Sun Life Việt Nam: 11 năm trong vòng xoáy thua lỗ, lỗ lũy kế khủng hơn 6.300 tỷ đồng

Sau hơn 10 năm đặt chân vào thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, Sun Life Việt Nam vẫn chưa thể thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 cho thấy doanh nghiệp tiếp tục lỗ sau thuế gần 870 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 6.300 tỷ đồng – chiếm hơn 30% tổng nguồn vốn. Dù doanh thu tài chính cải thiện, hoạt động kinh doanh bảo hiểm cốt lõi vẫn suy giảm mạnh, cho thấy những bất cập trong chiến lược tăng trưởng và hiệu quả vận hành của doanh nghiệp này.

Tổng lỗ lũy kế hơn 6.300 tỷ đồng

Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 với nhiều con số đáng chú ý. Doanh thu thuần từ kinh doanh bảo hiểm của Công ty đạt 3.294,6 tỷ đồng, giảm mạnh 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp từ hoạt động bảo hiểm cũng sụt giảm tới 40%, chỉ còn 1.295,2 tỷ đồng.

Năm 2024, Sun Life Việt Nam lỗ 868 tỷ đồng

Năm 2024, Sun Life Việt Nam lỗ 868 tỷ đồng

Ở chiều ngược lại, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 615,3 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2023. Lợi nhuận gộp mảng tài chính đạt 634,3 tỷ đồng, tăng 10,7%. Tuy vậy, kết thúc năm tài chính, Sun Life Việt Nam tiếp tục ghi nhận khoản lỗ sau thuế 868,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lỗ 921,8 tỷ đồng năm trước.

Tính đến cuối năm 2024, Sun Life Việt Nam đã lỗ lũy kế lên tới 6.365 tỷ đồng, tương đương 30,6% tổng nguồn vốn. Điều này đặt ra dấu hỏi lớn về hiệu quả hoạt động và khả năng duy trì vốn tự có trong dài hạn. Đây là năm thứ 10 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ.

Trong khi đó, tổng tài sản của công ty tại ngày 31/12/2024 đạt 20.795 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tiền mặt sụt giảm mạnh từ 2.195 tỷ đồng xuống còn 584 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền hoạt động có dấu hiệu căng thẳng. Đáng chú ý, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lại tăng 16,2% lên 2.680 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi tại ngân hàng với lãi suất từ 4,2% đến 9,5%/năm.

Danh mục đầu tư của công ty cho thấy xu hướng an toàn với trọng tâm là các tài sản sinh lời cố định như trái phiếu Chính phủ (3.756 tỷ đồng) và trái phiếu doanh nghiệp dài hạn (2.001 tỷ đồng). Tuy nhiên, phần lớn tài sản dài hạn khác – lên đến 8.959 tỷ đồng – là phí trả trước trong hợp đồng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), cụ thể là với TPBank và ACB.

Ở phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả là 9.214 tỷ đồng, phần lớn là nợ dài hạn (7.515 tỷ đồng), phản ánh áp lực trả nợ trong dài hạn trong bối cảnh kinh doanh chưa mang lại lợi nhuận.

Câu hỏi lớn về hiệu quả hoạt động

Sun Life chính thức gia nhập thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vào năm 2013, thông qua mô hình liên doanh với Tổng công ty Bảo hiểm PVI, mang tên PVI Sun Life. Đến tháng 11/2016, thương hiệu này chuyển đổi hoàn toàn thành công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động dưới tên gọi Sun Life Việt Nam.

Mặc dù đã có mặt trên thị trường Việt Nam hơn một thập kỷ, tình hình tài chính của Sun Life Việt Nam chưa thực sự khả quan. Trong suốt khoảng thời gian đó, công ty chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế duy nhất một lần vào năm đầu tiên hoạt động – năm 2013 – với con số 36,5 tỷ đồng. Kể từ đó, Sun Life Việt Nam liên tục ghi nhận các khoản lỗ, bất chấp sự gia tăng mạnh mẽ về doanh thu.

Một bước ngoặt đáng chú ý diễn ra vào năm 2019 khi Sun Life Việt Nam ký kết hợp đồng phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) với TPBank, kéo dài 15 năm. Nhờ thỏa thuận này, doanh thu năm 2020 đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, đạt 1.306,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm này công ty vẫn báo lỗ sau thuế 644,7 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh của Sun Life Việt Nam

Tình hình kinh doanh của Sun Life Việt Nam

Sự tăng trưởng mạnh hơn đến trong năm 2021, khi Sun Life tiếp tục ký kết một hợp tác bancassurance độc quyền khác với Ngân hàng ACB. Thỏa thuận này giúp doanh thu vọt lên mức 3.014,5 tỷ đồng – cao gấp 2,3 lần so với năm trước. Thế nhưng, đi kèm với sự tăng trưởng đó là khoản lỗ sau thuế sâu hơn, lên tới 1.444,7 tỷ đồng.

Năm 2022 tiếp tục đánh dấu một năm tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ. Doanh thu thuần đạt 5.173,2 tỷ đồng, tăng 71,6% so với năm 2021. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh vẫn đi theo chiều hướng tiêu cực khi lỗ sau thuế tiếp tục nới rộng lên 1.469,2 tỷ đồng. Tính đến cuối năm này, tổng lỗ lũy kế của công ty đã lên tới 4.574,7 tỷ đồng.

Bước sang năm 2023, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Sun Life Việt Nam suy giảm đáng kể, chỉ còn 4.128 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Khoản lỗ sau thuế cũng tiếp tục ghi nhận ở mức cao, hơn 921 tỷ đồng.

Với diễn biến tài chính kéo dài qua nhiều năm, Sun Life Việt Nam đang đối mặt với bài toán lớn về khả năng cân đối chi phí và hiệu quả kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh công ty vẫn đang duy trì các hợp đồng phân phối độc quyền với các đối tác ngân hàng lớn. Điều này cho thấy thách thức không chỉ nằm ở quy mô doanh thu mà còn ở việc kiểm soát chi phí và chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn.

Đặc biệt, chi phí trả trước cho các hợp đồng bancassurance được ghi nhận như một phần lớn trong tài sản dài hạn, nhưng không tạo ra hiệu quả lợi nhuận ngắn hạn, khiến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp bị đặt dấu hỏi. Lỗ càng lớn khi doanh thu càng cao là nghịch lý mà Sun Life Việt Nam chưa thể giải quyết suốt một thập kỷ qua.

Trong bối cảnh lỗ lũy kế chiếm hơn 30% tổng nguồn vốn, công ty có nguy cơ đối mặt với rủi ro vốn chủ sở hữu bị xói mòn, thanh khoản suy yếu và áp lực phải tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn tài chính, nhất là khi chuẩn mực IFRS 17 được áp dụng nghiêm ngặt hơn trong thời gian tới.

Sun Life Việt Nam đang ở giai đoạn đầy thử thách sau hơn một thập kỷ phát triển tại Việt Nam. Chiến lược mở rộng nhanh nhưng thiếu kiểm soát hiệu quả lợi nhuận khiến công ty rơi vào tình trạng lỗ kéo dài.

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/bao-hiem/sun-life-viet-nam-11-nam-trong-vong-xoay-thua-lo-lo-luy-ke-khung-hon-6300-ty-dong-140584.html