phát triển' nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh và đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Hay tin về một cuộc thi rất ý nghĩa, cô giáo Trần Thị Hương công tác tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Đông Hà đã tranh thủ thời gian tìm kiếm các tài liệu liên quan để tham gia. Với vốn kiến thức có sẵn cùng những tư liệu mới về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Lê Duẩn và quê hương Triệu Phong, cô đã xuất sắc đoạt giải Nhất từ tuần thi đầu tiên.
Cô giáo Hương chia sẻ: “Cuộc thi là cơ hội để tôi có thêm nhiều kiến thức, hiểu hơn về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Tổng Bí thư Lê Duẩn, hiểu biết hơn về chặng đường 50 năm quê hương Triệu Phong anh hùng trong thời kỳ cách mạng cũng như đổi mới như thế nào. Qua đó, giúp cho tôi có thêm vốn tư liệu quan trọng để vận dụng vào giảng dạy”.
Từ khi còn nhỏ, em Đoàn Thị Thu Trâm, lớp 9C, Trường THCS Triệu Thành, huyện Triệu Phong đã đam mê tìm hiểu về lịch sử của quê hương, đất nước. Vì vậy, khi được nhà trường phổ biến về cuộc thi, em tích cực tham gia.
Trâm cho biết: “Em rất tự hào là một người con sinh ra và lớn lên được học tập trên quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn. Em thấy, đây là cuộc thi rất thiết thực, góp phần tuyên truyền cho nhiều học sinh trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung biết thêm về Tổng Bí thư Lê Duẩn và mảnh đất, con người của Triệu Phong kiên trung, anh hùng trong kháng chiến cũng như những thành tựu trong thời kỳ đổi mới. Trường của em thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham quan Khu Di tích lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương”.
Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Triệu Phong chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức diễn ra từ ngày 25/2 - 25/3/2022 bằng hình thức trực tuyến, đăng tải trên nền tảng số. Đối tượng tham gia cuộc thi là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động, các tầng lớp nhân dân đang sinh sống, học tập trên địa bàn huyện Triệu Phong và các địa phương khác trong cả nước. Đối tượng dự thi truy cập vào trang web có sẵn đường link để trả lời các câu hỏi do Ban tổ chức cuộc thi thiết kế.
Ban tổ chức cuộc thi xây dựng 4 bộ câu hỏi hoàn toàn khác nhau về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Lê Duẩn và quê hương Triệu Phong anh hùng để làm đề thi cho 4 tuần thi. Kết cấu bộ câu hỏi được xây dựng dựa trên “hệ thống trục dọc” tiến trình cách mạng của lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với quá trình hoạt động xuyên suốt ba thời kỳ cách mạng ở cả ba miền của Tổng Bí thư Lê Duẩn với các “mạch xương sườn” về tư tưởng, văn hóa, tình cảm của Tổng Bí thư Lê Duẩn và quê hương Triệu Phong anh hùng, đổi mới và phát triển.
Hằng tuần, Ban tổ chức đưa ra 30 câu hỏi, đúng 8 giờ của ngày thứ 2 mở đường link và đóng đường link vào 16 giờ của ngày thứ 6, không hạn chế thời gian cho mỗi lần thi. Nhờ vậy, người tham dự thi rất chủ động vừa có thời gian nghiên cứu, vừa thuận lợi cho việc thi. Những câu hỏi của Ban tổ chức đưa ra nhằm tích cực tuyên truyền nâng cao hiểu biết về tư tưởng, tài năng, đức độ và những cống hiến của Tổng Bí thư Lê Duẩn và quê hương Triệu Phong sau 50 năm giải phóng, từ đó học tập, vận dụng vào nhiệm vụ học tập, công tác của bản thân. Kết quả thi tuần và đáp án được công bố vào 8 giờ sáng thứ 2 của tuần tiếp theo trên trang Facebook Vĩnh Định và các trang của thành viên Ban tổ chức cuộc thi.
Qua 4 tuần thi, có 78.006 lượt người tham gia dự thi, trong đó huyện Triệu Phong 61.259 lượt người và ngoài địa phương 16.747 lượt người. Trung bình mỗi tuần có từ 19.000 - 20.000 người tham gia thi, trong đó có khoảng 5.000 - 7.000 người đến từ ngoài địa phương Triệu Phong.
Hầu hết các đối tượng tham gia đều tâm huyết nghiên cứu tìm tòi qua nhiều tài liệu liên quan đến nội dung yêu cầu của cuộc thi nên nhìn chung số bài chất lượng chiếm khoảng 70%. Ban tổ chức ghi nhận và biểu dương các đơn vị trong huyện đã tích cực hưởng ứng, có lượt người tham gia dự thi cao nhất như các xã: Triệu Độ, Triệu Phước, Triệu Trạch, Triệu Lăng, Triệu Sơn và Triệu Thành; ngành, đoàn thể có lượt người tham gia đông là hội nông dân và trường học.
Ngoài địa phương, các huyện, thành phố có số lượng người tham gia cao như: Đông Hà, Hải Lăng, Gio Linh. Cuộc thi còn có sự hưởng ứng tham gia tích cực từ các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Trà Vinh, Đồng Tháp, Vũng Tàu, Đồng Nai, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Tĩnh...
Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức cuộc thi đã trao 20 giải cho các cá nhân đạt giải qua bốn tuần thi và các tập thể đã có nhiều thành tích trong hưởng ứng tham gia cuộc thi. Về cá nhân có 12 giải, trong đó có 4 giải Nhất, 4 giải Nhì và 4 giải Ba. Giải nhất 4 tuần thuộc về bà Trần Thị Hương, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Đông Hà; bà Trần Thị Hà, Trường Tiểu học và THCS Xy, huyện Hướng Hóa; bà Nguyễn Thị Hoài Năm, cơ quan Thị ủy Quảng Trị và bà Trịnh Thị Thanh Nga, cơ quan Huyện ủy Triệu Phong. Về tập thể, có 8 giải được trao cho xã Triệu Độ, xã Triệu Phước, Hội Nông dân huyện Triệu Phong, Trường THPT Triệu Phong, Trường THPT Vĩnh Định, Trường THCS Triệu Thành, Trường THPT Hải Lăng và Trường THCS Phan Đình Phùng (thành phố Đông Hà).
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Triệu Phong Trần Bình Tuấn cho biết: “Cuộc thi là dịp để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bày tỏ tình cảm, sự tri ân sâu sắc đối với Tổng Bí thư Lê Duẩn, là dịp nghiên cứu, tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời, thân thế và sự cống hiến to lớn của người con ưu tú của quê hương Quảng Trị đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; tìm hiểu thêm về lịch sử hình thành, đấu tranh, xây dựng, phát triển và những nét đẹp về văn hóa lịch sử của quê hương Triệu Phong anh hùng. Qua đó, tiếp tục khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, cần cù, lao động, sáng tạo trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển KT - XH của địa phương”.