SV lĩnh vực STEM được vay vốn: Nên cho phép đăng ký lịch trả nợ linh hoạt
Chính sách mang tính thiết thực và kịp thời, góp phần giảm thiểu gánh nặng tài chính cho sinh viên học các ngành STEM.
Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán.
Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng Quyết định nhằm mục đích quy định chính sách tín dụng ưu đãi, vượt trội hơn đối với học sinh, sinh viên , học viên, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) để hỗ trợ trang trải toàn bộ tiền học phí và các chi phí sinh hoạt chính trong thời gian theo học tại các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. [1]
Giảm áp lực tài chính, người học yên tâm tập trung học tập và nghiên cứu
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho rằng, đây là một chính sách mang tới nhiều lợi ích cho người học các ngành STEM.
Trước hết, chính sách này giúp giảm áp lực tài chính, tạo điều kiện để người học có thể yên tâm tập trung học tập và nghiên cứu. Đồng thời, mở rộng cơ hội tiếp cận ngành học yêu thích cho những sinh viên có năng lực nhưng gặp khó khăn về kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách cũng gia tăng động lực và trách nhiệm học tập khi sinh viên ý thức rằng khoản vay là sự đầu tư cho tương lai. Cùng với đó, với ưu đãi lãi suất thấp, thời gian vay dài, người học có thể chủ động kế hoạch tài chính mà không chịu gánh nặng ngay sau tốt nghiệp.
Dự thảo nêu rõ điều kiện vay vốn đối với học sinh, sinh viên năm nhất có ba năm học trung học phổ thông đạt xếp loại học lực loại khá trở lên theo quy định của pháp luật; đối với học sinh, sinh viên từ năm hai trở đi cần có kết quả học tập trung bình các môn học đạt loại khá trở lên theo quy định của pháp luật tại năm trước liền kề với năm xin vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai
Đánh giá về vấn đề này, thầy Quỳnh cho rằng, quy định yêu cầu học lực khá trở lên nhằm đảm bảo vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng có năng lực. Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển nhân lực STEM - lĩnh vực có độ khó và tỷ lệ đào thải cao, tiêu chí này cần nghiên cứu để có thể linh hoạt hơn. Bởi điểm số không phản ánh hoàn toàn đam mê, tư duy sáng tạo và năng lực thực tiễn của người học. Nếu đặt ngưỡng quá cao, sẽ vô tình đẩy lùi những tài năng tiềm ẩn, đi ngược lại tinh thần khuyến khích.
Do đó, điều kiện cho phép vay vốn cần linh hoạt dựa trên cam kết rèn luyện, đánh giá định kỳ kết quả học tập, chấp nhận mức học lực khá ở năm cuối phổ thông hoặc đạt kết quả học tập loại khá khi học chuyên ngành STEM. Từ đó, chính sách mới thực sự đồng hành cùng người học, nuôi dưỡng nguồn nhân lực khoa học - công nghệ chất lượng cao cho đất nước.
Cũng theo thầy Quỳnh, mức vay tối đa bao gồm toàn bộ học phí (sau khi trừ học bổng, hỗ trợ tài chính của nhà trường) và khoản sinh hoạt phí tối đa là 5 triệu đồng/tháng trong dự thảo là phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh các ngành STEM vốn có chi phí đào tạo cao. Tuy nhiên, mức vay tối đa trong chính sách cần được nghiên cứu phù hợp với thực tế.
“Khoản vay này giúp sinh viên yên tâm học tập và tránh bỏ dở việc học do áp lực về tài chính. Tuy nhiên, mức vay tối đa 5 triệu đồng/tháng chỉ đáp ứng được mức sống cơ bản ở vùng có chi phí học tập và sinh hoạt thấp. Còn tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,… mức vay có thể không đủ dư dả do học phí và sinh hoạt phí đắt đỏ hơn so với các địa phương khác. Do đó, khoản vay nên được phân chia mức vay sinh hoạt phí theo vùng miền, chẳng hạn như nông thôn có mức vay tối đa 5 triệu, đô thị lớn tối đa 7 triệu. Ngoài ra, cần bổ sung gói vay thiết bị học tập như laptop, phần mềm chuyên dụng cũng như định kỳ điều chỉnh mức vay theo lạm phát”, thầy Quỳnh nêu quan điểm.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chính sách vay vốn hỗ trợ học tập cho sinh viên các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán là chính sách mang tính thiết thực và kịp thời. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu gánh nặng tài chính cho sinh viên khi tham gia học tập, đồng thời khuyến khích sinh viên tham gia học tập nhóm ngành STEM, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học - công nghệ cho đất nước.
