Súc miệng bằng dầu có thể làm trắng răng không?

Việc súc miệng bằng dầu có thể làm giảm vi khuẩn có hại trong miệng và giảm nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe răng miệng.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Súc miệng bằng dầu là phương pháp chăm sóc sức khỏe răng miệng truyền thống nổi tiếng của người Ấn Độ. Theo phương pháp này, bạn sử dụng một số loại dầu như dầu dừa, dầu mè,... để súc miệng trong khoảng 20 phút. Hiện nay, phương pháp này được khá nhiều người áp dụng.

Vậy súc miệng bằng dầu có tác dụng gì? Súc miệng bằng dầu có làm trắng răng không?

1. Súc miệng bằng dầu có tác dụng gì?

Súc miệng bằng dầu không phải phương pháp chữa bệnh nhưng có thể cải thiện đáng kể sức khỏe răng miệng của bạn. Dưới đây là những lợi ích nổi bật của việc súc miệng bằng dầu.

- Ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn có hại

Có khoảng 700 loại vi khuẩn sống trong miệng của bạn và một số loại vi khuẩn có hại có thể gây ra các vấn đề như sâu răng, hôi miệng và bệnh nướu răng.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc súc miệng bằng dầu có thể giúp giảm số lượng vi khuẩn có hại trong miệng.

- Giảm hôi miệng

Có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây hôi miệng. Một số bệnh phổ biến nhất bao gồm nhiễm trùng, bệnh nướu răng, vệ sinh răng miệng kém và lớp phủ lưỡi, đó là khi vi khuẩn bị mắc kẹt trên lưỡi.

Điều trị hôi miệng bao gồm loại bỏ vi khuẩn bằng cách đánh răng hoặc sử dụng nước súc miệng sát trùng như chlorhexidine. Mà một nghiên cứu năm 2011 cho thấy việc súc miệng bằng dầu có hiệu quả tương đương với chlorhexidine trong việc giảm mùi hôi miệng.

- Ngăn ngừa mảng bám

Có một số bằng chứng cho thấy việc súc miệng bằng dầu, đặc biệt là dầu dừa, có thể ức chế sự hình thành mảng bám.

Súc miệng bằng dầu giúp ngăn ngừa mảng bám và sự phát triển của vi khuẩn có hại (Ảnh: ST)

Súc miệng bằng dầu giúp ngăn ngừa mảng bám và sự phát triển của vi khuẩn có hại (Ảnh: ST)

- Ngăn ngừa sâu răng

Sâu răng có thể do chế độ ăn nhiều đường và dẫn tới tích tụ vi khuẩn hay do các mảng bám.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc súc miệng bằng dầu có thể giúp giảm số lượng vi khuẩn trong miệng và ngăn ngừa các mảng bám, từ đó ngăn ngừa sâu răng.

- Bảo vệ sức khỏe của nướu

Súc miệng bằng dầu có thể cải thiện sức khỏe nướu và giảm viêm bằng cách giảm vi khuẩn có hại và mảng bám trong miệng góp phần gây ra bệnh nướu răng, chẳng hạn như Streptococcus mutans.

Sử dụng một số loại dầu có đặc tính chống viêm như dầu dừa cũng có thể hỗ trợ bằng cách giảm viêm liên quan đến bệnh nướu răng.

- Lợi ích khác

Theo y học Ayurvedic Ấn Độ, súc miệng bằng dầu thúc đẩy sức khỏe tổng thể tốt bằng cách loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Những người hành nghề Ayurvedic tin rằng súc miệng bằng dầu có thể làm sạch xoang và giảm đau đầu. Đồng thời, phương pháp này cũng có thể giúp chống lại chứng viêm, có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe mãn tính, từ viêm khớp đến bệnh tim.

Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh tác dụng của việc súc miệng bằng dầu đối với sức khỏe tổng thể.

Súc miệng bằng dầu có làm trắng răng không?

Một số người cho rằng việc súc miệng bằng dầu, đặc biệt là bằng dầu dừa có thể làm trắng răng. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào xác nhận có tác dụng này khi dùng dầu dừa.

