Suy ngẫm về một phút mặc niệm thiêng liêng!

Mới đây, tôi đến viếng và dự lễ truy điệu một người đi vào cõi vĩnh hằng do chính quyền địa phương tổ chức. Sau lời điếu của vị trưởng ban lễ tang, mọi người đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ người quá cố. Giữa lúc nhiều người đều đứng nghiêm, lặng lẽ cúi đầu trước áng thờ nghi ngút khói hương người đã khuất thì một vài người ở hàng phía sau lại nhìn trước, ngó sau, cười nói, thiếu nghiêm túc… Nhân hiện tượng đáng buồn này, xin được luận thêm về ý nghĩa thiêng liêng của thuật ngữ 'một phút mặc niệm' mà từ lâu đã diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới…

Mặc niệm là động từ, thể hiện nghĩa cử tôn trọng và tưởng nhớ của người đang sống đối với những linh hồn đã khuất. Viết bài này, tôi sực nhớ đến một bài báo của ai đó viết nhân dịp thế giới kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất mà mình đã từng đọc. Tôi không nhớ kỹ hết các chi tiết trong bài báo đó, chỉ nhớ nội dung chủ yếu đề cập về sự hình thành nghi thức mặc niệm. Đó là ngày 11-11-1918, phe Hiệp ước đồng minh chiến thắng phe Liên minh phát-xít. Tin này không chỉ loan truyền khắp châu Âu mà còn làm nức lòng cả nhân loại toàn thế giới. Lúc này, tại thủ đô London có một chiến binh đồng thời là một ký giả tham gia lực lượng quân đội Hoàng gia Anh đã bật lên một ý tưởng cực kỳ nhân văn. Là người lính từ khói lửa trận mạc trở về, người chiến binh, nhà báo này quá thấm thía nỗi đau của chiến tranh tàn khốc, đã chứng kiến biết bao đồng đội, người thân, bè bạn bị súng đạn của chiến tranh cướp đi nên ông đã nghĩ đến một cụm từ nhằm để tưởng nhớ đến sự hủy diệt đầy bi thương của chiến tranh. Theo đó, ông đề nghị mọi người cần giữ im lặng trong một khoảng thời gian nhất định, bởi im lặng được ông ví như một con tàu lớn và nó sẽ chứa đựng được tất cả sự mất mát, đớn đau của chiến chiến tranh tàn bạo. Ông đã viết một bài báo trong đó có câu hỏi: “Tại sao chúng ta không dành một chút thời gian của hòa bình để tưởng niệm bằng cách im lặng cho sự hy sinh anh dũng này?”. Cuối cùng ông đề nghị mọi người hãy dành 5 phút cho sự im lặng đó. Lời đề nghị của ông được các sĩ quan Hoàng gia Anh cung tấu trình lên vua xem xét. Thế rồi, ông được vua gọi đến cung điện yêu cầu thực hành nghi lễ cho Quốc vương xem thử. Lúc này cũng là thời điểm gần tới ngày kỷ niệm tròn một năm Thế chiến một kết thúc và sau khi xem xong, vua lắc đầu phán rằng, mặc niệm tới 5 phút thì lâu quá và ra lệnh cho mọi người từ đó trở đi cứ đúng vào giờ thứ 11, ngày 11 tháng 11 hàng năm phải dành 2 phút mặc niệm. Trong khoảng thời gian 2 phút này, tất cả các hoạt động bình thường và mọi âm thanh phải dừng lại, không gian hoàn toàn rơi vào tĩnh lặng để cho các dòng suy nghĩ của mọi người chỉ tập trung tưởng nhớ đến những cái chết vinh quang. Thế là từ đó, các giờ, ngày, tháng nêu trên được nhiều người gọi là “Ngày mặc niệm”.

Có lẽ, do 2 phút mặc niệm cũng còn hơi lâu nên dần dần được con người rút ngắn bớt lại chỉ còn 1 phút và khoảng thời gian này được cho là hợp lý nhất nên mới được “cố định” như ngày nay? Hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều dành một phút mặc niệm để bày tỏ tình cảm đối với những người đã mãi mãi đi xa. Mặc niệm là khoảng thời gian ngắn ngủi, một khoảnh khắc để chúng ta chiêm nghiệm, tưởng nhớ những người đã khuất trong tư thế nghiêm trang, lặng lẽ. Mong sao trong một phút thiêng liêng ấy, mọi người ai cũng gửi gắm tấm lòng của mình đối với người ra đi bằng những cử chỉ lịch thiệp, nghiêm túc.

Thái Mỹ

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/suy-ngam-ve-mot-phut-mac-niem-thieng-lieng-post302890.html