Sức mạnh vượt qua thách thức…

Trong bài viết mới đây về Sức mạnh của đoàn kết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặc biệt nhấn mạnh: 'Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đã và đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị; sáp nhập các đơn vị hành chính, 'sắp xếp lại giang sơn', tổ chức không gian phát triển bền vững cho đất nước, tinh thần đoàn kết càng phải được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết'. Lời khẳng định ấy không chỉ là chỉ đạo, mà còn là lời hiệu triệu toàn dân cùng đồng lòng vượt qua giai đoạn chuyển mình đầy thử thách, nhưng cần thiết, để kiến tạo một Việt Nam phát triển ổn định lâu dài.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Ảnh: TTXVN

Chưa bao giờ yêu cầu về sự đồng thuận và tinh thần sẻ chia trong xã hội lại được đặt ra cấp thiết như hiện nay. Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tổ chức lại không gian phát triển là những chủ trương lớn, tác động trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân. Trong quá trình ấy, không tránh khỏi những xáo trộn về tâm lý, văn hóa, tập quán, thậm chí cả lợi ích địa phương. Tuy nhiên, để vượt qua những rào cản ấy, điều then chốt là mỗi người dân, mỗi cán bộ, mỗi địa phương cần đặt lợi ích chung của đất nước lên trên hết; tránh tâm lý cục bộ, khép kín, mà thay vào đó là tinh thần hợp tác, cởi mở và chia sẻ.

Tinh thần đại đoàn kết không chỉ là khẩu hiệu mà phải trở thành hành động cụ thể. Đó là sự đồng lòng trong thực hiện các chính sách mới; là sự thấu hiểu, chia sẻ giữa người dân các vùng sáp nhập; là sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ trong sắp xếp lại bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Những thay đổi về địa giới hành chính không làm mất đi bản sắc của từng địa phương, mà cần được hiểu là cơ hội để các vùng cùng nhau phát triển, cùng nhau khai thác hiệu quả hơn tiềm năng về đất đai, nhân lực và nguồn lực xã hội.

Việt Nam ta có truyền thống đoàn kết lâu đời. Từ những năm kháng chiến gian khó, cho đến công cuộc đổi mới, chưa khi nào dân tộc ta thiếu tinh thần sẻ chia, vượt khó. Hôm nay, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều yêu cầu cao hơn về thể chế, về không gian phát triển, về bộ máy hành chính thì tinh thần ấy càng cần được khơi dậy mạnh mẽ. Mỗi người dân, dù ở miền núi hay đồng bằng, thành thị hay nông thôn, đều có vai trò trong công cuộc đổi mới này. Khi mỗi người chung tay góp sức, mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ, mọi trở ngại sẽ trở thành động lực để vươn lên.

Sự phát triển bền vững của đất nước không thể có nếu thiếu sự đồng thuận từ nhân dân. Và chính trong thời điểm lịch sử này, tinh thần đại đoàn kết - thứ “vũ khí mềm” nhưng vô cùng mạnh mẽ của dân tộc ta - lại một lần nữa cần được phát huy cao độ để gắn kết ý Đảng với lòng dân, tạo nên sức mạnh to lớn để đất nước vững bước tiến lên. Nguyễn Phượng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202507/suc-manh-vuot-qua-thach-thuc-462150e/