Sức mạnh để giải phóng Điện Biên Phủ là sức mạnh tổng hợp của trí tuệ, truyền thống và văn hóa Việt Nam
Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói, sức mạnh để giải phóng Điện Biên Phủ lúc đó là sức mạnh của trí tuệ Việt Nam, truyền thống và văn hóa Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh xuất chúng, người đã thấm nhuần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư duy sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân, đã đưa ra quyết định quan trọng, chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này. Tài thao lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ.
Năm 2004, nhân Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (khi đó đã 93 tuổi) và Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu đồng chủ trì “Hội thảo 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Cho đến bây giờ, sau đúng 20 năm, khi cả nước tưng bừng hướng về Điện Biên với rất nhiều hoạt động nhân Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhớ lại ký ức đậm nét từ một sự kiện quan trọng trong quá khứ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn không khỏi bùi ngùi xúc động.
+ Thưa Thượng tướng, được biết, năm 2004, ông cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng chủ trì “Hội thảo 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”, do Chính phủ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Xin ông cho biết, điều khiến ông ấn tượng nhất tại hội thảo này là gì?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Cách đây đúng 20 năm, vào dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khi đó tôi đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách đối ngoại nên được Bộ Quốc phòng phân công cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng chủ trì “Hội thảo 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”. Quá trình diễn ra hội thảo, Đại tướng chủ yếu nói bằng tiếng Pháp.
Tôi có nghe phiên dịch lại và nhớ rõ 3 ý: Đại tướng cảm ơn đại biểu của hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đến với Việt Nam, dự hội thảo tại Việt Nam.
Thứ hai là Đại tướng nói về chiến tranh nhân dân ở Việt Nam. Đại tướng nói rất kỹ về bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, đó là sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc. Đại tướng phân tích, lý do trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tại sao phải kéo pháo ra, kéo pháo vào, trước đó phải “đánh nhanh, thắng nhanh” nhưng sau đó thì chuyển thành “đánh chắc, tiến chắc”. Đại tướng cũng nói rất nhiều về sự giúp đỡ, bao bọc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc dành cho Bộ đội. Vai trò của nhân dân rất quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi đó. Đại tướng không nói về mình mà nói về Đảng và Bác Hồ kính yêu, cùng nhân dân. Đại tướng nói sức mạnh để giải phóng Điện Biên Phủ lúc đó là sức mạnh của trí tuệ Việt Nam, truyền thống và văn hóa Việt Nam. Đại biểu các nước rất chăm chú lắng nghe.
Điều thứ ba, Đại tướng nói về sức mạnh của thời đại, đó là sự ủng hộ của nhân dân thế giới, những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đã ủng hộ Việt Nam cả vật chất lẫn tinh thần trong cuộc kháng chiến chính nghĩa của mình để giành độc lập dân tộc, chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đây cũng là dịp để tôi tiếp cận các nội dung mà Đại tướng chia sẻ về chiến dịch Điện Biên Phủ với đại biểu của hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đại tướng nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình và muốn làm bạn với các quốc gia trên thế giới.
Năm nay, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi mong rằng, chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng của Điện Biên năm xưa, xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển, vững mạnh, hội nhập, sánh vai với các cường quốc năm châu.
+ Theo Thượng tướng, chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa như thế nào đối với dân tộc Việt Nam?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Ý nghĩa to lớn nhất của chiến thắng Điện Biên Phủ là dân tộc Việt Nam đã đánh bại đế quốc Pháp - đế quốc thực dân xâm lược, buộc thực dân Pháp ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Genève (được ký ngày 20/7/1954) về đình chỉ chiến tranh, giải phóng hoàn toàn miền Bắc Việt Nam.
Đối với quốc tế, chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của nhân dân ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia). Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của các dân tộc bị áp bức và bị đô hộ trên toàn thế giới. Chính thắng lợi Điện Biên Phủ tạo cho tất cả đứng dậy, đấu tranh giành độc lập cho dân tộc mình. Vì vậy, đây là chiến thắng có ý nghĩa mang tính tầm vóc đối với toàn cầu.
+ Ông đã học được những bài học kinh nghiệm gì từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông đảm nhiệm các cương vị khác nhau trong kháng chiến và sau khi hòa bình lặp lại?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Có rất nhiều điều để học tập Đại tướng! Toàn quân phải học tập, trong đó có tôi và các nhà khoa học, các nhà quân sự… Nhưng có lẽ, điều khiến tôi ấn tượng nhất với Đại tướng là nhà thiên tài quân sự. Trong đó, phải nhấn mạnh về nghệ thuật chiến tranh nhân dân gồm 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.
Đương nhiên, nghệ thuật chiến tranh nhân dân là phát huy của rất nhiều trí tuệ, nhưng Đại tướng đã tổng hợp, khái quát lại để chỉ đạo cho toàn quân.
Thứ hai, khi các nhà quân sự, nhà khoa học tổng kết chiến tranh thì hay nhắc đến nội dung Đại tướng nói rằng “Chúng ta đánh địch bằng mưu kế, thế trận; nhưng thắng địch phải là thế thời”. Đại tướng căn dặn, khi đánh trận thì mưu sâu nhất là nghi binh, lừa địch, địch tưởng ta đánh chỗ này thì ta lại đánh chỗ khác. Những lời căn dặn, truyền thụ của Đại tướng hết sức quý báu cho cuộc đời binh nghiệp của tôi.
+ Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!