Sức sống văn hóa truyền thống ở Tân Sơn
PTĐT - Là huyện miền núi có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 80% dân số, đời sống của người dân chủ yếu vẫn là sản xuất nông lâm nghiệp và sống quây quần với nhau thành làng bản, vì vậy nhiều tập tục truyền thống vẫn được người dân lưu giữ bảo tồn.
Đến nay, chỉ còn người Mông ở bản Mĩ Á xã Thu Cúc là còn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình hàng ngày, còn người Dao, người Mường không còn duy trì mặc trang phục truyền thống nữa song họ vẫn mặc vào các dịp lễ tết để bảo tồn nét đẹp truyền thống của trang phục. Tuy nhiên, tất cả các dân tộc trên địa bàn huyện vẫn sử dụng ngôn ngữ của mình trong giao tiếp hàng ngày, đây là truyền thống và được người dân địa phương gìn giữ sống động. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều câu lạc bộ văn hóa dân gian được duy trì như CLB văn hóa dân gian xã Kiệt Sơn, CLB văn hóa dân gian xã Long Cốc, CLB xã Kim Thượng, riêng xã Xuân Sơn mỗi xóm duy trì được một CLB văn hóa. Tất cả những người tham gia trong các CLB văn hóa truyền thống đều là người địa phương, họ cùng nhau thành lập, tham gia và duy trì các loại hình văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình. Với CLB văn hóa ở xã Kiệt Sơn, loại hình nổi bật là hát ví, hát rang, với CLB văn hóa xã Long Cốc loại hình nổi bật là chạm ống, với CLB văn hóa xã Kim Thượng loại hình nổi bật là cồng chiêng… Với những địa phương chưa thành lập được CLB văn hóa thì tất cả các khu có người dân tộc thiểu số sinh sống họ vẫn duy trì được các đội văn nghệ truyền thống để biểu diễn trong các dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vào các dịp lễ tết, vào ngày đại đoàn kết. Không chỉ biểu diễn trong khu, các đội văn hóa truyền thống còn tổ chức đi giao lưu giữa khu với khu, giữa xã này với xã khác, và đặc biệt là được tham gia biểu diễn ở lễ hội Đền Hùng hàng năm.Bà Hà Thị Loan, năm nay đã ngoài 70 tuổi, chủ nhiệm CLB văn hóa dân gian xã Kim Thượng chia sẻ: “Vì yêu thích và trăn trở với cồng chiêng mà suốt nhiều năm liền tôi đã vận động chị em trong chi hội NCT tham gia luyện tập, nhiều chỗ còn thiếu do đã bị mai một, chị em chúng tôi lên tận Hòa Bình để học bằng được cho đủ nhịp điệu và âm thanh. Sau khi học đủ bài, chúng tôi đã đi biểu diễn giao lưu ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, vui nhất là được đi biểu diễn vào dịp lễ hội Đền Hùng hàng năm, mỗi lần biểu diễn ở Đền Hùng tại trại văn hóa của huyện Tân Sơn, rất nhiều du khách ghé thăm và tìm hiểu.
Đến năm 2020, rất vui mừng chúng tôi đã được công nhận là CLB, có nhiều chị em trẻ tuổi tham gia và học tập, như thế tiếng cồng, tiếng chiêng của bản Mường tằn sẽ mãi mãi âm vang”.Nhờ có lớp người cao tuổi tham gia gìn giữ văn hóa truyền thống đã khích lệ cho thế hệ trẻ theo học để giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Em Hà Hồng Dinh, xã Thu Ngạc tâm sự: “ Em từ xã Kiệt Sơn lấy chồng về đây, thấy các bà các mẹ trong khu tham gia đội đuống, em rất thích và quyết tâm tham gia học đâm đuống, đến nay sau bốn năm theo học em đã bắt nhịp được cùng với các bà, các mẹ. Được là thành viên chính thức của đội em rất vui, vui vì mình học được và xa hơn nữa là để lưu giữ một loại hình nghệ thuật đặc trưng của người Mường”.Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của địa phương cũng là đề án được huyện Tân Sơn đưa và trong quá trình xây dựng và phát triển. Vì vậy, năm 2020, huyện tiếp tục khôi phục nhiều loại hình văn hóa truyền thống, đặc biệt là đã khôi phục và duy trì, xây dựng hội thảo hát ví, hát rang và truyền dạy. Đến nay, hầu hết các xã trên địa bàn đã được học hát ví, hát rang. Huyện cũng đã xây dựng giáo áo bằng bản thảo và bằng truyền hình để tiện cho việc giảng dạy...