Suy giảm trí nhớ ở người trẻ: Nhiều nguyên nhân
Ngày nay, không chỉ là người già mà ngay cả nhiều nhóm người trẻ cũng thường than phiền về trí nhớ giảm sút, ở mức đáng báo động.
Hiện tượng suy giảm trí nhớ ở người trẻ xảy ra với nhiều mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ mất dần khả năng nhận thức.
Những biểu hiện đáng chú ý
Suy giảm trí nhớ là tình trạng trí nhớ có dấu hiệu suy giảm bất thường. Người bệnh dễ hoặc dần lãng quên các thông tin quen thuộc hoặc mới tiếp nhận, gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin mới.
ThS.BS Nguyễn Thị Hải Yến - Khoa Thần kinh - Đột quỵ (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, ít tham gia các hoạt động trí tuệ và tương tác xã hội có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Các kích thích xã hội và hoạt động trí tuệ giúp tăng cường liên kết giữa các tế bào thần kinh. Đây là cơ sở cho quá trình hình thành và củng cố trí nhớ.
Suy giảm trí nhớ với những nhóm trẻ tuổi có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, bao gồm bệnh lý hoặc vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, stress, chứng mất ngủ, đột quỵ, bệnh Alzheimer…
Trên thực tế, nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm, hội chứng suy giảm trí nhớ ở người trẻ có thể được cải thiện, khắc phục. Ngược lại, chậm trễ trong điều trị có thể khiến tình trạng bệnh dần nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người bệnh.
Nguyễn Thùy Linh - sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho hay, em thường xuyên quên bài, khi thầy cô giảng trên lớp thì em hiểu nhưng sau đó lại quên. Thậm chí, có lúc đang định làm việc gì đó mà nhớ mãi không ra mục đích của mình.
Nhiều lần Linh bỏ quên chìa khóa xe máy trông cốp xe, bỏ quên đồ trong máy giặt,… Lê Huyền Anh (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, em thường học trước quên sau, học đâu quên đấy, khả năng tập trung kém, hay lơ đãng và uể oải. Đôi lúc em có cảm giác mệt mỏi, buồn bã thường xuyên và kèm theo đó là tâm trạng căng thẳng. Ngoài việc học thì em rất hay quên đồ đạc.
Bác sĩ Lê Việt Hùng - Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, tùy vào nguyên nhân và mức độ suy giảm trí nhớ mà người trẻ tuổi có thể xuất hiện một số dấu hiệu như: Lãng quên thông tin đã được ghi nhớ gần đây; vị trí của các đồ vật quen thuộc hàng ngày; gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề trong cuộc sống; mất dần khả năng định hướng không gian, thời gian; đột ngột thay đổi hành vi, cảm xúc, tính cách.
Người trẻ khi bị suy giảm trí nhớ có thể lẫn lộn vị trí đặt các đồ vật quen thuộc trong cuộc sống, chẳng hạn như đặt chìa khóa vào máy giặt, bỏ quên điện thoại trong tủ lạnh… Theo chuyên gia, suy giảm trí nhớ có thể khiến cho khả năng tư duy của người trẻ tuổi bị ảnh hưởng đáng kể.
Khi đó, người trẻ có xu hướng mất dần khả năng tư duy logic, gây cản trở nhiều hoạt động trong cuộc sống. Khả năng nhận biết không gian quen thuộc hoặc ghi nhớ ngày, tháng, năm hoặc các con số liên quan có xu hướng giảm dần.
Theo bác sĩ Lê Việt Hùng, chứng suy giảm trí nhớ ở học sinh biểu hiện rất đa dạng nhưng cũng rất dễ nhận biết: Trẻ học trước quên sau, khả năng tập trung kém, hay lơ đãng; Khả năng tư duy kém nhạy bén và phản ứng chậm với các sự việc xung quanh; Mệt mỏi, buồn bã thường xuyên và kèm theo đó là tâm trạng căng thẳng;
Mất ngủ, khó ngủ, thức khuya và dậy sớm hơn bình thường; Tỏ ra lười biếng và kém năng động. Từ đó, kết quả học tập của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời dẫn đến các phản ứng tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, đặc biệt là các mối quan hệ xung quanh, như với người thân, thầy cô.
Nguyên nhân từ đâu?
Chứng suy giảm trí nhớ ở học sinh nếu không được khắc phục sớm sẽ chuyển sang sa sút trí tuệ. Khi đó não bộ mất dần khả năng điều khiển, tế bào não tổn thương vĩnh viễn gây teo não và tổn thương mạch máu não.
Bác sĩ Lê Việt Hùng chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi, trong đó, trầm cảm và stress đều là tác nhân gây hại đến hoạt động trí não, suy giảm trí nhớ. Stress có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung, khiến cho chức năng ghi nhớ suy giảm tạm thời. Trong khi đó, trầm cảm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động của não bộ, dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ dài hạn.
Đồng thời, guồng quay công việc, học tập khiến cho người trẻ, đặc biệt nhóm học sinh, sinh viên phải gánh chịu nhiều áp lực. Tình trạng người trẻ thường xuyên căng thẳng đầu óc do làm việc quá sức, áp lực thi cử, sức ép từ sự kỳ vọng ngày càng phổ biến. Kéo dài tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trí não, suy giảm trí nhớ. Vậy nên, người trẻ cần có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tránh gây áp lực cho hệ thần kinh, hạn chế nguy cơ suy giảm trí nhớ hiệu quả.
