Sức mua nội địa phục hồi, doanh nghiệp vẫn chưa thể yên tâm
Sức mua ở thị trường nội địa đã tăng trở lại sau thời gian giảm sâu do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đây là điều kiện lý tưởng để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nắm bắt cơ hội mới. Tuy vậy, thách thức từ mặt bằng giá cả leo thang, cạnh tranh không lành mạnh... có thể cản đà phục hồi của doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2022 đạt 455,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.777,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt bằng giá mới liên tục được thiết lập
Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng. Trong đó, bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước (riêng lương thực và thực phẩm tăng tới 13,2% do giá cả hàng hóa tăng).
Các hoạt động trong lĩnh vực du lịch dần được khôi phục (mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3/2022), nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp cũng đang dần phục hồi.
Về du lịch, các công ty du lịch cũng đang có đà phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là trong dịp lễ 30-4, 1/5 vừa qua. Nhiều doanh nghiệp lữ hành công bố lượng khách tăng đột biến, như Saigontourist, khách nội địa sử dụng dịch vụ đạt 30.000 - 50.000 lượt khách. Vietravel, Vietnam Travelmart ghi nhận phục vụ gần 50 đoàn khách nội địa, tương đương 4.000 lượt, Fiditour có số lượng khách đặt và sử dụng tour tăng 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái… Công suất đặt phòng tại các cơ sở lưu trú luôn ở mức cao, từ 80 - 90% đối với phân khúc cao cấp (4 - 5 sao) và 75 - 78% đối với phân khúc thấp hơn (3 sao).
Các hãng hàng không lớn trong nước đều đồng loạt tăng chuyến, tăng giờ bay trên tất cả các chặng bay nội địa, khai thác gần 1.000 chuyến bay/ngày, tương đương cùng kỳ năm 2019 và tăng khoảng 30% so với ngày thường.
Thống kê chung từ Tổng cục Du lịch cho thấy trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, ngành du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22.000 tỷ đồng.
Bức tranh trên cho thấy, thị trường tiêu dùng nội địa đang dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, tín hiệu này mới chỉ là khởi đầu trong một chặng đường phục hồi phía trước.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, trong thời gian đại dịch COVID-19, nhiều người tiêu dùng trong nước phải thắt chặt chi tiêu, dẫn tới sức tiêu dùng giảm mạnh. Đến nay, dịch bệnh dần được kiểm soát song xu hướng thắt chặt chi tiêu có thể duy trì do công việc, nguồn thu của nhiều người còn bấp bênh.
"Những người có tiền để đi du lịch là tầng lớp thu nhập ổn định, có của ăn của để. Còn ở đây, tôi muốn đề cập tới nhiều người lao động - họ là những công nhân, làm công việc tự do... thì chắc chắn hầu bao cũng chưa rủng rỉnh để mạnh tay chi tiêu. Theo đó, vấn đề là cần có chính sách hỗ trợ duy trì ổn định thị trường lao động, kích cầu sức mua thông qua giảm thuế... ", ông Cung khuyến nghị.
Thêm vào đó, một trong những lo ngại lớn nhất hiện nay là giá cả hàng hóa leo thang sẽ ảnh hưởng lớn tới việc chi tiêu của người tiêu dùng. Anh Thảo, chủ cửa hàng tạp hóa Thanh Thảo (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội), cho biết mỗi lần nhập hàng là giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu lại tăng thêm một ít khiến anh rất sốt ruột. "Nhiều khách hàng thắc mắc, tôi lại phải giải thích là nay lên giá mới rồi, từ hộp sữa chua, phô mai... tới dầu ăn, xà phòng đều tăng giá", anh Thảo chia sẻ.
Bên cạnh đánh giá thị trường tiêu dùng nội địa phục hồi, Bộ Công Thương cũng đặt ra lo ngại nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cũng đang bị ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và ở mặt bằng giá cao, đã đẩy giá các hàng hóa này tại thị trường trong nước tăng.
"Trong tháng 4 vừa qua, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung cầu, tuy nhiên do ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới nên giá một số mặt hàng trong nước tăng so với tháng trước", Bộ Công Thương đánh giá.
Trăn trở chuyện đưa hàng Việt tới người Việt
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm lần lượt 3,5% và 4,6% do thu nhập của người dân vẫn còn khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), cho biết hiện doanh nghiệp đang sở hữu 14 cửa hàng phân phối sản phẩm may mặc ở thị trường trong nước, đồng thời đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử.
Ông Việt đánh giá, thị trường những tháng đầu năm đã phục hồi, tăng trưởng khoảng 10%. Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng 15-20% như thời kỳ trước đại dịch, con số này vẫn còn khá thấp.
Do vậy, VitaJean mới chỉ đưa ra thị trường bộ sưu tập sản phẩm mới có quy mô bằng 1/3 các bộ sưu tập những năm trước 2020. Việc đưa ra bộ sưu tập mới dựa trên tính toán sức tiêu thụ, hàng tồn năm trước.
Dù có kinh nghiệm "chinh chiến" ở các thị trường khó tính như EU, Mỹ... song ông Việt không giấu nỗi lo lắng, trăn trở về những khó khăn khi đưa sản phẩm may mặc tiếp cận người Việt. Ông chia sẻ: Nhiều thương hiệu thời trang nhanh như H&M, Zara không ngừng mở rộng hệ thống phân phối bất chấp bối cảnh COVID-19 vì họ có nguồn tài chính tốt, nhận định thị trường phục hồi nhanh sau đại dịch. Doanh nghiệp may mặc Việt cũng nhìn ra được điều này nhưng để mở rộng, nắm bắt cơ hội lại không hề dễ như doanh nghiệp ngoại.
VitaJean đánh giá, tiềm năng sản phẩm may mặc ở thị trường Việt Nam là có thật, thậm chí còn là "miếng bánh béo bở" nhưng doanh nghiệp nội khó tiếp cận vì bất lợi về nguồn nguyên phụ liệu, phải cạnh tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Trong khi đó, một số người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn tâm lý sính ngoại. Đó là lý do doanh thu nội địa của VitaJean mới chỉ chiếm khoảng vài phần trăm trong tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh thực hiện Cuộc Vận động là cấp thiết tại thời điểm hết sức có ý nghĩa và quan trọng, để tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người tiêu dùng.
"Các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc vận động, qua đó tạo nên sức mua cho hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh tổng cầu và tổng cung có thời gian suy giảm mạnh do đại dịch COVID-19", ông Nam nói.