Sức sống mãnh liệt của những ca khúc cách mạng

Dù đã trải qua hàng thập kỷ, những ca khúc cách mạng, nhất là các bài hát thời kỳ kháng chiến chống Mỹ vẫn luôn vượt thời gian, mang sức sống mãnh liệt trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam.

Một tiết mục biểu diễn trong chương trình Hẹn ước Bắc - Nam. Ảnh: NVCC

Một tiết mục biểu diễn trong chương trình Hẹn ước Bắc - Nam. Ảnh: NVCC

Những giai điệu hào hùng, lời ca đầy khí phách không chỉ ghi dấu một thời oanh liệt của dân tộc mà còn là cầu nối cảm xúc giữa quá khứ và hiện tại, giữa thế hệ cha anh và lớp trẻ hôm nay.

Ngọn lửa trong tim người lính

Các ca khúc cách mạng được các nhạc sĩ sáng tác ngay tại chiến trường, vang lên qua tiếng hát của chiến sĩ, phát trên loa phóng thanh dọc đường Trường Sơn, trong hầm trú ẩn, trong những buổi liên hoan văn nghệ giữa rừng già. Đó là những bài hát thấm đẫm tinh thần yêu nước, ý chí quyết thắng và niềm tin mãnh liệt vào ngày toàn thắng.

Nhiều bài hát đã trở thành biểu tượng, gắn liền với từng giai đoạn đấu tranh gian khổ nhưng hào hùng: Tiến về Sài Gòn (Lưu Hữu Phước), Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn), Cô gái mở đường (Xuân Giao), Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Hoàng Hiệp), Giải phóng miền Nam (Lưu Hữu Phước), Hành quân xa (Đỗ Nhuận), Chiếc gậy Trường Sơn (Phạm Tuyên), Như có Bác trong ngày đại thắng (Phạm Tuyên)…

Những nhạc sĩ tiêu biểu như Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Phạm Tuyên, HoàngHiệp, Xuân Giao, Trần Hoàn, Nguyễn Đức Toàn, Phan Huỳnh Điểu... đã cống hiến tâm huyết và tài năng để viết nên những bản hùng ca bất tử. Họ không chỉ là nhạc sĩ mà còn là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Để các ca khúc cách mạng sống mãi trong lòng công chúng, không thể không kể đến những giọng ca lừng danh như các Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung, Quý Dương, Trần Hiếu, Thu Hiền, Tường Vi, Quốc Hương, Trung Kiên, Trung Đức, Thanh Hoa… Những nghệ sĩ ấy đã không chỉ thể hiện ca khúc bằng kỹ thuật thanh nhạc mà còn bằng cả trái tim, tinh thần của người từng sống trong khói lửa chiến tranh.

Tiếp bước các thế hệ nghệ sĩ đi trước, khi nói đến dòng nhạc cách mạng, những nghệ sĩ như Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Anh Thơ, Phạm Phương Thảo... đã lưu giữ, thổi hồn vào ca khúc. Hầu hết các chương trình nghệ thuật chính luận mừng ngày lễ, dịp kỷ niệm lớn của đất nước những năm gần đây đều không thể thiếu được những giọng ca đặc biệt này.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi cả nước cùng hướng về lịch sử với niềm tự hào sâu sắc, cũng là dịp để dòng nhạc cách mạng được tôn vinh và sống lại mạnh mẽ trong lòng công chúng. Đó không chỉ là âm nhạc, mà là một phần ký ức, lịch sử dân tộc; một dòng chảy văn hóa chưa bao giờ vơi cạn của dân tộc ta…

Sức sống trong lòng thế hệ trẻ hôm nay

Một điều kỳ diệu là dù đã ra đời cách đây hàng chục năm, các ca khúc cách mạng vẫn được thế hệ trẻ đón nhận bằng tình cảm trân trọng và yêu mến. Nhiều bạn trẻ ngày nay không chỉ nghe mà còn tìm hiểu bối cảnh lịch sử của những bài hát ấy. Điều này cho thấy ca khúc cách mạng không bị lãng quên, mà ngược lại đang được gìn giữ và truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đặc biệt, nhiều ca sĩ trẻ hiện nay như Tùng Dương, Uyên Linh, Đông Hùng, Sobin Hoàng Sơn, Anh Tú, Hòa Minzy..., đã mạnh dạn thể hiện và làm mới các ca khúc cách mạng. Họ không thay đổi tinh thần bài hát mà khéo léo phối khí mới, cách hát hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được vẻ trang nghiêm, hào sảng của bản gốc. Sự đổi mới, sáng tạo này đã nhận được hưởng ứng nhiệt tình từ khán giả.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) là một mốc son trọng đại trong lịch sử dân tộc. Trong dịp này, những ca khúc cách mạng lại vang lên khắp mọi miền Tổ quốc, trên sân khấu lớn, trong các chương trình truyền hình, ở các buổi lễ kỷ niệm, trong lớp học, ngoài đường phố và ở cả ga metro…

Tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình mới đây, chương trình nghệ chính luận Hẹn ước Bắc - Nam do Ban Tuyên giáo và dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức đã tái hiện sinh động lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bằng những ca khúc đi cùng năm tháng. Khi những ca khúc cách mạng vang lên, cả sân vận động rợp cờ hoa và dàn hòa ca hàng chục ngàn khán giả hát theo bằng tất cả tình yêu và niềm xúc động, tự hào. Mỗi bài hát như một lời tri ân sâu sắc gửi đến thế hệ đi trước, là tiếng vọng của lịch sử hào hùng và là lời nhắc nhở về giá trị của độc lập, hòa bình.

Nghe lại Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây; Tiến về Sài Gòn; Cô gái Sài Gòn đi tải đạn; Đất nước trọn niềm vui; Giải phóng miền Nam… và đặc biệt là Như có Bác trong ngày đại thắng dịp này, không chỉ những người từng đi qua cuộc chiến, mà cả lớp trẻ - dù chỉ biết về chiến tranh qua sách vở - cũng lặng người, như cảm nhận được âm vang của một thời máu lửa. Sự vang dội của những bài hát ấy trong dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước càng khẳng định sức sống bất diệt và ý nghĩa thiêng liêng của dòng nhạc cách mạng trong đời sống tinh thần người Việt. Đó là một phần di sản văn hóa tinh thần quý báu mà chúng ta cần tiếp tục gìn giữ, trân trọng và lan tỏa, không chỉ trong dịp lễ kỷ niệm, mà trong cả dòng chảy văn hóa đương đại hôm nay và mai sau.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/suc-song-manh-liet-cua-nhung-ca-khuc-cach-mang-10447ed/