Sức mạnh của những người sống và chiến đấu trên Đường mòn Hồ Chí Minh
'Không nơi nào mà quyết tâm được thể hiện rõ như thái độ những người sống và chiến đấu dọc Đường mòn Hồ Chí Minh'.
Một vài ý kiến tại Mỹ cho rằng nếu tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam một cách hợp lý, không có áp lực chính trị, thì người Mỹ đã chiến thắng. Trước khi trở lại Việt Nam vào năm 1994, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng giờ đây tôi nghĩ khác. Chuyển biến trong tôi chỉ diễn ra sau khi tôi thấu hiểu được rằng người Việt Nam có một ý chí sắt đá để có thể chiến đấu đến chừng nào đạt được mục tiêu thống nhất đất nước mới thôi. Không nơi nào mà quyết tâm được thể hiện rõ như thái độ những người sống và chiến đấu dọc Đường mòn Hồ Chí Minh.
Phan Lương Trực là một người lính tiên phong trên Đường mòn. Năm 1964, ông Trực, lúc bấy giờ là trung tá, đã mất năm tháng để đi bộ hết Đường mòn trong một chuyến công tác. Nhiều năm sau, khi đã là thiếu tướng, ông nói rằng “đấy là một trong những chuyến đi khó khăn nhất đời tôi”.
Bên cạnh thách thức về thể chất là những vấn đề về tinh thần. Máy bay ném bom thường xuyên là một thử thách lớn cho thần kinh con người. Nhiều khi bom đạn đã đẩy người lính tới bờ vực suy sụp. Ông Từ Sơn, người có chuyến đi đầu tiên trên Đường mòn vào năm 1964, còn lưu giữ cuốn nhật ký viết về những trải nghiệm ở đấy. Trong cuốn nhật ký, ông đã ghi lại cuộc trao đổi với một người thuộc đơn vị khác bị lạc sau trận ném bom.
“‘Chúc may mắn’, mình nói thế với anh ấy.
‘Em mong là sẽ gặp may’, anh đáp một cách chân thật. ‘Kinh nghiệm cho em thấy một người có thể có hai mươi bốn tâm trạng khác nhau trong hai mươi bốn giờ của một ngày. B-52 thì ngày nào mà chả rải bom. Nhưng hình ảnh người bạn thân chết ngay trước mặt khiến em kinh hãi vô cùng, thậm chí em còn nghĩ tới đào ngũ. Nhưng vài giờ sau đó em đã quyết định sẽ đi tìm đơn vị. Và em cũng không biết sau vài giờ nữa thì mình nghĩ gì. Hiện tại thì em phải đi kiếm đơn vị thôi’”.
Tướng Trực kể lại một thách thức khác. “Khi đi dọc Đường mòn, tôi phải tự mang theo thức ăn vì thực phẩm luôn khan hiếm”, ông nói. Các binh trạm không thường xuyên có thực phẩm để cung cấp nên phần lớn người đi dọc Đường mòn phải tự dự trữ thức ăn cho mình. Mỗi người lính được khuyên phải mang theo ít nhất mười cân gạo. Khi đến binh trạm, người nào không còn đủ mười cân gạo sẽ được nhận thêm - nhưng chỉ trong trường hợp ở đấy có gạo để bổ sung. Thường thì mọi người phải chuẩn bị tâm lý không được tiếp tế trong một thời gian dài.
“Chúng tôi mang theo bột nước mắm để trong một cái hộp đặc biệt, khi dùng thì cho vào cơm và trộn với nước”, ông Trực kể tiếp. “Chúng tôi còn ăn rau rừng và đôi khi bắt được thú rừng dọc đường..., có nai, trăn, chồn và hổ, dù thịt hổ rất dở. Có khi chúng tôi mang theo gạo cho một chuyến đi rất dài. Nhiều lúc đồng bào dân tộc cung cấp cho chúng tôi các loại thực phẩm như bắp và sắn”.
Binh lính thường ghé vào bản làng để đổi thức ăn. Ông Trực kể về lần ngã giá với hai đứa trẻ dân tộc miền núi.
“Trước chuyến đi, tôi được phát một lọ vitamin. Nhưng nếu mang nguyên cả cái lọ đi theo thì sẽ rất nặng. Vì thế tôi dùng bao cao su đựng vitamin rồi bỏ vào ba lô.
Hôm nọ, tôi tới một làng miền núi định đem áo quần, thuốc lá hoặc bất cứ thứ gì đổi lấy trái cây. Nhưng tôi và anh bạn thân chẳng thấy thứ gì để đổi cả, đành phải rời làng. Lúc nghỉ chân dưới gốc cây, tôi lôi bao cao su chỉ còn hai viên vitamin ra để nhai. Ngay lúc ấy, có hai đứa trẻ làng vừa hái trái cây rừng đi về ngang qua chỗ chúng tôi, mang theo hai nải chuối.
Tôi đem một chiếc áo ra đổi nhưng chúng từ chối. Sau đó tôi đem ra một chiếc quần đùi, chúng vẫn lắc đầu. Vì quá thích hai nải chuối, tôi mới nảy ra ý định lấy chiếc bao cao su ra thổi lên để trao đổi với bọn trẻ. Chúng đồng ý ngay lập tức. Thế là chuyện đổi chác diễn ra êm đẹp; chúng tôi đem chuối ra ăn còn hai đứa trẻ đem đồ chơi ra thổi, rồi cho xì hơi, rồi lại thổi.
Sau khi ăn chuối xong, tôi cảm thấy như mình vừa đánh lừa bọn trẻ. Thế là tôi gọi hai đứa lại. Nhưng chúng lại tưởng chúng tôi muốn đòi lại chiếc “bóng bay” nên chạy mất. Chúng tôi phải vào tận làng để đưa áo quần cho cha mẹ chúng. Họ cảm ơn rối rít. Lúc chúng tôi chia tay, hai đứa trẻ vẫn còn vui thú với món đồ chơi mới”.
Có lần, ông Trực tới một con suối. Ở góc suối, ông thấy dấu vết có người vừa vo gạo xong. Người kia vô ý để rơi vãi ít gạo trên bờ suối. Trong thời buổi thiếu lương thực trầm trọng, ông Trực liền nhặt nhạnh hết số gạo rơi vãi, rồi cho những hạt vàng này vào phần gạo dự trữ của mình.
“Chúng tôi luôn quý trọng từng hạt gạo”, ông Trực nói.
Trong những ngày đầu của cuộc chiến, bộ đội thường di chuyển theo từng đoàn lớn. Năm 1964, đội hành quân của ông Trực có tới ba trăm người. Đoàn được tách ra thành ba nhóm nhỏ, mỗi nhóm một trăm người. Các nhóm đi cách nhau vài cây số.
Khi máy bay gia tăng ném bom dọc Đường mòn, gây ra nhiều tổn thất về sinh mạng, các nhóm hành quân thường được chia nhỏ hơn nữa - có khi chỉ gồm ba người. Khái niệm “càng đông càng an toàn” không tồn tại dọc Đường mòn - bởi vì đông người có thể khiến máy bay dễ phát hiện - tức là dễ dẫn tới chết chóc.
Cuộc sống của những người duy trì Đường mòn Hồ Chí Minh hoàn toàn không dễ dàng. Đó cũng chính là một đặc trưng của những người lính phụng sự Tổ quốc. Như nhà báo Trần Công Tấn nói, một người lính chỉ có thể sống sót khi kẻ thù không nhìn thấy anh ta. Anh ta phải “tập đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
Những người phục vụ trên Đường mòn đã thực hiện điều này một cách tình nguyện. Theo ông Tấn, họ chỉ kết thúc nhiệm vụ khi có một trong ba sự kiện sau xảy ra - “chết, gần chết hoặc chiến thắng”.
Hai thập niên sau cuộc chiến, một nhóm nhỏ cựu quân nhân Việt Nam lại đi xe tải qua Đường mòn Hồ Chí Minh. Không còn vận chuyển khí tài chiến tranh, trên xe họ giờ đây là hài cốt của những đồng đội vừa tìm thấy. Việc tìm kiếm hài cốt rất khó khăn, không chỉ bởi thiếu hồ sơ tài liệu mà còn do rừng xanh, sau một thời gian dài, đã bắt đầu phủ kín gần như toàn bộ Đường mòn, khiến cho công việc nhận diện chiến trường xưa gần như bất khả.
Có một linh cảm luôn hiện lên trong tâm thức những người lính đi tìm đồng đội, đó là họ không đơn độc. Hơn một lần, xe của họ đột nhiên bị hỏng. Trong khi tài xế sửa xe thì những người lính khác vào rừng tìm thức ăn, và đột nhiên họ bắt gặp một nơi chôn cất. Ngay sau khi những người lính trở về xe để kể lại phát hiện của mình, chiếc xe đột nhiên nổ máy trở lại theo một cách nào đó cũng khó hiểu như khi nó hỏng. Vì thế, mỗi lần xe hỏng máy, người ta luôn tỏa ra xung quanh để tìm kiếm xem có chỗ chôn cất nào không.
Đối với những người trở lại Đường mòn để tìm hài cốt đồng đội sau chiến tranh, linh hồn những người đã ngã xuống khi bảo vệ con đường này không hề chết.
Các cuộc tìm kiếm đã giúp tìm được hơn 30.000 hài cốt. Hài cốt được quy tập một cách lặng lẽ về một nghĩa trang ở tỉnh Quảng Trị. Đây là nghĩa trang quốc gia lớn nhất nước và là nơi tưởng niệm xứng đáng đối với những người đã hy sinh khi bảo vệ Đường mòn.
Khi đã đạt được một trong ba điều kiện để hoàn tất nhiệm vụ trên Đường mòn, theo cách diễn giải của ông Tấn - đó là cái chết - những người lính này, sau một thời gian dài, cuối cùng đã được trở về nhà.