Sức sống mới ở làng cách mạng Cô Dạ
Nhịp sống hiện đại và sự đô thị hóa đã tác động không nhỏ đến các vùng nông thôn trong tỉnh nhưng xóm Cô Dạ (xã Bảo Lý) là một trong số ít làng quê của huyện Phú Bình vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc trưng của làng quê Việt xưa với cây đa, giếng nước, mái đình.
Bước vào xóm Cô Dạ, chúng tôi cảm nhận được không khí bình yên, cảm giác thân thương, quen thuộc của làng quê xưa với gốc đa sum suê tỏa bóng mát bên ngôi đình làng cổ kính đứng trang nghiêm, trầm mặc ở vị trí trung tâm. Ngay cạnh đình là nhà văn hóa xóm với diện tích trong khuôn viên thoáng đãng rộng gần 2.000m².
Chiến tranh tàn và năm tháng đã khiến các hiện vật trong đình không còn nguyên vẹn, mai một. Hiện ở di tích này chỉ còn hòm sắc phong từ thời phong kiến để lại; bát hương, bia đá cổ và một số đồ vật như đầu rồng của đình trước đây. Căn cứ nội dung tài liệu thần tích, thần sắc phong do Ban Quản lý đình, chùa Cô Dạ sưu tầm tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội thì đình làng thuộc loại kiến trúc nghệ thuật cổ, được xây dựng thế kỷ XVII, thờ thần Cao Sơn Quý Minh đại vương Dương Tự Minh và thần Tam Giang.
Cách đình vài trăm mét, trên đỉnh đồi là ngôi chùa nhỏ nhắn, nằm nép mình xung quanh những hàng cây. Cạnh chùa là cây đại to, có tuổi đời hàng trăm năm. Chùa Cô Dạ thờ Phật và thờ Mẫu, nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Qua thời gian, hiện vật còn lưu giữ tại chùa chỉ còn chân kê đá tảng, mâm đồng, tiền xu cổ niên hiệu Càn Long (thế kỷ XVIII), Thành Thái (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX), là căn cứ khẳng định chùa được xây dựng cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn.
Đi một vòng quanh xóm, chúng tôi men theo đường bê tông rộng rãi hai bên là những ruộng ngô, thửa rau xanh tốt để tìm đến giếng làng. Chúng tôi quan sát thấy lòng giếng rộng, nước trong vắt, mát vô cùng.
Ông Dương Huy Chín, Chi hội phó Chi hội người cao tuổi xóm Cô Dạ, tự hào giới thiệu: Theo lời các bậc cao niên, trước những năm 1945, cả làng Cô Dạ khi ấy lấy nước giếng ở đây để sinh hoạt. Nước giếng trong, mát và có vị ngọt, dùng nước nấu xôi và làm bánh dày vị ngon hiếm nơi nào làm được. Có năm, vào mùa hạn hán, giếng của các nhà dân cạn cả, kỳ lạ thay, giếng làng vẫn khơi trong đầy, làm vơi cơn khát của những người con quê hương. Năm 2009, thể theo nguyện vọng của nhân dân, xóm đã tu sửa lại giếng làng, xây bao quanh, có đề những dòng thơ, như một lời nhắc nhở mỗi người dân hãy biết trân trọng, gìn giữ cội nguồn văn hóa của làng:
Hương ước năm 1942 của làng Cô Dạ, tổng Lý Nhân, phủ Phú Bình hiện đang được lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học và xã hội gồm 13 mục, 20 điều. Đây vừa là căn cứ lịch sử đáng ghi nhận của làng Cô Dạ, vừa là cơ sở để xóm đưa vào hương ước của xóm hiện nay trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Nhất là việc cưới, tang và các ngày làm thủ tục tế tự.
Lịch sử Đảng bộ xã Bảo Lý có ghi lại: Cuối năm 1948, Xưởng quân giới mang tên Xưởng Trần Gia Huấn, phiên hiệu là K79B (Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng) đóng tại làng Cô Dạ do ông Hà Văn Thụ làm Chỉ huy trưởng công xưởng. Xưởng thực hiện nhiệm vụ đúc, rèn, sản xuất các loại lựu đạn, mìn, địa lôi. Năm 1949-1950, đình Cô Dạ là nơi đặt Văn phòng của Trường Quân chính Liên khu Việt Bắc dùng để hội họp hàng ngày. Tháng 5-1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm, làm việc với lãnh đạo Trường Quân chính đã động viên các học viên thường xuyên tập luyện, rèn luyện ý chí chiến đấu nhất định sẽ chiến thắng kẻ thù.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm kháng chiến, người làng Cô Dạ một lòng đi theo Đảng, cách mạng. Đất ở đình, chùa thành địa điểm để cách mạng hoạt động. Riêng đất chùa được tận dụng làm nơi đúc bom đạn những năm 1950-1951. Thời kỳ kháng chiến chống thực Pháp, chuông đồng của chùa đã hiến cho xưởng Quân giới đúc vũ khí phục vụ kháng chiến khi xưởng đóng ở làng.
