Sức sống của các nhà máy lọc dầu tư nhân ở Trung Quốc

Khi Bắc Kinh đang nỗ lực giải quyết tình trạng dư thừa công suất công nghiệp, ngành lọc dầu Trung Quốc lại cho thấy sức sống dai dẳng, đặc biệt là ở các nhà máy tư nhân nhỏ.

Một nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc. Ảnh AFP

Một nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc. Ảnh AFP

Tại tỉnh Sơn Đông, ba nhà máy lọc dầu tư nhân từng phá sản vào năm ngoái, thì nay một nhà máy đã hoạt động trở lại dưới tay chủ mới. Hai nhà máy còn lại cũng đang trong quá trình đàm phán để tái vận hành. Theo nguồn tin thân cận, cả ba đang xin hạn ngạch nhập khẩu dầu thô từ Chính phủ trung ương.

Sự trở lại này diễn ra đúng lúc Trung Quốc cam kết cắt giảm công suất dư thừa trong nhiều lĩnh vực như thép và năng lượng mặt trời - hệ quả từ mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu và sự hậu thuẫn từ các chính quyền địa phương. Với ngành lọc dầu, vấn đề càng cấp bách hơn khi nhu cầu xăng trong nước có thể đã đạt đỉnh, do xe điện ngày càng phổ biến, còn tiêu thụ dầu diesel cũng đang chững lại.

Trước khi phá sản hồi năm 2024, ba nhà máy nói trên thuộc sở hữu tập đoàn nhà nước Sinochem. Trong năm nay, công ty tư nhân Weifang Hongrun Petrochemical đã mua lại nhà máy lọc dầu Shandong Changyi Petrochemical, và đưa vào hoạt động trở lại từ cuối tháng 6, sử dụng dầu thô khai thác trong nước, theo các thương nhân và chuyên gia phân tích giấu tên.

Hai nhà máy còn lại - thuộc Tập đoàn Zhenghe và Tập đoàn Hóa dầu Shandong Huaxing - đang được đàm phán mua lại, nhưng chưa rõ bên nào đứng sau thương vụ, cũng như thời điểm khởi động lại.

Khả năng duy trì hoạt động lâu dài của ba nhà máy này phụ thuộc nhiều vào việc có được hạn ngạch nhập khẩu dầu thô - yếu tố giúp họ tiếp cận nguồn dầu giá rẻ hơn, như dầu từ Iran, từ đó cải thiện lợi nhuận vốn đã rất thấp. Dù Chính phủ trung ương nhiều lần tìm cách siết chặt các nhà máy lọc dầu tư nhân - còn gọi là “teapot” - nhưng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng việc tận dụng kẽ hở về thuế đã giúp họ tồn tại.

“Các nhà máy teapot ở Sơn Đông thực sự rất kiên cường”, bà Michal Meidan - Giám đốc nghiên cứu về năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford - nhận xét. “Chính quyền địa phương và các tổ chức tài chính địa phương có lợi ích gắn chặt với sự tồn tại của ngành này, ít nhất là cho đến khi xuất hiện động lực tăng trưởng mới”, bà nói.

Weifang Hongrun xác nhận đã mua lại nhà máy Changyi hồi tháng 3, và đang trong quá trình xin hạn ngạch nhập khẩu dầu, nhưng không chia sẻ thêm chi tiết. Đại diện nhà máy Changyi cũng xác nhận việc mua bán đã hoàn tất, nhưng từ chối bình luận về việc xin hạn ngạch.

Bộ phận truyền thông của Sinochem, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cùng Bộ Thương mại Trung Quốc đều chưa bình luận về chủ đề này.

Hiệu quả kinh tế còn là dấu hỏi

Theo nguồn tin, nhà máy Changyi đang xin hạn ngạch nhập khẩu khoảng 100.000 thùng dầu mỗi ngày. Cả ba nhà máy cộng lại đang đề xuất hạn ngạch lên tới 300.000 thùng/ngày, tuy nhiên Chính phủ trung ương vẫn chưa đưa ra quyết định.

Theo dữ liệu Chính phủ, trong tháng 6, Trung Quốc nhập khoảng 12 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó các nhà máy ở Sơn Đông xử lý khoảng 2,5 triệu thùng/ngày.

Chuyên gia phân tích Mia Geng từ công ty tư vấn năng lượng FGE nhận định hiệu quả kinh tế của các nhà máy này “vẫn là một dấu hỏi”, nhưng việc họ được đưa vào vận hành lại cho thấy các chính quyền địa phương đang cố gắng tái khởi động các nhà máy lọc dầu - một phần vì lo ngại vấn đề việc làm trong khu vực.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/suc-song-cua-cac-nha-may-loc-dau-tu-nhan-o-trung-quoc-730413.html