2. Súc miệng bằng dầu có rủi ro gì không?

Súc miệng bằng dầu thường được coi là an toàn mặc dù nó có thể gây ra một số tác dụng phụ ở một số người.

Những tác dụng phụ này có thể bao gồm buồn nôn, đau dạ dày hoặc bị khó chịu trong miệng, đặc biệt là nếu bạn không nhổ dầu ra đúng cách sau khi súc miệng. Một số người cũng có thể bị mỏi hàm hoặc đau nhức do phải súc miệng trong thời gian dài khi thực hiện súc miệng bằng dầu.

Ngoài ra, đã có báo cáo hiếm hoi về viêm phổi mỡ, một tình trạng gây ra do hít phải một lượng nhỏ dầu vào phổi, mặc dù nguy cơ này cực kỳ thấp nếu súc miệng bằng dầu đúng cách.

3. Hướng dẫn súc miệng bằng dầu đúng cách

Thực hiện việc súc miệng bằng dầu khá đơn giản. Đầu tiên, bạn nên chọn loại dầu ăn chất lượng cao.

Loại dầu nào là tốt nhất để súc miệng bằng dầu?

Dầu hướng dương, dầu dừa và dầu mè là những loại dầu thường được sử dụng để súc miệng bằng dầu.

Tuy nhiên, dầu dừa thường được khuyên dùng để súc miệng bằng dầu hơn. Do dầu dừa nguyên chất có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại vi khuẩn, vi-rút và nấm. Điều này giúp dầu dừa có khả năng chữa lành tốt hơn các loại dầu khác.

Cách súc miệng bằng dầu

Sau đây là một số bước cần thực hiện nếu bạn muốn thử súc miệng bằng dầu tại nhà:

- Cho khoảng một thìa dầu (khoảng 15ml) vào miệng.

- Súc dầu quanh miệng. Cẩn thận đừng nuốt dầu.

- Bắt đầu bằng cách súc miệng bằng dầu trong 5 phút, sau đó tăng dần thời gian khi bạn đã quen với cảm giác này. Để có được lợi ích tốt nhất, hãy đặt mục tiêu súc miệng bằng dầu trong 5 đến 20 phút mỗi ngày.

- Lắc dầu từ bên này sang bên kia và đẩy dầu qua răng của bạn

- Khi bạn đã súc xong, hãy nhổ dầu vào thùng rác. Dầu sẽ trông có bọt và trắng sau một thời gian dài súc miệng.

- Súc miệng kỹ bằng nước ấm hoặc nước muối để loại bỏ hết dầu còn sót lại.

- Đánh răng lại một lần nữa để loại bỏ mọi độc tố hoặc dầu còn sót lại trong miệng.

Lưu ý: Nếu khi nào bạn cảm thấy dầu trong miệng quá nhiều và bạn muốn nuốt, hãy nhổ dầu ra bên ngoài và thử lại với một lượng nhỏ hơn.

Nên đánh răng trước hay sau khi súc miệng bằng dầu?

Bạn nên đánh răng sau khi súc miệng bằng dầu để giúp loại bỏ bất kỳ độc tố hoặc dầu còn sót lại trong miệng. Tuy nhiên, một số nha sĩ khuyên bạn nên đợi ít nhất 30 phút mới đánh răng để bảo vệ men răng.

4. Có nên súc miệng bằng dầu mỗi ngày không?

Nếu bạn bị viêm nướu hoặc bệnh nướu răng, hãy súc miệng bằng dầu một lần mỗi ngày để cải thiện sức khỏe nướu răng. Nếu bạn có sức khỏe răng miệng tốt, nên súc miệng bằng dầu 1-2 lần mỗi tuần.

Ngoài súc miệng bằng dầu, bạn đừng quên vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách:

- Đánh răng 2 lần/ngày

- Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám còn sót lại

- Súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng

Vân Anh (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/suc-mieng-bang-dau-co-the-lam-trang-rang-khong-202407221037012.htm