Sức mạnh cảm hóa trên hành trình cải tạo, hoàn lương: Bài 8: Những hy sinh âm thầm trong cuộc sống người quản giáo
Phải qua một quá trình trò chuyện, tâm tình với các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) công tác tại các trại giam, mới có thể vỡ lẽ ra một thực tế là tất cả những CBCS để theo nghề, đều ít nhiều phải chấp nhận những sự hy sinh. Phạm nhân tôn trọng các CBCS không chỉ vì chính sách, pháp luật, sức mạnh cảm hóa, phương pháp giáo dục; mà còn vì thấu hiểu, đồng cảm những hy sinh mà các CBCS chấp nhận hàng ngày.
Nữ Thiếu tá thức giấc từ 4h sáng hàng ngày
Gần 20 năm công tác trong ngành, Thiếu tá Phạm Thị Minh Huệ (cán bộ quản giáo phụ trách Đội phạm nhân nữ thuộc Phân trại số 2, Trại giam Phú Sơn 4) đã phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện chị đang được giao quản lý 36 nữ phạm nhân, chủ yếu là các phạm nhân có độ tuổi từ 65 trở lên, phạm các tội ma túy, lừa đảo, giết người, trộm cắp…
Nữ Thiếu tá quê huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, là con gái lớn trong gia đình có 4 người con gái. Cha chị Huệ từng có thời gian công tác ở Trại giam Thanh Phong (tỉnh Thanh Hóa). Năm 2003, khi đang học một trường cao đẳng, chị Huệ xin nghỉ rồi đăng ký lên Trại giam Phú Sơn 4 để tham gia nghĩa vụ công an theo lời khuyên của cha để có cơ hội cống hiến cho ngành Công an.
Năm 2008, chị dự thi và đậu vào lớp Trung cấp Cảnh sát nhân dân, năm 2011 tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy. Năm 2014, chị tiếp tục thi đỗ và đi học lớp Đại học Cảnh sát.
Chồng là sĩ quan quân đội đang công tác tại Quân khu I. Anh chị có 2 con, nên hàng ngày chị phải dậy từ 4h sáng để chuẩn bị cho các con, rồi từ TP Thái Nguyên xuất phát để đúng 5h45 phải có mặt để đưa phạm nhân đi cải tạo, đến tối mịt mới về. Chồng chị cũng phải thường xuyên đi công tác, khi cả tuần, lúc 10 ngày, có khi cả tháng. Những khi ấy, mọi việc ở nhà của 3 mẹ con dồn vào mình chị gồng gánh. Vợ chồng đều xa quê nên ít có sự trợ giúp của hai bên nội, ngoại, các con của chị ít nhiều chịu thiệt thòi.
“Các con tôi thường xuyên đến sớm nhất trường, về muộn nhất trường, thường xuyên phải gửi các bác bảo vệ trông giúp. Mùa đông lạnh, đưa con đi học từ khi trời còn mờ mịt sương, có khi thấy tê tái thương con”, Thiếu tá Huệ tâm sự.
Tình yêu nghề, trách nhiệm của người CBCS Công an nhân dân, trách nhiệm với những phạm nhân, ý chí, nghị lực, sức chịu đựng của bản thân và những lời động viên của cha “Hãy cố gắng lên con” đã giúp chị vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đội nữ phạm nhân do Thiếu tá Huệ quản lý từng có một số phạm nhân nhiều lần vi phạm nội quy, lúc đầu có nhiều biểu hiện chống đối, nhưng khi được Thiếu tá Huệ giáo dục, cải tạo, đã có nhiều chuyển biến tích cực, chấp hành lao động, cải tạo tốt.
“Người cán bộ quản giáo phải hy sinh nhiều thứ để dành tâm huyết cho công việc. Để giáo dục, cảm hóa phạm nhân, bên cạnh việc áp dụng các quy định pháp luật thì phải thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, lắng nghe những suy nghĩ của họ để mình chia sẻ, cảm thông; từ đó mà mình giáo dục, động viên họ để họ chấp hành tốt hơn. Ngoài ra, cán bộ quản giáo phải có sự phối kết hợp đồng bộ với Ban lãnh đạo và các bộ phận chuyên môn thì công tác quản giáo dễ dàng hơn rất nhiều”, Thiếu tá Huệ chia sẻ.
