Sức sống mới trên những vùng quê cách mạng

Mùa thu Cách mạng 79 năm về trước, khí thế hừng hực đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân bùng lên mạnh mẽ ở khắp nơi trong tỉnh. Những người nông dân áo vải, chân đất kéo thành từng đoàn đồng lòng nhất tề đứng lên.

Mùa thu Cách mạng 79 năm về trước, khí thế hừng hực đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân bùng lên mạnh mẽ ở khắp nơi trong tỉnh. Những người nông dân áo vải, chân đất kéo thành từng đoàn đồng lòng nhất tề đứng lên.

Di tích lịch sử quốc gia chiến khu Mường Khói, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, học sinh trong và ngoài địa bàn. Ảnh: Đ.T

Di tích lịch sử quốc gia chiến khu Mường Khói, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, học sinh trong và ngoài địa bàn. Ảnh: Đ.T

Những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự đổi thay trên các vùng quê chiến khu cách mạng. Khu căn cứ Mường Diềm, xã Trung Thành (Đà Bắc) - 1 trong 4 khu căn cứ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa của tỉnh được thành lập tháng 4/1945, với nhiệm vụ xây dựng lực lượng, huấn luyện quân sự và học chính trị cho đội viên các đội tự vệ. Lực lượng cách mạng của khu căn cứ đã phát triển thành một tiểu đoàn bộ đội địa phương, cùng nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, góp phần đập tan âm mưu lập "Xứ Mường tự trị” của thực dân Pháp. Và cũng chính nơi đây trong kháng chiến chống Pháp, dân quân xã Trung Thành đã bắn hạ máy bay RF101 của Mỹ, góp phần tô thắm truyền thống anh hùng bảo vệ quê hương của tỉnh. Đến nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Trung Thành đổi thay từng ngày.

Đồng chí Đinh Ngọc Bảy, Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành cho biết: Kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng khang trang. Con đường liên xã đến Trung Thành được nâng cấp năm 2022, đường giao thông từ Trung Thành sang các xã Yên Hòa, Đoàn Kết cũng đang được hoàn thiện góp phần thúc đẩy giao thương. Đường nội thôn trên địa bàn cơ bản được đầu tư như đường nội đồng và vùng sản xuất các xóm Trung Tằm, Nội, Bay; trường TH&THCS đạt chuẩn mức độ 1 giai đoạn 2023 - 2028… Xã luôn tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận và phát triển sản xuất, trong đó đã đưa một số cây trồng hiệu quả như gai xanh, măng Bát Độ, chè Shan tuyết... góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Khu căn cứ cách mạng Tu Lý - Hiền Lương thuộc 2 xã Tú Lý, Hiền Lương (Đà Bắc) cũng có sự đổi thay trong tư duy chỉ đạo, điều hành, trong diện mạo hạ tầng và đời sống nhân dân. Hiền Lương và Tú Lý là 2 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới sớm của huyện Đà Bắc. Xã Hiền Lương đã khai thác bước đầu tiềm năng, lợi thế của vùng hồ sông Đà để phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển các loại hình du lịch đem lại giá trị mới cho du khách tham quan, trải nghiệm. Xã Tú Lý đang trên hành trình phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Vùng đất chiến khu Mường Khói, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) - một trong những cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Hòa Bình, nơi các lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân huyệnLạc Sơn tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thành công đầu tiên ở tỉnh Hòa Bình đang hòa nhịp đổi mới vươn lên. Năm 2018, xã đạt chuẩn nông thôn mới, hiện phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hạ tầng được đầu tư nâng cấp theo quy hoạch để xã trở thành thị trấn Mường Khói trong tương lai.

Đồng chí Bùi Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, KT-XH, quốc phòng - an ninh luôn được quan tâm, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. Công tác thu hút đầu tư trên địa bàn được đẩy mạnh nhằm tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương và vùng lân cận. Đến nay, nhiều nhà máy được đầu tư xây dựng trên địa bàn xã như: Công ty sản xuất viên gỗ nén tại xóm Bái, nhà máy gạch Thạch Sơn tại xóm Tưa, Công ty đồ chơi trẻ em và Công ty sản xuất giày da Thiện Diệu tại xóm Vổ. Các công ty, nhà máy đã tạo việc làm cho gần 3 nghìn công nhân trong vùng và hơn 1 nghìn người dân địa phương, với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/ người/tháng. Các mô hình phát triển kinh tế được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo để tạo ra những sản phẩm đặc trưng bản địa, mang thương hiệu OCOP; xây dựng nhiều mô hình gia trại, trang trại có hiệu quả góp phần nâng cao đời sống người dân.

Từ chỗ rất nhiều khó khăn, khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên thuộc xã Thạch Yên (Cao Phong) cũng có bước tiến dài trong đời sống, sản xuất. Đảng bộ, chính quyền xã Thạch Yên đoàn kết, nỗ lực phấn đấu phát triển KT-XH, cơ sở vật chất trường lớp học, đường giao thông, thủy lợi, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, đời sống nhân dân có những cải thiện đáng mừng. Cùng với sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ đạo, xã được quy hoạch nằm trong không gian phát triển du lịch lịch sử, cách mạng.

Tại những vùng chiến khu cách mạng năm nào, việc giành chính quyền ở cấp tỉnh thành công đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn để tiến hành khởi nghĩa ở chính quyền cấp cơ sở. Quần chúng cách mạng mang theo khí thế ngất trời lần lượt chiếm các châu lỵ, thành lập chính quyền cách mạng ở nhiều nơi như châu Lương Sơn, châu Mai Đà… góp sức cùng cả nước làm nên bản hùng ca Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, mở đường cho nhân dân Hòa Bình cùng nhân dân cả nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cán bộ và nhân dân một lòng theo Đảng, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến kiến quốc, vừa sản xuất vừa chiến đấu phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước. Trên những vùng chiến khu hôm nay, truyền thống cách mạng đáng tự hào tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, nhân dân phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/192398/suc-song-moi-tren-nhung-vung-que-cach-mang.htm