Suy nghĩ về bài 'dậy sóng dư luận' của ông Vũ Ngọc Hoàng

Ông Hoàng đặt câu hỏi: Khi có 'sự mâu thuẫn giữa tính khoa học và tính chính trị' thì 'nên giải quyết như thế nào?'. Ông đề nghị 'Phải dựa vào khoa học để làm căn cứ xác định và điều chỉnh các yêu cầu chính trị, chứ không phải ngược lại', vì nếu 'lấy chính trị để bắt khoa học phải tuân theo' thì 'nhiệm vụ chính trị không còn đứng vững và chính trị chắc chắn sẽ bị chông chênh'.

Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ảnh: Internet

Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ảnh: Internet

Bài của ông Vũ Ngọc Hoàng, đăng trên tờ Thanh Niên ngày 1.8.2020, có tên 90 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo: Tuyên giáo phải nhằm khai hóa văn minh cho dân tộc thu hút sự chú ý của dư luận.

Bài này chưa nói hết ý ông Hoàng vì còn phần tiếp theo chưa đăng. Trong phần đã đăng có 2 ý chính: Tuyên giáo phải vừa khoa học vừa chính trị, và Tuyên giáo nhân lên sức mạnh chân chính.

Chúng tôi xin trao đổi về phần "Tuyên giáo phải vừa khoa học vừa chính trị".

Ông Hoàng viết: “Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của công tác tuyên giáo là nhằm tham gia khai hóa văn minh cho cộng đồng dân tộc và thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa là sự nghiệp lâu dài vừa là trước mắt, vừa có tính chất khoa học vừa mang tính chính trị”.

Trước khi thảo luận, xin cùng nhau thống nhất định nghĩa Tính khoa học.

Tính khoa học là gì? Các định nghĩa về khoa học hay về các tính chất của khoa học đều đưa ra những tính chất của khoa học như dưới đây:

1. Tính khách quan (Objectivity), 2. Tính có thể kiểm chứng (Verifiability), 3. Trung tính (Ethical Neutrality), 4. Tính có hệ thống trong nghiên cứu (Systematic Exploration), 5. Tính đáng tin cậy (Reliability), 6. Tính nghiêm ngặt (Precision), 7. Tính chính xác (Accuracy), 8. Tính tổng quát (Abstractness), 9. Tính dự báo (Predictability).

Xin được đi sâu hơn một chút 3 tính chất đầu tiên.

Tính khách quan: Là tính chất đầu tiên của khoa học, nghĩa là năng lực thấy và chấp nhận sự việc như nó là, chứ không phải như cái được mong muốn. Tính khách quan gạt bỏ khuynh hướng, niềm tin, ước muốn, ưa thích, nó không chấp nhận suy nghĩ chủ quan và thành kiến.

Tính có thể kiểm chứng được: Mọi kết luận khoa học phải dựa trên dữ liệu, chứng cứ (data). Trong khoa học tự nhiên đó là những chứng cứ mọi người có thể kiểm tra. Thí dụ nói nước sôi ở 100 độ C thì bất kỳ ai khi làm nước nóng lên tới 100 độ C đều thấy nước sôi. Trong khoa học xã hội, đó là các dữ liệu được thu thập theo phương pháp thăm dò, thống kê. Những kết luận về khuynh hướng ưa thích, chọn lựa, ủng hộ của dân chúng chỉ có tính khoa học khi được thăm dò ý kiến bằng phương pháp khoa học, khách quan, hoặc khi thông qua trưng cầu dân ý.

Tính trung tính: Khoa học chỉ hướng tới sự hiểu biết, không quan tâm tới kiến thức khoa học được dùng như thế nào. Khoa học tìm hiểu năng lượng nguyên tử, việc sử dụng kiến thức đó cho mục đích y khoa hay mục đích quân sự không thuộc phạm vi khoa học. Tinh thần khoa học đúng nghĩa không để niềm tin tôn giáo, chính trị, chủ thuyết… ảnh hưởng, làm biến dạng quá trình nghiên cứu hay kết quả nghiên cứu khoa học.

Với tính khoa học như được trình bày trên, ta thấy không có hoạt động tôn giáo, chính trị nào có tính khoa học đúng nghĩa. Hoạt động tuyên giáo, vốn là hoạt động chủ quan và nhằm định hướng chính trị, không thể có tính khoa học. Tuy nhiên, nếu hiểu “công tác tuyên giáo… vừa có tính chất khoa học vừa mang tính chính trị” (như ông Hoàng viết) theo hướng công tác tuyên giáo dùng tinh thần khoa học, kiến thức khoa học, kết quả khoa học… thì câu nói trên có thể mang ý nghĩa. Chúng ta sẽ thảo luận theo cách hiểu này.

Ông Hoàng đặt câu hỏi: Khi có “sự mâu thuẫn giữa tính khoa học và tính chính trị” thì “nên giải quyết như thế nào?”. Ông đề nghị “Phải dựa vào khoa học để làm căn cứ xác định và điều chỉnh các yêu cầu chính trị, chứ không phải ngược lại”, vì nếu “lấy chính trị để bắt khoa học phải tuân theo” thì “nhiệm vụ chính trị không còn đứng vững và chính trị chắc chắn sẽ bị chông chênh”.

Chúng tôi ủng hộ quan điểm này của ông Hoàng!

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong nền kinh tế đó:

Một yêu cầu chính trị là lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo. Để yêu cầu chính trị này có tính khoa học, cần thảo luận công khai và đa chiều, rồi thăm dò ý dân. Dựa trên kết quả mà “điều chỉnh các yêu cầu chính trị”.

Một yêu cầu chính trị khác là đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Để yêu cầu chính trị này có tính khoa học, cần thảo luận công khai và đa chiều, rồi thăm dò ý dân. Dựa trên kết quả mà “điều chỉnh các yêu cầu chính trị”.

Có phải khi “điều chỉnh các yêu cầu chính trị” theo tinh thần và phương pháp khoa học như thế sẽ dễ thuyết phục sự ủng hộ và đồng thuận của đa số dân chúng hay không?

Như vậy, việc làm cho công tác tuyên giáo và “yêu cầu chính trị” có tính khoa học không khó lắm. “Chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ thì lập tức có thể tạo ra những bước tiến mang dấu ấn sâu sắc trong lịch sử phát triển của dân tộc”. Tôi cũng đồng tình với nhận định này của ông Vũ Ngọc Hoàng.

Điều khiến nhiều người còn thấy băn khoăn với lời của ông Vũ Ngọc Hoàng là “công tác tuyên giáo là nhằm tham gia khai hóa văn minh cho cộng đồng dân tộc”. Họ cho câu nói ấy là thiếu khiêm tốn… Cá nhân tôi lại không thấy nặng nề vậy, tôi hiểu “tham gia khai hóa văn minh” là truyền bá điều mình thấy, mình hiểu là tốt đẹp, là văn minh ra cộng đồng. Trong cộng đồng đó cũng có mình, mình thấy hay thì mình phổ biến và mình cũng học hỏi cái hay, cái văn minh do người khác phổ biến. Nếu được vậy, chẳng phải đó là cùng nhau “khai dân trí, chấn dân khí” hay sao.

Hy vọng cách hiểu này đúng ý ông Vũ Ngọc Hoàng muốn diễn đạt.

Lê Học Lãnh Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/tin-tuc-su-kien-c-179/goc-binh-luan-c-188/suy-nghi-ve-bai-day-song-du-luan-cua-ong-vu-ngoc-hoang-141997.html