Thiếu tá Huệ đúc kết kinh nghiệm: “Khi cán bộ quản giáo áp dụng phương pháp cương nhu hài hòa, lắng nghe, thấu hiểu, tìm hiểu, nắm bắt, chia sẻ, giáo dục thì chắc chắn phạm nhân nào cũng lắng nghe. Không nên áp dụng cứng nhắc, sẽ không nhận được sự đồng cảm của phạm nhân, thậm chí sẽ chống đối và gây khó khăn”.
Hơn năm trời không được gặp con
Cũng tại Trại giam Phú Sơn 4, công tác từ 1998 đến nay, Trung tá Phạm Thị Thu Hương (SN 1978, quê Thái Bình; Phó Trưởng Phân trại) cũng chịu nhiều hy sinh, từ khi còn là cô gái ở tuổi đôi mươi đã khoác lên người sắc phục Công an nhân dân.
Chồng chị cùng làm việc tại Trại Phú Sơn 4, công tác tại Phân trại số 3. Năm 2002, sau khi kết hôn và có 2 con, anh chị từng có quãng thời gian vất vả vừa căng mình cho công việc, vừa phải lo toan cho gia đình. Đặc thù riêng của công việc là bắt đầu ngày làm việc rất sớm và thường xuyên phải trực đêm, nên khi các con còn nhỏ, phải nhờ sự hỗ trợ của ông bà.
Nuôi dạy con cái với những người làm công việc bình thường đã là một quá trình khó khăn và với những gia đình có cha mẹ làm công an, như gia đình anh chị, thì “không bao giờ có đủ thời gian cho việc nuôi dạy con cái mà phải nhờ sự hỗ trợ của người thân” như lời chị nói. Sau này, anh chị đề xuất cơ quan cho lịch trực linh hoạt và thuận tiện hơn để dành thời gian cho các con. “Vợ chồng cùng chia sẻ, trợ giúp cho nhau trong công việc gia đình cũng như hoàn thành công tác nhiệm vụ được giao”, Trung tá Hương cho hay.
Nhớ lại đợt dịch Covid-19, anh chị phải công tác toàn thời gian trong trại, hơn 1 năm trời các con ở nhà tự lo cho bản thân, tự giác trong công việc và học tập, cha mẹ có nhớ con cũng chỉ biết gọi điện thoại. Sự động viên của người cha cũng từng công tác trong ngành Công an, sự đồng hành của người chồng, sự tự giác và ý thức của các con ngoan giỏi là điểm tựa để chị cống hiến nhiều hơn, chấp nhận những sự hy sinh, luôn yên tâm công tác.
Tình yêu nghề của Trung tá Hương được truyền từ người cha cũng công tác trong ngành Công an. Sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, chị Hương được điều về Phân trại số 2 Trại giam Phú Sơn 4. Những ngày đầu mới nhận công tác, khác với những gì từng mường tượng, nữ sĩ quan trẻ như bước vào một thế giới khác. Những phạm nhân với những thành tích “bất hảo” từng làm chị e dè, nhưng với bản lĩnh, sự học hỏi, chị đã làm tốt công việc.
Trung tá Hương hiện làm công tác gián tiếp quản lý công việc tổ chức lao động sản xuất cho phạm nhân. Hiện nay, Trại Phú Sơn có 3 ngành nghề lao động gồm may, làm vàng mã, trồng trà. Làm trà sẽ dành cho các phạm nhân lớn tuổi, công việc may phần lớn sẽ phân công cho phạm nhân trẻ tuổi tinh mắt… Nhiệm vụ được giao đòi hỏi chị phải có cái nhìn tinh tế và thấu đáo để phân công phạm nhân làm nghề phù hợp khả năng lao động, án tù của họ, giúp phạm nhân ngày càng thể hiện sự tiến bộ. nhanh chóng được xem xét, giảm án.
Không chỉ phân công lao động phù hợp với mỗi phạm nhân, Trung tá Hương còn hỗ trợ công tác quản lý, giúp phạm nhân nhận thức được sai lầm, có ý thức sửa chữa và giúp họ từng ngày trở thành người lương thiện. Trung tá Hương quan niệm, để giáo dục phạm nhân cải tạo hiệu quả, một trong những điều quan trọng là phải đối xử với phạm nhân bằng sự chân thành và lòng nhân ái.
(Còn tiếp)