Sức vươn Việt Tiến

Đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, Việt Tiến là một trong những xã 'về đích' sớm chương trình này, mang lại diện mạo mới, khang trang cho vùng đất trù phú bên dòng sông Chảy, phía Nam của huyện Bảo Yên.

 Ảnh: Mạnh Dũng.

Ảnh: Mạnh Dũng.

Bên này Quốc lộ 70 đoạn thuộc xã Phúc Khánh, vượt cầu Việt Tiến (còn gọi là cầu Bến Cóc) bắc qua sông Chảy là vào địa phận xã Việt Tiến. Những địa danh thuộc xã như Cóc Khiểng, Hàm Rồng, Hòn Nón… đặc biệt là Già Hạ, đã trở nên quen thuộc với nhiều người, bởi gắn với nhiều mốc lịch sử của Đảng bộ Lào Cai, gắn với cuộc di chuyển dân cư để xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà.

Theo các tư liệu lịch sử, tháng 11/1947, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Lào Cai chủ trương cùng Nhân dân tản cư về huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, ở xã Hùng Việt (nay là xã Việt Tiến). Tại đình làng Già Hạ, Tỉnh ủy Lào Cai đã tổ chức Hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh bàn phương hướng kháng chiến, xây dựng lực lượng trong khu căn cứ, củng cố chi bộ nông thôn và bàn về việc mở Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Lê Hồng Phong tiến tới giải phóng Lào Cai.

 Ảnh: Mạnh Dũng.

Ảnh: Mạnh Dũng.

Từ đình làng Già Hạ, theo con đường bê tông rộng rãi, uốn lượn qua các thửa ruộng mướt màu xanh của lúa, của ngô, chúng tôi đến tham quan vườn dâu tại thôn Cóc Khiểng. Bên dòng sông Chảy, những bãi phù sa ven sông đang phủ kín màu xanh.

Đồng chí Lộc Thị Thu Hường, Phó Bí thư Đảng ủy xã Việt Tiến cho biết: Toàn bộ diện tích trồng dâu nuôi tằm của xã bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 hồi tháng 9/2024. Trong tổng số gần 10 ha dâu tằm thì có đến 90% diện tích chết do ngập úng và bùn đất vùi lấp. Ngay sau khi lũ rút, xã đã động viên, hỗ trợ bà con chăm sóc diện tích dâu còn sống, đồng thời san gạt, khôi phục lại những diện tích bị vùi lấp... Đến nay, bà con đã đăng ký nhu cầu giống dâu để khôi phục sản xuất trên diện tích 24 ha.

 Ảnh: Mạnh Dũng.

Ảnh: Mạnh Dũng.

Trồng dâu nuôi tằm là một trong những cây, con chủ lực của Việt Tiến, đem lại nguồn thu cao và ổn định. Ước tính, mỗi ha cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng (tùy từng thời điểm cũng như chất lượng kén), đời sống của các hộ trồng dâu nuôi tằm không những ổn định mà còn được nâng lên nhiều.

Những hộ tham gia trồng dâu nuôi tằm được Hợp tác xã Nấm Tam Đảo cung ứng cây dâu giống, tằm giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm kén tằm theo giá thỏa thuận (bình quân dao động từ 80.000 đồng - 150.000 đồng/kg kén), vì vậy người dân rất yên tâm.

 Ảnh: Mạnh Dũng.

Ảnh: Mạnh Dũng.

Một điều khác biệt nữa khi trồng dâu nuôi tằm là không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn hỗ trợ cải thiện môi trường sinh thái. Với các cây, con khác, quá trình sản xuất có thể phải sử dụng hóa chất để diệt trừ sâu bệnh, nhưng với cây dâu tằm thì tuyệt đối không sử dụng. Cây dâu cần thật sự sạch và an toàn để không bị ảnh hưởng đến con tằm, bởi tằm là sinh vật rất mẫn cảm với điều kiện sống, từ nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng đến không khí, đặc biệt là thức ăn... đều tác động trực tiếp đến sự sống cũng như chất lượng kén của tằm.

 Ảnh: Mạnh Dũng.

Ảnh: Mạnh Dũng.

Cùng với dâu tằm, quế cũng là cây trồng chủ lực của Việt Tiến. Với hơn 600 ha (giảm hơn 100 ha do thiên tai), khắp các triền đồi xã Việt Tiến là màu xanh của quế. Chỉ riêng tỉa cành, dọn lá quế đã đảm bảo chi tiêu hằng ngày cho nhiều hộ dân nơi đây.

 Ảnh: Mạnh Dũng.

Ảnh: Mạnh Dũng.

Những năm gần đây, Việt Tiến thực hiện rất mạnh việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là đưa vào nuôi trồng những cây trồng, vật nuôi chủ lực theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, các loại cây được quy hoạch trồng phù hợp với đặc điểm địa hình mỗi khu vực, trên đồi cao trồng quế, đồi thấp trồng chè, vườn bãi trồng bưởi, ngô, dâu tằm, vườn nhà trồng thanh long, rau, màu...

Cùng với trồng trọt, Việt Tiến còn phát triển chăn nuôi với đàn lợn gần 4.000 con, gần 50.000 con gia cầm, 22,5 ha mặt nước nuôi thủy sản. Đây đều là những cây, con có giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Tiến.

 Ảnh: Mạnh Dũng.

Ảnh: Mạnh Dũng.

Trên thực tế, Việt Tiến có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán, thói quen canh tác của người dân thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng ủy, HĐND, UBND xã thống nhất quyết tâm phấn đấu đưa Việt Tiến đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Chủ trương này nhận được sự đồng thuận cao của người dân.

Tuy nhiên, năm 2024, do ảnh hưởng của thiên tai, Việt Tiến thiệt hại nhiều mặt, từ cây trồng, vật nuôi đến hạ tầng cơ sở... ước tính tổng thiệt hại hơn 50 tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân cũng như mục tiêu phấn đấu của xã.

Hiện tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã còn trên 15%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế giảm, chỉ còn gần 80%. Đây là 2 tiêu chí Việt Tiến bị “tụt”, hiện không đạt theo quy định về chuẩn nông thôn mới.

Màu xanh dần trở lại nơi mưa lũ đi qua. Những cánh đồng màu mỡ, đồi rừng trù phú hiện hữu, đời sống của bà con nơi đây ngày càng được nâng lên.

Cùng với sản phẩm cốm nức tiếng gần xa đã được công nhận là sản phẩm OCOP, ngày 25/2/2025, UBND tỉnh Lào Cai ra quyết định về việc cho phép sử dụng địa danh “Việt Tiến - Bảo Yên” và xác nhận bản đồ để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Măng Việt Tiến - Bảo Yên”. Việc cho phép sử dụng các địa danh địa phương để đăng ký nhãn hiệu tập thể sẽ góp phần khẳng định vị thế, chất lượng, danh tiếng và từng bước quảng bá, giới thiệu sản phẩm là thế mạnh của địa phương đến người tiêu dùng trong nước và ngoài nước…

 Ảnh: Tất Đạt.

Ảnh: Tất Đạt.

Đứng trước thời cơ, vận hội mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Việt Tiến tiếp tục đoàn kết, trên dưới một lòng, năng động, sáng tạo vượt qua khó khăn, thử thách, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, tự tin vững bước trên con đường phát triển.

Đức Lân

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/suc-vuon-viet-tien-post399508.html