Sức sống mới của gốm thủ công
Giữa lòng TP HCM nhộn nhịp, đâu đó có góc nhỏ hội tụ những cá tính nghệ thuật bình dị, kết nối nhau bằng tình yêu với gốm
Nhiều bạn trẻ muốn gửi gắm món quà đặc biệt cho ai đó nhưng không thích "đụng hàng" với những chiếc bình hoa, ly, chén… được sản xuất hàng loạt. Họ đã chọn cách "trò chuyện" cùng gốm.
Từ bỡ ngỡ…
Hiện nay, nhiều tiệm gốm không chỉ sản xuất, kinh doanh mà còn tổ chức những "lớp học" nhỏ cho ai thích thử sức làm gốm. Các dụng cụ chuyên dụng, khăn, tạp dề, màu, cọ... được chuẩn bị sẵn nơi đây.
Trong tiếng nhạc du dương, bên những chiếc bàn gỗ, ai cũng chăm chú… "nghịch đất". Người lo vuốt chiếc ly cho tròn đều, người nặn chú mèo, chiếc lá; người cầm cọ tô màu chiếc dĩa...
Đoan Thục (quận Gò Vấp, TP HCM) đến tiệm gốm với "bản vẽ" lọ cắm bút mà cô phác thảo trước. Thục được hướng dẫn kỹ thuật cán ghép và se dây để tạo hình. Đất sét sau khi cán dẹt đến độ dày vừa phải được cắt tỉa, dựng đứng và cuộn tròn tạo hình trụ. Tiếp đó, dùng đồ chuyên dụng miết phẳng các điểm giao nhau ở mặt trong và mặt ngoài, tạo khối chắc chắn trước khi mang đi sấy khô.
Thùy Trang (quận 3, TP HCM) làm một chiếc bát. Với Trang, quá trình đất sét trong tay dần trở thành hình dáng theo ý mình là trải nghiệm khó quên. Việc nặn đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, kiểm soát tốt lực ở các đầu ngón tay, cần tập trung cao độ để định tâm chuẩn xác và hoàn thành sản phẩm trong thời gian nhất định, bởi nếu nặn lâu, đất sét sẽ khô lại, dẫn đến nứt nẻ.
Tạo hình xong, Trang nặn thêm chiếc lá trang trí lên thành bát. Thú vui làm gốm là vậy! Đường nét sản phẩm thể hiện cái hồn và cá tính người sáng tạo.
Trang và Thục dành hơn 3 giờ tại tiệm gốm trên đường Tú Xương, quận 3, TP HCM. Từ việc bỡ ngỡ khi lần đầu chạm tay vào đất sét, họ bị thu hút vào từng động tác nặn, vuốt để rồi hài lòng với sản phẩm tự tay làm ra. Trang kể: "Tôi không khéo tay nên không kỳ vọng nhiều, nào ngờ sản phẩm vượt mong đợi, vừa bất ngờ vừa vui".
... đến mong chờ
Trải nghiệm làm gốm không dừng lại ở khâu trang trí, tô màu mà phần thú vị nhất là giai đoạn... chờ đợi. Sẽ mất khoảng 10-15 ngày để sản phẩm được tráng men, đưa vào lò nung trước khi về tay chủ nhân. Trong lúc nung, sản phẩm luôn có rủi ro nứt gãy, cong vênh nhẹ, co ngót khoảng 10%-15%. Màu gốm cũng thay đổi khi được tráng men và nung ở nhiệt độ cao.
Có người khi nhận sản phẩm đã thốt lên: "Ồ, rõ ràng hôm trước mình tô màu khác mà?". Màu gốm sau khi tráng men ít nhiều đã biến đổi. Lớp men này tạo độ bóng, mướt và làm màu gốm rực rỡ hơn.
Ngoài khung giờ sáng - trưa, các xưởng gốm còn đón khách vào chiều - tối. Trong ánh đèn vàng ấm áp, tiếng nhồi đất, tiếng máy sấy đều đều hòa với tiếng nhạc êm dịu. Với tính ứng dụng cao và các hiệu ứng tích cực như tăng sự tập trung, kích hoạt khả năng sáng tạo, giảm căng thẳng, bộ môn làm gốm ngày càng hấp dẫn giữa dòng chảy hiện đại.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/suc-song-moi-cua-gom-thu-cong-20221022193013571.htm