SV sư phạm diện NĐ 116 nếu cố tình thi không đỗ viên chức thì có phải bồi hoàn?
Theo lãnh đạo trường đại học, nếu chỉ thu hút người học bằng các hỗ trợ đầu vào mà chưa tính toán thấu đáo đến đầu ra là chưa đủ, chưa phải giải pháp bền vững.
Dù đã triển khai Nghị định 116/2020 ngày 25/09/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được 2 năm, nhưng đến nay, nhiều trường vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ từ địa phương để chi trả cho sinh viên sư phạm.
Trước tình hình trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho biết, hiện sinh viên thuộc khoa Sư phạm của trường vẫn chưa nhận được hỗ trợ theo Nghị định 116.
Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị định này và giao cho 2 cơ quan chức năng là Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính đưa ra hướng dẫn về việc chi trả cũng như cân đối việc cấp kinh phí hỗ trợ theo Nghị định này cho sinh viên.
Để thúc đẩy việc cấp kinh phí theo Nghị định 116 được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn, trong buổi họp giao ban vừa qua, phía lãnh đạo Trường Đại học Đồng Nai cũng đưa ra giải pháp là cho sinh viên sư phạm đăng ký bổ sung một lần nữa về việc hưởng chế độ theo Nghị định này, và em nào không có nhu cầu hưởng hỗ trợ cũng làm đơn cam kết để nộp lại.
Khác với trước đây là sinh viên sư phạm tự động được hưởng chính sách miễn học phí, thì nay theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt nhưng gắn với trách nhiệm phải làm việc một thời gian nhất định trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp; nếu sinh viên tốt nghiệp không làm việc đủ thời gian quy định sẽ phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, những sinh viên muốn được hưởng chính sách hỗ trợ cần phải đăng ký và cam kết trách nhiệm theo quy định.
Thầy Đức cho rằng, việc thu hồi kinh phí hỗ trợ phải hoàn trả của những sinh viên sư phạm không thực hiện theo đúng quy định chính là điểm còn hạn chế, thiếu cách xử lý cụ thể, và chưa có chế tài nào quy định, hướng dẫn về việc này.
“Ai sẽ là người chịu trách nhiệm thu lại khoản tiền cần phải bồi hoàn đó của các sinh viên sư phạm đến nay vẫn chưa được nêu rõ. Các trường có trách nhiệm trong việc đào tạo, bồi dưỡng sinh viên mà lại kiêm thêm cả việc thu hồi phí khi các em vi phạm cam kết theo Nghị định 116 là điều khá khó khăn”, thầy Đức nói.
Hơn nữa, sau khi tốt nghiệp, việc giải quyết đầu ra vẫn là một bài toán khó vì sẽ có trường hợp có những em khi thi vào các kỳ thi viên chức giáo viên, chức ngạch có liên quan trong lĩnh vực giáo dục bị rớt liên tục nên không tuyển dụng được,...
"Mặc dù hỗ trợ nguồn kinh phí tương đối lớn nhưng chúng ta chỉ mới đang khơi thông đầu vào chứ chưa tính toán thấu đáo đến việc làm sao để giải quyết được bài toán đầu ra cho các em sinh viên”, thầy Đức nhấn mạnh.
Cũng theo thầy Đức, vấn đề quan trọng nhất vẫn là quá trình đào tạo và sau khi tốt nghiệp, các em có được công việc với điều kiện và mức thu nhập phù hợp và phát triển được chuyên môn của bản thân.
Nhìn nhận từ thực tế có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, có những em sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu để tham gia học tập ở một số ngành, bởi họ biết được rằng đầu ra của mình sẽ có những thuận lợi, hấp dẫn và bền vững thế nào.
Để việc triển khai thực hiện Nghị định 116 được diễn ra thuận lợi hơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai đã đưa ra một số đề xuất, góp ý.
Thứ nhất, khi cấp kinh phí cho sinh viên, các cơ chế phải đồng bộ từ việc tuyển dụng sau khi tốt nghiệp, bố trí việc làm như thế nào và nếu các em không làm đúng cam kết sẽ ra sao.
Thứ hai, các Bộ, ban ngành có liên quan phải tính toán đến tất cả các tình huống có khả năng xảy ra như trường hợp các bạn thi không đạt hoặc không tham gia thi vào các kỳ thi viên chức công tác trong lĩnh vực giáo dục thì sẽ như thế nào.
Thứ ba, cần phân định rõ trách nhiệm của nhà trường và trách nhiệm của cơ quan chức năng có liên quan như ai là người cấp tiền? Nếu sinh viên sư phạm vi phạm cam kết thì ai là người thu hồi?
Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một cho hay, việc quy định rõ trách nhiệm thuộc về ai hay ai sẽ thu hồi chi phí đã hỗ trợ sau khi sinh viên sư phạm tốt nghiệp thi không qua hoặc thậm chí là cố tình thi không qua trong các kỳ thi viên chức vào lĩnh vực giáo dục vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Cũng là một trong những trường địa phương đào tạo sư phạm gặp nhiều khó khăn vì chưa được cấp kinh phí hỗ trợ cho các sinh viên sư phạm, thời gian qua, Trường Đại học Thủ Dầu Một cũng nhận nhiều ý kiến từ phía sinh viên sư phạm vì có những em đã học đến năm 2 rồi vẫn chưa được chi trả nguồn kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 116.
Theo thầy Cường, Nghị định 116 vẫn còn nhiều điểm chưa được chặt chẽ, rõ ràng, gây khó khăn cho các trường đào tạo sư phạm thuộc địa phương, đơn cử như việc khó khăn cho các địa phương trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho trường (do thiếu cơ sở để xác định được kinh phí dự toán để đào tạo), kinh phí hỗ trợ theo Nghị định là từ ngân sách nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể.