Sức sống của thể thao dân tộc trong Ngày hội toàn dân
Trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, thi đấu thể thao là một hoạt động sôi nổi, thu hút nhiều người dân tham gia. Ngoài các môn như bóng chuyền, bóng đá còn có nhiều môn thể thao dân tộc như bắn nỏ, ném còn, kéo co.
Cũng như nhiều vùng quê trong tỉnh, người dân xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc) tổ chức thi bắn nỏ trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những ngày tháng 11, khắp các thôn, xóm ở các vùng quê trong tỉnh đều sôi nổi không khí của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây thực sự là một sự kiện trọng đại ở mỗi bản làng, với nhiều hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Trong đó, việc tổ chức thi đấu thể thao là món ăn tinh thần không thể thiếu, tạo nên sắc màu cho Ngày hội. Ngoài môn bóng chuyền vốn đã được yêu thích và tổ chức thi đấu ở khắp các khu dân cư, ở nhiều khu vực còn thổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian.
Chúng tôi có dịp được hòa mình vào không khí sôi nổi của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại xóm Rên, xã Gia Mô. Đây là xã thuộc vùng sâu của huyện Tân Lạc, nhiều năm qua, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã thực sự là dịp được bà con chờ đón. Trong một ngày tiết trời nắng ráo, từ sáng sớm, người dân trong xóm đã tập trung tại sân nhà văn hóa để cổ vũ và tham gia thi đấu các môn thể thao. Theo lãnh đạo xóm Rên, những năm trước, xóm chỉ tổ chức thi đấu bóng chuyền nam. Năm nay, có cả nội dung của nữ và thi đấu bóng chuyền mềm của hội người cao tuổi. Ngoài ra, cũng như mọi năm, xóm còn tổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống, gồm bắn nỏ và ném còn. Các tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày hội cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng chí Bùi Văn Bự, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Gia Mô cho biết: Xác định đây là ngày hội lớn của toàn dân, đồng thời cũng là dịp để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Hàng năm, trong dịp tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, Ủy ban MTTQ xã đều khuyến khích việc tổ chức thi đấu các môn thể thao, trò chơi truyền thống của dân tộc Mường. Ngoài ném còn, bắn nỏ, ở một số xóm trên địa bàn xã còn tổ chức đánh mảng, biểu diễn chiêng.
Những hoạt động này chúng tôi cũng bắt gặp ở các xã lân cận như Do Nhân, Lỗ Sơn (Tân Lạc) hay một số xã vùng sâu, vùng cao của huyện Lạc Sơn. Ví như ở xã Miền Đồi (Lạc Sơn), vào buổi sáng, các xóm tổ chức phần lễ, còn buổi chiều thì tổ chức các hoạt động vui chơi, thi đấu thể thao. "Năm nay, không khí ngày hội rất sôi nổi, bà con nhiệt tình tham gia các trò chơi dân gian. Không chỉ có phụ nữ, những người cao tuổi mà các trò chơi như đánh mảng, kéo co cũng thu hút nhiều cháu nhỏ tham gia. Đây cũng là dịp mà nhiều bà con đi làm ăn xa hoặc những người đi làm dâu trở về đoàn tụ với gia đình, hàng xóm” - đồng chí Bùi Văn Bích, Phó Chủ tịch UBND xã Miền Đồi chia sẻ.
Có thể nói, cùng với các ngày lễ, Tết lớn trong năm như: Tết Nguyên đán, Tết Độc lập thì những ngày tháng 11 hàng năm đã trở thành ngày hội làng thực sự. Đây không chỉ là dịp để thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc và khơi dậy tinh thần yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân mà còn nâng cao đời sống tinh thần của người dân thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Đây cũng là dịp để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nhất là các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian.