Sức sống mới ở xã vùng biên

Trong niềm hân hoan xuân mới Nhâm Dần 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã biên giới Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập càng phấn khởi hơn khi chương trình xây dựng nông mới (NTM) của địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực. Dù chưa cán đích NTM nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội, sự năng động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, ý chí vươn lên của người dân đã tạo nên bước ngoặt lớn cho sự phát triển, chuyển mình ở vùng quê xã biên giới, vùng sâu, xa vốn khó khăn này.

Chuyển mình ở khu dân cư Đắk Á

Đến xã Bù Gia Mập, chúng tôi cảm nhận được diện mạo vùng quê nơi đây đang dâng tràn sức sống mới, đặc biệt tại khu dân cư thôn Đắk Á. Từ một khu dân cư hơn 90% là người dân tộc thiểu số nghèo khó sinh sống, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu thì nay Đắk Á đã “thay da, đổi thịt”, chào đón năm mới trong niềm vui thắng lợi.

Để tạo đà cho người dân vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống dài lâu, chính quyền địa phương đã quy hoạch khu đất rộng gần 10 ha xây dựng khu tái định cư. Tại đây, các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trên địa bàn xã được cấp đất ở, đất sản xuất với diện tích khoảng 500m2. Ngoài ra, chính quyền địa phương tiếp tục vận động Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 xây dựng hạ tầng như điện, nước, nhà ở và tặng nhiều vật dụng giá trị khác cho các gia đình. Trong 2 năm (2020, 2021), đã có 30 căn nhà được vận động xây dựng tặng 30 hộ dân tộc thiểu số. “Những năm trước, 3 mẹ con tôi phải ở trong căn nhà tạm bợ, không đất sản xuất, không vật dụng giá trị thì nay tất cả đều có. Không chỉ thế, chúng tôi còn được hỗ trợ cây - con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đây là điều mà trong mơ mẹ con tôi cũng không dám nghĩ tới” - chị Thị Thơm, khu dân cư thôn Đắk Á phấn khởi bày tỏ.

Khu dân cư Đắk Á khởi sắc từng ngày

Khu dân cư Đắk Á khởi sắc từng ngày

Ông Điểu Nghị, Trưởng thôn Đắk Á cho biết: Trước đây, cuộc sống bà con rất cực khổ, đa số là hộ nghèo, cận nghèo. Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 nên không chỉ được tặng nhà, lắp điện, nước, tivi, quạt máy và các nhu cầu thiếu hụt khác mà các hộ dân nơi đây còn được hỗ trợ vốn sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Đây là tiền đề, động lực quan trọng để các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cùng với việc cấp đất, xây nhà, kéo điện, làm đường giao thông, Nhà nước còn đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng thôn rộng rãi, bề thế, sạch, đẹp. Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 cũng tặng công trình thể dục thể thao để bà con luyện tập nâng cao sức khỏe. Dự kiến sắp tới sẽ xây dựng điểm trường mầm non ở khu dân cư này. Tất cả đã làm cho khu dân cư thôn Đắk Á giờ đây thực sự khởi sắc, là điểm nhấn nổi bật ở xã biên giới Bù Gia Mập.

Mong ước đưa đặc sản rượu cần vươn xa

Với hơn 73% số dân là đồng bào dân tộc S’tiêng, M’nông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên để hoàn thành các tiêu chí NTM ở Bù Gia Mập là điều không dễ. Nhưng được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội chính là lực đẩy thôi thúc cấp ủy, chính quyền địa phương tìm cách phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao mức sống người dân.

Một góc trung tâm xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập

Một góc trung tâm xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập

Rượu cần là nét đặc trưng riêng có của đồng bào S’tiêng, M’nông được các thế hệ truyền nhau cách làm và trở thành nghề truyền thống ở Bù Gia Mập. Và từ bao đời nay, rượu cần không thể thiếu trong dịp lễ, tết quan trọng của người dân nơi đây. Rượu được ủ lên men hoàn toàn từ cây lá tự nhiên. Nhưng rượu cần chủ yếu phục vụ trong cộng đồng dân cư, rất ít được mua bán, trao đổi ra thị trường. Nhằm lưu giữ nghề truyền thống của cha ông và khát khao đưa đặc sản rượu cần đến với bạn bè bốn phương cũng như tăng thu nhập cho người dân, cuối năm 2021, xã Bù Gia Mập đã thành lập Hợp tác xã (HTX) nông - lâm nghiệp - dịch vụ Đắk Mai với 20 thành viên, trong đó 11 thành viên trồng cây ăn trái và 9 thành viên sản xuất rượu cần. “Chúng tôi đã vận động được 9 hộ người M’nông, S’tiêng tham gia HTX với mục đích giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số. Khi tham gia HTX, gia đình biết nhiều chỉ gia đình biết ít, hộ biết ít chỉ hộ chưa biết để thành chuỗi sản xuất chất lượng như đúng quy trình mà cha ông truyền lại. Đồng thời, qua quảng bá, xúc tiến thương mại sẽ giúp đông người dân hiểu biết sâu hơn, rộng hơn về hương vị, đặc sản của đồng bào mình” - ông Điểu Thấp, Phó giám đốc HTX nông - lâm nghiệp - dịch vụ Đắk Mai chia sẻ.