Tư liệu làng lưu giữ được lời kể của ông Nguyễn Đông, lão thành cách mạng, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, nguyên là Hiệu trưởng Trường Quân chính của Liên khu Việt Bắc thời kỳ 1948-1950 xác nhận: Trường Quân chính của Liên khu Việt Bắc gồm 3 lớp: Lớp bồi dưỡng cán bộ chỉ huy đại đội, trung đội, tiểu đội và chiến sĩ xuất sắc đóng ở 3 xóm của xã Bảo Lý là: Cô Dạ, Đại Lễ, Thượng. Trong thời gian trường đóng tại đây, luôn được cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân tạo mọi điều kiện thuận lợi.
Không chỉ bao bọc, giúp đỡ các đơn vị bộ đội đóng quân, người Cô Dạ trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã hăng hái lên đường tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Hàng chục người con em của quê hương đã hy sinh, trở thành liệt sĩ, nhiều người trở về sau chiến tranh với những vết thương trên mình, nay là thương, bệnh binh.
Cũng với tinh thần tiên phong cách mạng, cán bộ đảng viên gương mẫu đi trước, nhân dân địa phương đã tích cực phát triển kinh tế gia đình, với các mô hình sản xuất nông nghiệp canh tác lúa, trồng keo lai, bạch đàn, cây màu các loại và chăn nuôi trang trại gia súc, gia cầm. Hiện xóm chỉ còn 4 hộ nghèo, 12 cận nghèo.
Ông Nguyễn Văn Cương, Bí thư Chi bộ xóm Cô Dạ, tự hào nói với chúng tôi: Năm 2023, Cô Dạ được chọn xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của xã. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của chi bộ, sự vào cuộc trách nhiệm của xóm và các đoàn thể, nhất là sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, nhân dân, đến nay, cơ bản các tiêu chí xóm đã hoàn thành, đang làm các thủ tục đề nghị công nhận đạt chuẩn vào thời gian tới.
Nổi bật trong phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xóm Cô Dạ là người dân đã đóng góp tiền của, công sức xây dựng hạ tầng nông thôn mới ngày càng khang trang hơn. Riêng năm 2023, thực người dân đã góp tiền, ngày công lao động để sửa chữa nhà văn hóa, diện tích 150m2, sức chứa trên 100 chỗ ngồi; đóng góp hàng trăm triệu đồng sửa chữa, xây dựng khuôn viên rộng hơn 1.700m2 và mua sắm các dụng cụ thể dục thể thao.
Ông Dương Văn Định, Trưởng xóm Cô Dạ, “khoe” khi dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh làng: Hai năm nay, nhân dân đã hưởng ứng làm 9 tuyến đường bê tông vào các nhánh với tổng diện tích hơn 1,6km, cùng với 250 tấn xi măng được hỗ trợ, nhân dân đã đối ứng 650 triệu đồng. Trong đó, nhiều cán bộ, đảng viên, người dân có tấm lòng thơm thảo đã hiến hơn 5.000m2 đất vườn, nhiều hộ còn phá tường rào, chuồng trại để thi công xây dựng các tuyến đường bê tông rộng rãi.
Ngoài tập trung xây dựng hạ tầng nông thôn mới, gắn với quy ước, hương ước của làng khi xưa, nay “lệ làng” mới được xây dựng là xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”; “Sạch làng, đẹp ruộng”, “Tuyến đường hoa phụ nữ”, “Thắp sáng làng quê”, “Năm không ba sạch”; các mô hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình khuyến học, Dòng họ khuyến học”… Hàng năm, tỷ lệ hộ gia đình đạt văn hóa của Cô Dạ đều đạt trên 90%.
Xưa kia, làng Cô Dạ tổ chức ngày xuân tế, ngày vào đám vào 8 tháng Giêng âm lịch. Ngày nay, cũng nhằm dịp này, người dân ở đây vẫn duy trì lễ hội làng được tổ chức với nhiều nghi lễ long trọng tại đình với các hoạt động văn hóa - thể thao thu hút dân làng và địa phương khắp nơi về đây tham dự. Hội làng không chỉ ôn lại lịch sử hào hùng của quê hương, mà quan trọng hơn là giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của làng, đồng thời tạo sự gắn kết trong cộng đồng.
Về Cô Dạ hôm nay, chúng tôi vui lây với người dân khi quê hương ngày một đổi mới, phát triển. Đi trên những con đường bê tông thênh thang, ngắm những ngôi nhà mới khang trang, chúng tôi càng trân trọng, yêu mến nét văn hóa của làng vẫn được gìn giữ, phát huy. Những năm qua, biết bao thế hệ người con quê hương Cô Dạ dù ngược xuôi mưu sinh khắp trong ngoài nước, nhưng khi trở làng vẫn hạnh phúc, có được cảm giác lắng đọng “hồn quê, tình quê”, tự hào về văn hóa nông thôn thuần Việt nơi mình sinh ra, lớn lên…