Theo thầy Khang, việc đặt ra tiêu chí học lực loại khá trở lên là một lựa chọn phù hợp và cần thiết nhằm tạo ra động lực học tập cho sinh viên, đặc biệt trong bối cảnh người học các ngành STEM đang nhận được kỳ vọng và hỗ trợ từ nhà nước. Đồng thời, mức vay tối đa bao gồm toàn bộ học phí (sau khi trừ học bổng, hỗ trợ tài chính của nhà trường) và khoản sinh hoạt phí tối đa là 5 triệu đồng/tháng là mức vay tương đối phù hợp, đáp ứng cơ bản nhu cầu của sinh viên trong học tập và sinh hoạt. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, cần có cơ chế phối hợp triển khai giữa các bên liên quan để kiểm soát việc vay vốn và phân bổ học bổng, hỗ trợ tài chính từ nhà trường để tạo sự công bằng trong hỗ trợ sinh viên.
Cần cân nhắc việc cụ thể hóa lộ trình trả nợ
Một trong những điểm nổi bật của dự thảo là về thời hạn trả nợ. Theo đó, dự thảo quy định người học phải bắt đầu trả nợ muộn nhất sau 12 tháng kể từ khi kết thúc khóa học, và được phép trả trước hạn mà không chịu phạt. Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định.
Lãi suất cho vay bằng với lãi suất cho vay đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong từng thời kỳ theo quy định của pháp luật. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Theo thầy Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, lãi suất cho vay bằng với lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là phù hợp để sinh viên có thể hoàn trả sau khi tốt nghiệp đồng thời đảm bảo cân đối được ngân sách nhà nước để duy trì chương trình lâu dài, hỗ trợ được nhiều sinh viên hơn. Tuy nhiên, thời gian quá hạn cần tính toán hợp lý, cần xem xét thêm các yếu tố biến động kinh tế - xã hội để sinh viên có thể yên tâm xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp trong giai đoạn mới ra trường khi thu nhập chưa cao.
Cùng với đó, cần có cơ chế phối hợp để chuyển hình thức các học bổng khuyến khích học tập hiện nay sang hình thức ưu đãi lãi suất bằng 0 cho các sinh viên có thành tích tốt. Qua đó, vừa có tác dụng khuyến khích sinh viên tham gia học ngành STEM, vừa tăng tính nhân văn khi phân bổ nguồn hỗ trợ đến nhiều sinh viên.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường
Còn theo thầy Nguyễn Vũ Quỳnh, việc cho phép bắt đầu trả nợ trong vòng 12 tháng sau tốt nghiệp là hợp lý, giúp sinh viên có thời gian tìm việc và ổn định tài chính. Đặc biệt, việc không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn, lãi suất cho vay áp dụng mức ưu đãi như hộ nghèo cũng là chính sách khuyến khích rất tích cực dành cho người học. Đồng thời, lãi suất quá hạn ở mức 130% cũng tạo cam kết trách nhiệm cần thiết, buộc người vay phải có ý thức trong công việc hoàn trả khoản vay đúng hạn, tránh tình trạng thiếu trách nhiệm với nghĩa vụ tài chính.
Tuy nhiên, cần cho phép đăng ký lịch trả nợ linh hoạt theo tỷ lệ thu nhập. Đồng thời, gia hạn trả nợ thêm 6 - 12 tháng nếu người vay chưa có việc làm ổn định. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống tài khoản trực tuyến để người vay theo dõi khoản nợ và tổ chức tư vấn tài chính trước khi ký vay cũng cần được chú trọng.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, chính sách dành cho người học STEM được vay vốn là chính sách có ý nghĩa rất tích cực, mang tới nhiều thuận lợi cho người học, đặc biệt, trong bối cảnh nhiều sinh viên khó khăn về tài chính có nhu cầu vay vốn.
Thầy Phúc bày tỏ, trên thực tế, nhiều sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn buộc phải làm thêm để có tiền trang trải nghiệm cuộc sống hàng ngày. Không ít sinh viên phải dành phần lớn thời gian trong ngày để đi làm, dẫn tới việc không đủ thời gian và năng lượng tham gia các hoạt động học tập, nghiên cứu. Vì vậy, việc có một khoản sinh hoạt phí ổn định nhờ chính sách vay vốn sẽ giúp giảm bớt áp lực tài chính, tạo điều kiện để sinh viên tập trung hơn vào việc học và giúp cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, hiện nay, một số sinh viên vẫn có suy nghĩ Ngân hàng Chính sách xã hội khó tiếp cận bởi những quy định, thủ tục vay phức tạp nên việc vay vốn chưa hấp dẫn và thu hút được sinh viên. Nếu số tiền vay vốn không đủ, sinh viên sẽ có xu hướng đi làm thêm và có thể sao nhãng việc học. Điều này khiến sinh viên tốt nghiệp muộn và dẫn tới thời gian trả nợ của sinh viên kéo dài. Do đó, việc nghiên cứu mức vay vốn ngay từ đầu cho sinh viên cần được thực hiện thật kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của người học và cả cơ sở đào tạo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó HIệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường
Thầy Phúc cũng nhấn mạnh, chính sách vay tín dụng ưu đãi cho sinh viên các ngành khoa học là một bước đi đúng đắn và giàu nhân văn. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả, cần gắn mức vay vốn với mức học phí các trường học đào tạo ngành STEM do học phí giữa một số trường có sự chênh lệch lớn. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội có thể cân nhắc đưa ra lộ trình trả nợ cụ thể, phù hợp với đối tượng vay vốn đối với thời hạn cho vay và trả nợ.
Ngoài ra, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ mong muốn, trong tương lai đối tượng vay vốn sẽ được mở rộng để mọi sinh viên có thể tiếp cận với việc vay vốn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục đại học một cách toàn diện và bền vững.
“Khi tất cả sinh viên, không phân biệt hoàn cảnh kinh tế, đều có cơ hội tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính, các em sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, tập trung phát triển năng lực chuyên môn và kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động. Đồng thời, chính sách mở rộng đối tượng vay vốn cũng góp phần đảm bảo sự bình đẳng trong giáo dục, gỡ bỏ giới hạn, khoảng cách giữa các nhóm sinh viên”, thầy Phúc cho hay.
Góp ý thêm với dự thảo, thầy Nguyễn Vũ Quỳnh cho rằng: “Chính sách cần mở rộng điều kiện vay cho học sinh trung bình khá có đam mê ngành STEM, tránh bỏ lỡ nhân tài tiềm ẩn. Đồng thời, điều chỉnh mức vay sinh hoạt phí lên 6-7 triệu đồng/tháng tùy khu vực để phù hợp với chi phí thực tế tại từng địa phương. Cùng với đó, thời hạn và cách thức trả nợ như kéo dài ân hạn cho ngành đặc thù, áp dụng trả nợ theo tỷ lệ thu nhập cần được linh hoạt hơn để giảm áp lực cho người học. Bên cạnh đó, việc kết nối tín dụng với cơ hội nghề nghiệp bằng các gói vay kèm hỗ trợ việc làm, thực tập có lương cũng cần được chú trọng.
Ngoài ra, cần tăng cường truyền thông, tư vấn tài chính, nâng cao chất lượng công cụ quản lý vay online để sinh viên chủ động tài chính. Đặc biệt, có thể nghiên cứu thành lập tổ công tác hỗ trợ tín dụng tại các trường học nhằm tháo gỡ nhanh vướng mắc cũng như định kỳ khảo sát, cập nhật chính sách hỗ trợ sinh viên vay vốn theo biến động thực tế”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://baochinhphu.vn/de-xuat-sinh-vien-hoc-nganh-toan-khoa-hoc-cong-nghe-ky-thuat-duoc-vay-von-den-5-trieu-dong-thang