Sức mạnh tiêu dùng 6.000 tỷ USD của Trung Quốc bị tàn phá

3 tháng sau khi Bắc Kinh nới lỏng các lệnh hạn chế, người tiêu dùng Trung Quốc, với sức mạnh chi tiêu lên đến 6.000 tỷ USD, vẫn lưỡng lự trong việc di chuyển và vung tiền mua sắm.

Mới đây, Bloomberg tổng hợp các dữ liệu từ chi tiêu bất động sản đến ăn uống, giải trí và du lịch hàng không tại Trung Quốc. Chúng cho thấy tiêu dùng đang phục hồi nhưng rất chậm chạp và dễ tổn thương.

Trung Quốc đóng góp 1/3 vào tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu từ năm 2010 đến năm 2017, theo Viện quốc tế McKinsey. Trong 10 năm tới, mức tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc dự kiến bằng Mỹ và Tây Âu cộng lại.

Dữ liệu doanh số bán lẻ trong tuần này được dự báo tăng. Tuy nhiên, doanh thu tính từ đầu năm vẫn giảm so với nửa đầu năm ngoái.

Tiêu dùng Trung Quốc phục hồi nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Bloomberg.

Tiêu dùng Trung Quốc phục hồi nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Bloomberg.

"Các chỉ số chính cho thấy doanh số bán lẻ sẽ tiếp tục phục hồi trong tháng 6. Tuy nhiên, phải mất rất lâu nữa tiêu dùng mới hồi sinh. Nguyên nhân là khách hàng không muốn sử dụng những dịch vụ cần tiếp xúc nhiều với người khác, thu nhập sụt giảm và căng thẳng trong thị trường lao động", hai chuyên gia Chang Shu và David Qu của Bloomberg viết trong báo cáo.

Dữ liệu tháng 6 và đầu tháng 7 chỉ ra tình hình của các ngành công nghiệp không giống nhau. Trong khi doanh số bán nhà tăng so với năm ngoái, doanh số bán xe giảm.

So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán nhà tăng trong khi doanh số bán xe giảm. Ảnh: Bloomberg.

So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán nhà tăng trong khi doanh số bán xe giảm. Ảnh: Bloomberg.

Đối với các sòng bạc ở Macau, nơi được mệnh danh là Las Vegas Trung Quốc, dữ liệu cho thấy ảnh hưởng từ đại dịch còn lâu mới kết thúc. Khi biên giới gần như đóng cửa với khách Trung Quốc, doanh thu sụt giảm hơn 90% trong 3 tháng liên tiếp. Theo ước tính của Morgan Stanley, chi phí của các sòng bạc lên đến 15 triệu USD/ngày.

Sắp tới, có thể có một sự phục hồi của các sòng bạc nằm ở ranh giới với tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), khi Macau đồng ý dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với du khách trở về từ khu vực này, mở đường cho ngành công nghiệp hồi sinh.

Doanh thu của các sòng bạc Macau sụt giảm mạnh. Ảnh: Bloomberg.

Doanh thu của các sòng bạc Macau sụt giảm mạnh. Ảnh: Bloomberg.

Dữ liệu về du lịch cho thấy sự phục hồi nhẹ. Lưu lượng hành khách của đường cao tốc và đường sắt vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Không nhiều hành khách sử dụng các tuyến đường dài dù đi du lịch hay công tác.

Du lịch trong các ngày lễ vào tháng 6 cũng giảm 50% so với năm 2019. Lượng hành khách đi tàu điện ngầm ở Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn dưới mức bình thường.

Lượng hành khách đi tàu điện ngầm ở Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn dưới mức bình thường. Ảnh: Bloomberg.

Lượng hành khách đi tàu điện ngầm ở Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn dưới mức bình thường. Ảnh: Bloomberg.

Các lệnh cấm di chuyển quốc tế cũng khiến giới nhà giàu Trung Quốc không thể đi du lịch và mua sắm. Theo ước tính, những khách hàng này đã đóng góp vào 1/3 ngành công nghiệp hàng xa xỉ toàn cầu. Trong năm nay, thị trường đồ xa xỉ tại Trung Quốc đại lục có khả năng tăng 10%, trong khi ngành công nghiệp toàn cầu lao dốc 45%.

Ngoài ra, các hoạt động kinh tế truyền thống cũng chuyển sang trực tuyến với tốc độ nhanh.

Trung Quốc là một ví dụ cho các quốc gia khác về sự phục hồi tiêu dùng khi dịch bệnh được kiểm soát và người tiêu dùng tự tin ra ngoài mua sắm. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy rằng tốc độ phục hồi sẽ còn rất hạn chế dù ở thị trường nào.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dich-covid-19-tan-pha-suc-manh-tieu-dung-6000-ty-usd-cua-trung-quoc-post1106751.html