Sức sống trên dòng Đà Giang
Bài 1 - Chuyển giao sứ mệnh (HBĐT) - Đà Giang - sông Đà vốn hoang sơ, hùng vĩ và nổi tiếng với những dòng thác oai linh. Từ khi có bàn tay, khối óc của con người đắp đập, ngăn sông, trị thủy để tích nguồn điện sáng, dòng sông Đà không còn hung dữ. Nhưng, dòng Đà Giang vẫn chảy, bồi lấp những vạt phù sa màu mỡ với nhiều nguồn sống sinh sôi.
Your browser does not support the audio element.
Vịnh Ngòi Hoa, xã Suối Hoa (Tân Lạc) - điểm du lịch hấp dẫn trên hồ Hòa Bình.
Sông Đà hay còn gọi là sông Bờ, sông Đen, là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng - dòng sông mẹ của đồng bằng Bắc Bộ. Sông Đà bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với tổng chiều dài hơn 910 km, có tên gọi Lý Tiên Giang, đoạn sông Đà chảy vào Việt Nam dài 543 km. Nhà văn Nguyễn Tuân đã tả thực con sông qua tác phẩm "Người lái đò sông Đà” với những động từ mạnh và trạng từ chỉ mức độ, tính chất hết sức chân thực: "Trên sông Đà thì nhiều vực xoáy, nhiều luồng chết, nhiều đá ghềnh, nhiều dòng thác. Lụt sông Đà, xác hươu, nai cùng với gỗ trò vẩy, gỗ trò hoa ầm ầm lao trên dòng trôi. Con sông đã ác như dì ghẻ, chúa đất chia bến, ngăn sông càng làm cho sông Đà ác thêm. Đế quốc Pháp đóng đồn bốt ven sông, tính dữ ác của con sông lại tăng thêm mấy tầng…”.
Dẫu hung dữ, hiểm trở nhưng với bàn tay, khối óc của con người, dòng sông Đà đã trở thành nguồn "vàng trắng” của đất nước. Tháng 12/1994, Nhà máy thủy điện Hòa Bình được khánh thành đi vào hoạt động, với tổng công suất lắp đặt 1.920 MW, mỗi năm cho sản lượng điện bình quân đạt hơn 8,16 tỉ kWh. Đây là nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất nước, là "nhạc trưởng” của hệ thống lưới điện Việt Nam lúc bấy giờ, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cũng từ khi Thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động, dòng sông Đà được đặt thêm cái tên mỹ miều "Dòng sông ánh sáng”. Hệ thống hồ, đập thủy điện không chỉ làm tốt phận sự ngăn, giữ, điều tiết nước, mà còn tạo cảnh quan đẹp để Hòa Bình khai thác phát triển du lịch.
Thật vậy! Sau khi được ngăn dòng làm thủy điện, hồ Hòa Bình có diện tích mặt nước khoảng 9.000 ha, dung tích khoảng 9,45 tỷ m3, trải rộng trên địa bàn các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu và TP Hòa Bình. Nơi đây có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi diện tích khoảng 116 ha, 36 đảo núi đất diện tích 157,5 ha. Ven hồ còn có hệ thống hang động karst nguyên sơ, huyền bí với những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng như động Thác Bờ, động Hoa Tiên. Hai bên bờ là những cánh rừng bạt ngàn trải dài với hệ thực vật phong phú, xen kẽ là những bản làng của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao. Cảnh quan thiên nhiên hòa quyện cùng bản sắc văn hóa của người dân nơi núi rừng, sông nước, đã vẽ nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, đẹp đến nao lòng. Hơn thế, trong quần thể du lịch hồ Hòa Bình còn có một số điểm du lịch tâm linh: đền Thác Bờ, đền Cô Đôi…, nên từ lâu hồ Hòa Bình đã trở thành điểm đến hút khách.
Nhiều chuyến lênh đênh trên hồ cùng các đoàn famtrip, gồm đại diện các công ty lữ hành trong và ngoài nước đi khảo sát để phát triển, xây dựng sản phẩm, thương hiệu du lịch trên khu du lịch hồ Hòa Bình, tôi đã nghe đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: Từ khi được chuyển giao sứ mệnh mới, dòng sông Đà không chỉ đem nguồn sáng tới muôn nơi, mà còn tạo nền tảng để du lịch Hòa Bình cất cánh. Cách đây 5 năm (năm 2015), khu du lịch hồ Hòa Bình đã đón 410.000 lượt du khách, trong đó có 19.000 lượt khách quốc tế đến thăm quan, khám phá, trải nghiệm. Sau nhiều nỗ lực của tỉnh trong xây dựng đề án phát triển du lịch, đầu tư, tôn tạo, đề xuất, tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1528/ QĐ-TTg phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”. Đây là bước ngoặt lớn ghi dấu, khắc tên tỉnh Hòa Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam. Cũng từ đó, lượng du khách đến với khu du lịch hồ Hòa Bình nói riêng, đến với tỉnh Hòa Bình nói chung tăng theo từng năm. Năm 2019, tỉnh đón 3.111.275 lượt khách du lịch, trong đó có 406.384 lượt khách quốc tế, 2.704.891 lượt khách nội địa. Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 2.075 tỷ đồng. Những tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hòa Bình ước đón 560.000 lượt khách, trong đó có 62.000 khách quốc tế, 498.000 khách nội địa. Tổng thu từ du lịch trong quý I/2020 ước đạt 380 tỷ đồng.
Theo đại diện ngành VH-TT&DL, hiện, tỉnh đang tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch; xây dựng chính sách, thu hút đầu tư phát triển du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp; tăng cường công tác quảng bá du lịch…, để khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước, góp phần nâng tầm cho du lịch Hòa Bình.
(Còn nữa)
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/291/140849/suc-song-tren-dong-da-giang.htm