Bên cạnh đó, giấc ngủ có tác động trực tiếp đến chức năng ghi nhớ của não bộ. Mọi vấn đề liên quan đến việc suy giảm chất lượng giấc ngủ như ngủ không đủ giấc, khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn… đều tiềm ẩn nguy cơ gây suy giảm trí nhớ.
Người trẻ cũng là đối tượng dễ bị rối loạn giấc ngủ bởi thói quen thức khuya để học, làm việc hoặc giải trí. Chế độ ăn uống không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết có thể là nguyên nhân góp phần gây hội chứng suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi.
Sự thiếu hụt vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B12 đã được nghiên cứu chứng minh có thể gây suy giảm trí nhớ. Bên cạnh đó, thiếu hấp thu axit béo omega-3, vitamin E và các chất chống oxy hóa khác thông qua chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ.
Việc lạm dụng rượu bia, chất kích thích ở giới trẻ ngày càng phổ biến. Trong khi đó, nồng độ cồn trong bia, rượu; nicotine trong thuốc lá; hàm lượng caffeine cao trong cà phê hoặc trà đậm... có thể gây ức chế hoặc kích thích não bộ hoạt động quá mức, lâu dần làm suy giảm trí nhớ nếu lạm dụng. Ngoài ra, tác dụng phụ của một số loại thuốc dùng dài ngày cũng có thể là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ.
Khắc phục
ThS Trần Thị Huyền - Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ, chứng suy giảm trí nhớ ở giai đoạn sớm có thể cải thiện được hoặc ít nhất có thể làm quá trình tiến triển bệnh chậm lại, giúp bệnh nhân có được cuộc sống tốt hơn. Do đó, khi nhận thấy biểu hiện suy giảm trí nhớ, nên đi khám ngay để được xác định đúng tình trạng bất thường, mức độ, tìm ra các yếu tố gây bệnh và kết hợp điều trị.
Người trẻ, đặc biệt với học sinh cần ngủ đủ giấc, ngủ ngon. Bởi giấc ngủ có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với thần kinh và trí nhớ của con người. Đối với hệ thần kinh, giấc ngủ giúp phục hồi phần năng lượng bị tiêu hao, thải bớt các chất độc tích tụ. Tình trạng suy giảm trí nhớ sẽ được cải thiện đáng kể khi bệnh nhân được ngủ trong một phòng ngủ êm ái, nhiệt độ duy trì ở mức nhiệt độ 28 - 29 độ C, thoáng khí - đủ oxy.
Ngoài ra, cần giữ cơ thể thật sạch sẽ trước khi đi ngủ, không nên sử dụng rượu, bia hay chất kích thích trước giờ ngủ. Nếu gián đoạn chu kỳ ngủ tự nhiên có thể dẫn đến suy giảm nhận thức, làm gián đoạn quá trình não sử dụng để tạo ra trí nhớ; Vận động vừa đủ lượng khiến cơ thể bị tiêu hao năng lượng đáng kể, mang lại giấc ngủ ngon, tăng lưu thông máu lên não dẫn đến tăng khả năng nuôi dưỡng cho não bộ, tăng số vòng tuần hoàn qua não, tăng thải độc cho thần kinh.
Xây dựng mối quan hệ hài hòa với mọi người xung quanh giúp giải phóng các hormon có hại cho trí nhớ, tăng tiết các hormone tạo cảm giác yêu đời. ThS Trần Thị Huyền lưu ý thêm, đường có thể gây giảm trí nhớ. Uống quá nhiều đồ uống có đường gồm cả nước ép trái cây có thể làm giảm tổng thể tích não, đây được xem là dấu hiệu ban đầu của bệnh Alzheimer.
Đối với trẻ em, cha mẹ nên chủ động giúp con phòng tránh suy giảm trí nhớ, đặc biệt khi bệnh chưa nghiêm trọng. Yếu tố then chốt giúp học sinh phòng tránh bị suy giảm trí nhớ chính là thay đổi thói quen sống theo hướng tích cực, khoa học hơn. Xây dựng cho con kế hoạch học tập khoa học để hạn chế áp lực hay stress quá mức. Hướng dẫn trẻ tập thể dục mỗi ngày, qua đó tăng cường tuần hoàn máu lên não. Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống cho trẻ hợp lý, khoa học, giàu chất dinh dưỡng tốt cho não bộ.
Chuyên gia Bệnh viện Nội tiết Trung ương nói thêm, bố mẹ cần khuyến khích con tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi giải trí ngoài trời hay tham gia các hội nhóm để gia tăng tương tác xã hội và vận động cơ thể. Rèn luyện ghi nhớ bằng các trò chơi trí tuệ thay vì sử dụng Internet quá nhiều. Việc đọc sách, chơi trò chơi trí tuệ giúp rèn luyện trí nhớ rất tốt. Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho con để phát hiện sớm chứng suy giảm trí nhớ ở học sinh và đưa ra kế hoạch điều trị hiệu quả.
Gần đây, nhiều nghiên cứu thống kê cho thấy ít nhất 85% người trẻ dưới 50 tuổi gặp vấn đề về trí nhớ, trong đó có 20 - 30% ở nhóm dưới 30 tuổi, và phần còn lại tập trung ở lứa tuổi trung niên. Những con số này là dấu hiệu đáng lo ngại, vì khoảng 50% trường hợp suy giảm trí nhớ ở người trẻ có thể phát triển thành hội chứng suy giảm trí tuệ ở người già, đặc biệt trong số đó là bệnh Alzheimer.