Sức mạnh cội nguồn
'Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba'. Câu ca ấy đã in sâu vào tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Đã là người Việt Nam, dù ở trong nước hay định cư ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là hàng triệu người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều cùng nhau hành hương hoặc hướng về đất Tổ, thắp nén tâm hương, nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với tất cả tấm lòng thành kính của mình.
Xuyên qua man mác khói mây huyền thoại hơn 4.000 năm, mỗi người con đất Việt hôm nay hành hương về đất Tổ như vẫn thấy hình ảnh các Vua Hùng cùng muôn dân cày ruộng, đi săn. Trong lớp lớp đàn chim Lạc sải cánh bay về quần tụ trên mặt trống đồng, lịch sử đã khắc ghi công lao các Vua Hùng đời nối đời dựng nên nhà nước Văn Lang của người Việt cổ. Một nước Văn Lang có nền văn minh lúa nước và văn minh sông Hồng rực rỡ, tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc phong phú và độc đáo, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ và dài lâu của dân tộc Việt Nam sau này.
Trải mấy ngàn năm vật đổi sao dời, vùng đất Phong Châu xưa, nơi các Vua Hùng sinh cơ dựng nghiệp đã trở thành miền đất Tổ. Mỗi tấc đất, ngọn cây dưới chân núi Nghĩa Lĩnh; mỗi bậc đá thềm mây trên Đền Trung, Đền Thượng đã thấm đẫm huyền thoại về đạo lý cội nguồn.
Từ đất Tổ Phong Châu, đàn con của Mẹ Âu Cơ đã băng qua bao núi đồi, vượt qua bao sơn lam chướng khí, bằng bàn tay khối óc của mình khai mở đất đai, không quản nắng mưa, chí thú gieo trồng. Ruộng đồng ngày một thênh thang, đường sá ngày một rộng dài theo bước chân người đi mở đất. Từ miền núi đến miền xuôi, trong Nam ngoài Bắc, ở đâu có người Việt, ở đó sự sống sinh sôi. Trên rừng dưới biển, đâu đâu cũng thấm đẫm mồ hôi, công sức của lớp lớp con Hồng cháu Lạc.
Hơn 4.000 năm, dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi tạc công lao các Vua Hùng có công dựng nghiệp. Từ việc nhỏ nhất như dạy dân cày ruộng, đi săn; đến những công trạng lẫy lừng trong cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên, đắp đê trị thủy, đánh đuổi ngoại xâm giữ yên bờ cõi. Để rồi những Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài lịch sử, thành biểu tượng của tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất trước kẻ thù (có chân và không chân); trở thành anh hùng dân tộc, thành thánh nhân trong văn hóa, tín ngưỡng; thành sức mạnh của dân tộc trước mọi hiểm nguy.
4.000 năm sức mạnh Việt Nam còn là những dấu ấn không thể phai mờ của những giá trị văn hóa truyền thống được hun đúc qua nhiều thế hệ. Một trong những nét đẹp đó là tinh thần cố kết cộng đồng. Hai chữ “đồng bào”gắn liền với câu chuyện Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng nở trăm con. Hai chữ “đồng bào” vì thế mà đã trở thành một giá trị tinh thần cao quý, thiêng liêng.
54 dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S này, dù là Kinh hay Thượng, dù ở miền ngược hay miền xuôi, đều là con một mẹ, là cây một cội, là hoa một cành. Dù ở trong nước hay ngoài nước, người Việt Nam vẫn luôn nhớ mình có chung một ngày Giỗ Tổ. Tìm về với non thiêng Nghĩa Lĩnh trong những ngày tháng 3 Âm lịch hàng năm là tìm về giá trị của tinh thần đại đoàn kết toàn dân-yếu tố tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc trong suốt cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước hôm qua, hôm nay và mãi mãi muôn đời con cháu mai sau.
Thực tế đã chứng minh, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm là lịch sử chiến thắng của tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, triệu người như một. Từ những triều đại quân chủ lẫy lừng chiến công phá Tống, bình Chiêm, kháng Nguyên, trừ Minh, đạp Thanh… đến thời đại Hồ Chí Minh-thời đại của cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, từ nô lệ đứng lên thành người làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời mình.
Nhìn lại những ngày đầu lập nước mùa thu tháng 8-1945, đến cuộc trường kỳ kháng chiến “ba nghìn ngày không nghỉ”; rồi cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, ở đâu, lúc nào, lịch sử đi vào những khúc quanh cam go nhất cũng đã được hóa giải thành công bằng trí tuệ, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân.
Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần nhắc đến 2 từ “đoàn kết”. Đó không chỉ là sự đồng cảm của những bậc thiên tài mà còn là sự minh triết về cội nguồn, là tâm nguyện về sức mạnh và sự trường tồn của dân tộc. Sức mạnh Việt Nam vì thế, còn là sức mạnh của truyền thống trung nghĩa, nhân hòa, vị tha từ ngàn đời cha ông truyền lại.
Bởi thế mà trải bao biến thiên của lịch sử, ngàn đời nay, dân ta vẫn giữ lệ Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3, tri ân “các Vua Hùng đã có công dựng nước”, để nhắc mình phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống ông cha, phải “cùng nhau giữ lấy nước” như Bác Hồ từng căn dặn khi Người thăm Đền Hùng trong những năm tháng lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Pháp.
Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày hội của tinh thần đoàn kết, là nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, là sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Việc UNESCO vinh danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cho chúng ta thấy những giá trị mang tính toàn cầu của loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian này; đồng thời, qua đó, cũng khẳng định giá trị về văn hóa, lịch sử, tầm vóc của thời đại Hùng Vương trong toàn bộ tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay diễn ra trong không khí cả nước hân hoan mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đất nước đang tự tin bước tiếp vào một thời kỳ phát triển mới sau khi đã liên tiếp đạt được những thắng lợi của giai đoạn 2015-2020, đặc biệt là những thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa lo phát triển kinh tế, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việc hoàn thiện các chức danh lãnh đạo mới của Đảng, Nhà nước với sự đồng thuận gần như tuyệt đối trong Đảng, Quốc hội, nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đồng bào, cử tri cả nước, được bạn bè khu vực và quốc tế ủng hộ cho thấy một lần nữa, tinh thần đoàn kết dân tộc được phát huy cao độ.
Trong không khí thiêng liêng của ngày Giỗ Tổ, với niềm tự hào dân tộc và lòng thành kính hướng về nguồn cội, mỗi chúng ta càng thấy phải trách nhiệm hơn với lời dạy của tiền nhân, của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp, hòa giải, huy động mọi nguồn lực chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để đạo lý nguồn cội, truyền thống đoàn kết luôn là nguồn lực vô tận cho dân tộc Việt Nam, cho đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12436/202104/suc-manh-coi-nguon-5732437/