Sức sống mới ở Văn Lang

Mấy năm gần đây, diện mạo xã Văn Lang (huyện Hạ Hòa) ngày càng khởi sắc với những con đường nhựa, đường bê tông rộng rãi, phẳng phiu, những dãy nhà kiên cố khang trang, làng quê thanh bình phát triển. Có được kết quả đó là nhờ địa phương biết phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, lấy đó làm tiền đề, tạo nền tảng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mô hình trồng bí đao của xã Văn Lang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân ở địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững.

Mô hình trồng bí đao của xã Văn Lang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân ở địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững.

Nằm ở phía Tây Nam của huyện Hạ Hòa, xã Văn Lang hiện có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.099,12ha, trên 4.500 nhân khẩu, trên 1.100 hộ với 5 khu dân cư. Đồng chí Bùi Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn, song thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã luôn xác định việc phát triển kinh tế đóng vai trò then chốt trong quá trình đổi mới tại địa phương. Đảng ủy xã đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các nghị quyết chuyên đề, UBND xã xây dựng kế hoạch với những chủ trương, giải pháp quan trọng để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giúp Nhân dân giảm nghèo bền vững”.

Để đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống, xã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi; vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn phát triển kinh tế... Do đó, cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực.

Hiện nay, ngoài sản xuất lương thực, xã tập trung phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò lên đến vài trăm con; lợn, gia cầm trên 33.000 con. Các mô hình chăn nuôi ong, thỏ, dúi... cho thu nhập ổn định, bình quân đạt từ 100-300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các hộ đã tiến hành che, chắn ao, ruộng để nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 46ha.

Với sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương như: Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình... Do vậy, các ngành nghề dịch vụ, sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được duy trì.

Hiện nay, xã có 18 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 10 doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong ngành công nghiệp và xây dựng; 85 cơ sở sản xuất, gia công cơ khí, đồ mộc dân dụng, may mặc, chế biến lương thực, thực phẩm; trên 100 hộ kinh doanh dịch vụ...

Các hoạt động trên duy trì ổn định, tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, thu hút trên 500 lao động, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định từ 7-9 triệu đồng/người/tháng.

Từ những hình thức tổ chức sản xuất, cơ cấu kinh tế hợp lý và các nguồn thu khác đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất hàng năm của xã ngày càng tăng. Tổng sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt trên 900 tấn/năm. Bình quân lương thực đầu người đạt 430 kg/người/năm. Thu nhập bình quân 49 triệu đồng/người/năm. Năm 2023, tỷ lệ hộ cận nghèo của xã còn 3,02%, giảm 0,87% so cùng kỳ; hộ nghèo còn 6,8%, giảm 0,8% so với cùng kỳ.

Kinh tế phát triển, chất lượng đời sống được nâng lên, người dân càng thêm đoàn kết, tin tưởng, chung sức cùng chính quyền xây dựng cuộc sống mới. Ông Phạm Văn Phú - khu 4 chia sẻ: “Trước kia, nhiều tuyến đường trong khu đi lại khó khăn, mưa lầy lội, nắng bụi mù. Nhiều năm gần đây, khi có chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm đường giao thông nông thôn, tôi ủng hộ ngay, bởi tôi quan niệm rằng, nơi nào có đường giao thông tốt, nơi đó sẽ phát triển, đời sống người dân được nâng lên”.

Những kết quả khả quan mà Văn Lang đã đạt được trong thời gian qua đã và đang tạo động lực, điều kiện thuận lợi để xã tiếp tục phát triển theo hướng bền vững trên con đường công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nguyễn Anh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/suc-song-moi-o-van-lang-215697.htm