Việc thành lập HTX không chỉ hoàn thành tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất mà còn là cơ hội để các thành viên truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, chế biến, từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm và kết nối đưa ra thị trường. Đặc biệt, đây là bước đệm để hướng tới xây dựng rượu cần đạt sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm), góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển. Ông Nguyễn Minh Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết: Phấn đấu trong quý 2/2022, xã sẽ xây dựng thành công thương hiệu rượu cần đạt tiêu chuẩn OCOP.

Hiện chúng tôi đã định hướng HTX xây dựng kế hoạch để làm rượu cần theo hướng thống nhất, tập trung, trong đó các thành viên tham gia đều phải sản xuất rượu sạch theo công thức do cha ông xưa truyền lại. Ngoài ra, chúng tôi còn định hướng HTX phát triển thêm các ngành nghề như đan lát, thổ cẩm, trồng đọt mây, lá nhíp, nấu cơm lam kết hợp với du lịch nhằm tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu.

Ông Nguyễn Minh Phúc,
Phó chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập

Đột phá phát triển hạ tầng giao thông

Là xã biên giới đặc biệt khó khăn nên Bù Gia Mập được Nhà nước đầu tư 100% kinh phí xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn. Để mở rộng đường tạo thuận lợi lưu thông, cấp ủy, chính quyền địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà” đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ quyền, lợi ích khi hiến đất, cây trồng giải phóng mặt bằng. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của người dân nên nhiều tuyến đường được mở rộng khang trang, kết nối các khu vực với nhau.

Đặc sản rượu cần của Hợp tác xã nông - lâm nghiệp - dịch vụ Đắk Mai

Đặc sản rượu cần của Hợp tác xã nông - lâm nghiệp - dịch vụ Đắk Mai

Đến Bù Gia Mập hôm nay không khó nhận ra phần lớn các tuyến đường đã được nhựa hóa, bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Nối dài 2 bên đường là những vườn cây xanh mát, vươn mình đón nắng xuân. Đặc biệt, 2 tuyến đường nhựa huyết mạch từ ngã ba Ông Số vào thác Đắk Mai dài 1,7km, kinh phí 6 tỷ đồng và tuyến đường từ thôn Đắk Á đi xã Phú Văn dài 7,8km, kinh phí 48 tỷ đồng được hoàn thành trong năm 2020 và 2021 là dấu ấn nổi bật. Tuyến đường không chỉ tạo điều kiện cho người dân lưu thông thuận tiện, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mà còn rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, giữa các địa bàn lân cận với xã biên giới sâu, xa nhất tỉnh. “Là tuyến đường huyết mạch nhưng ngày xưa chật, hẹp lắm. Sau này, được Nhà nước đầu tư mở rộng, đấu nối nên người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện, ngắn hơn. Nếu trước đây đi qua huyện Bù Đăng phải mấy chục cây số thì giờ rút ngắn khoảng 1/2” - ông Phạm Bình, thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập phấn khởi.

Ngày xưa các tuyến đường ở đây nắng bụi, mưa lầy, bây giờ được Nhà nước đầu tư xây dựng giúp bà con đi lại, thông thương hàng hóa thuận tiện, trẻ em vui vẻ đến trường. Từ đó, đời sống kinh tế của bà con cũng bớt khó khăn hơn.

Ông Điểu Hiệp,
Trưởng thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập

Bù Gia Mập hôm nay đang đón mùa xuân đầm ấm trong nhân dân, đón thắng lợi mới bước đầu. Đây là thành quả lao động, là đóng góp của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân. Vui xuân mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bù Gia Mập quyết tâm duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt và phấn đấu cán đích NTM trong thời gian sớm nhất.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/130579/suc-song-moi-o-xa-vung-bien