Sức sống mới trên vùng đất bãi
Vùng đất bãi ven sông thuộc xã Võng La, huyện Đông Anh (Hà Nội) trước kia chủ lực trồng các cây rau màu cho hiệu quả kinh tế thấp. Những năm gần đây, một số hộ dân chuyển đổi mô hình trồng cây ăn quả, chủ lực là cây cam. Đến nay, những dải đất bãi xanh tươi, trù phú đang từng ngày mang lại kinh tế cho người dân nơi đây, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới của Thủ đô.
Tiên phong trồng cam phát triển kinh tế
Về xã Võng La những ngày này, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước sự thay da đổi thịt của mảnh đất ven sông Hồng. Từ triền đê Võng La nhìn xuống, vùng đất bãi ven sông trải dài tầm mắt, màu xanh xen lẫn màu vàng của những vườn chuối, vườn cam. Năm 2017, anh Phan Văn Thành là một trong những người dân đầu tiên của địa phương đầu tư, triển khai mô hình trồng cây ăn quả.
Với sự quyết tâm, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh Thành luôn chủ động tham quan nhiều mô hình trồng cây ăn quả ở các địa phương, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời chọn cây giống phù hợp đưa về trồng. Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương phù hợp cho sự sinh trưởng của cây cam Canh, cam Vinh, anh mạnh dạn đưa về trồng.
Trò chuyện cùng anh Thành, chúng tôi nhận thấy, để có được “quả ngọt” như hiện nay là cả một quá trình miệt mài lao động, chăm sóc cẩn thận từ khâu mạnh dạn đầu tư, chọn giống, chăm sóc cho đến ngày thu hoạch của gia đình anh. Vị trí trồng cam thuộc vùng đất bãi ven sông Hồng, triển khai mô hình, anh Thành đầu tư đường, điện, phà thuyền, mua cây giống… số tiền đầu tư ban đầu lên tới vài trăm triệu.
Khởi nghiệp từ một cây trồng mới với cách làm rất khác biệt trên vùng đất bãi màu mỡ, anh Thành đã mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ở địa phương. Anh Thành chọn cách canh tác theo hướng an toàn bằng cách sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh từ các loại chế phẩm sinh học, thân thiện với môi trường. Vì vậy, môi trường canh tác cũng như quả cam khi thu hoạch luôn đảm bảo an toàn. Sau nhiều năm đầu tư công sức, tiền xây dựng trang trại, đến nay vườn cam của gia đình cho thu hoạch với năng suất khá cao.
“Ban đầu số tiền đầu tư nhiều, cây trồng sau 3 năm mới bắt đầu cho thu hoạch, năm đầu năng suất, chất lượng chưa cao nhưng tôi kiên trì học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, đến nay sản lượng, chất lượng quả đã đạt tiêu chuẩn. Với diện tích 3ha trồng cam Canh, cho thu hoạch 2 năm một lần, sản lượng đạt 30 - 35 tấn/ha/năm. Cam Vinh với diện tích 2ha cho thu hoạch hàng năm, sản lượng đạt 40 - 45 tấn/năm”, anh Thành chia sẻ.
Không chỉ riêng hộ gia đình anh Thành, mô hình trồng cam cũng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình anh Nguyễn Văn Hùng. Tất bật thu hoạch những trái cam đưa ra thị trường, anh Hùng chia sẻ: “Cách đây khoảng 10 năm, tôi thuê đất bãi của các hộ dân để trồng cam Vinh và cam Canh. Loại cây này hợp với vùng đất bãi, chất lượng quả đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Ban đầu tôi trồng số lượng ít, nhận thấy hiệu quả tôi mở rộng diện tích vườn trồng. Với vài chục ha, năm 2022, sản lượng cam cung ứng ra thị trường của gia đình đạt khoảng 100 tấn”.
Nhân rộng mô hình
Từ những thành quả mà mô hình đem lại, có thể khẳng định với ý chí quyết tâm, sự sáng tạo, tìm tòi anh Thành, anh Hùng đã tiên phong mang sức sống mới đến cho vùng đất bãi ven sông, góp phần lan tỏa mô hình trồng trọt mới, hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Từ thành công của mô hình phát triển cây cam trên vùng đất bãi của anh Thành, anh Hùng nhiều hộ dân trên địa bàn đã học tập và nhân rộng tại địa phương.
Ngoài việc chăm sóc mô hình trồng của gia đình, các anh còn tích cực hỗ trợ người dân về cây giống, kỹ thuật chăm sóc. Để chia sẻ kinh nghiệm, người dân nơi đây đã thành lập Tổ Hội nghề nghiệp trồng cam. Các kỹ thuật chọn cây giống, chăm sóc ở mỗi giai đoạn đều được các hộ trồng chia sẻ qua các buổi họp Tổ.
Theo nhiều người canh tác ở đây, thay bằng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giờ những khu đất được nối nhau bằng thửa lớn rất thuận lợi cho trồng trọt. Để hỗ trợ người dân, chính quyền địa phương còn sát cánh với nông dân bằng cách tạo điều kiện mở các lớp tập huấn hướng dẫn chuyển đổi cây trồng. Người dân đều biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình sản xuất của gia đình.
Chia sẻ về hiệu quả mà những mô hình trồng cây ăn quả đem lại, ông Nguyễn Quang Linh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Võng La cho biết: Vùng đất bãi trước đây các hộ dân trồng rau màu, năng suất thấp, một số hộ dân trong xã thuê lại đất, trồng cây ăn quả. Đến nay có 5 - 6 hộ trồng cam, một số mô hình trồng chuối. Hộ trồng cam lâu nhất được 10 năm, một số hộ trồng 5 - 6 năm. Mô hình trồng cam đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng chuối.
“Hiện nay, vùng đất bãi có tổng số 20ha trồng cam Canh và cam Vinh, hiện tại đa số trồng ở thôn Đại Độ. Ngoài đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, việc phát triển các mô hình trồng cây ăn quả đã biến đất bãi ven sông Hồng của Võng La trở thành vùng sinh thái xanh, vừa tạo cảnh quan, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, xã Võng La tiếp tục khuyến khích bà con trồng cam chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, luôn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, cung cấp sản phẩm cam sạch cho thị trường, đem niềm tin đến người tiêu dùng. Xã tạo mọi điều kiện cho các hộ dân mở rộng diện tích, cũng như quy mô sản xuất đảm bảo hiệu quả kinh tế và cơ cấu cây trồng của địa phương”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Võng La chia sẻ.
Có thể thấy, tập trung khai thác thế mạnh vùng đất bãi đang là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở xã Võng La. Đáng ghi nhận hơn, bằng sự nhanh nhạy của mình, những nông dân nơi đây đã và đang phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế địa phương. Cam nơi đây chủ yếu được tiêu thụ ở trong nước, các thương lái đến vườn thu mua chuyển đến các chợ đầu mối ở các tỉnh, thành phố. Thời gian tới để phát huy hiệu quả hơn nữa các vườn trồng, người dân nơi đây mong muốn được chính quyền các cấp hỗ trợ vốn, đầu ra tiêu thụ sản phẩm…
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/suc-song-moi-tren-vung-dat-bai-153392-153392.html