SWIFT lên kế hoạch ra mắt nền tảng tiền kỹ thuật số mới của ngân hàng trung ương trong vòng 2 năm tới
Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và Tài chính quốc tế (SWIFT) đang lên kế hoạch thành lập một nền tảng mới trong vòng 1 - 2 năm tới để kết nối làn sóng tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) hiện đang được phát triển với hệ thống tài chính hiện có.
Đây sẽ là một trong những động thái quan trọng nhất đối với hệ sinh thái CBDC non trẻ do SWIFT đóng vai trò quan trọng trong ngân hàng toàn cầu, có thể sẽ được điều chỉnh cho đến khi những hệ sinh thái lớn đầu tiên được ra mắt.
Khoảng 90% ngân hàng trung ương trên thế giới hiện đang khám phá các phiên bản tiền tệ kỹ thuật số. Hầu hết các ngân hàng trung ương đều không muốn bị Bitcoin và các loại tiền điện tử khác bỏ lại phía sau, nhưng họ đang phải vật lộn với sự phức tạp về công nghệ.
Nick Kerigan, người đứng đầu bộ phận đổi mới của SWIFT cho biết, thử nghiệm mới nhất của SWIFT kéo dài 6 tháng và có sự tham gia của một nhóm gồm 38 thành viên gồm các ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại và nền tảng thanh toán, là một trong những sự hợp tác toàn cầu lớn nhất về CBDC và tài sản mã hóa.
Nền tảng mới sẽ tập trung vào việc đảm bảo CBDC của các quốc gia khác nhau đều có thể được sử dụng cùng nhau ngay cả khi được xây dựng trên các công nghệ cơ bản hoặc “giao thức” khác nhau, từ đó giảm rủi ro phân mảnh hệ thống thanh toán.
Chúng cũng có thể được sử dụng trong các giao dịch thương mại hoặc thanh toán ngoại hối rất phức tạp và có khả năng được tự động hóa để vừa tăng tốc vừa giảm chi phí của các quy trình.
Theo ông Nick Kerigan, kết quả thử nghiệm cũng đã chứng minh các ngân hàng có thể sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có của họ, đã được nhiều người tham gia đánh giá là thành công và đưa ra thời hạn để SWIFT thực hiện.
“Chúng tôi đang xem xét lộ trình sản xuất hóa ra mắt dưới dạng sản phẩm trong 12-24 tháng tới. Chúng tôi đang chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang một điều gì đó sắp trở thành hiện thực”, ông cho biết.
Mặc dù khung thời gian vẫn có thể thay đổi nếu việc ra mắt CBDC của nền kinh tế lớn bị trì hoãn, nhưng việc vượt qua các rào cản vào thời điểm đó sẽ là động lực lớn để duy trì sự thống trị hiện tại của SWIFT trong mạng lưới hệ thống liên ngân hàng.
Các quốc gia như Bahamas, Nigeria và Jamaica đã thiết lập và vận hành CBDC. Trung Quốc đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong việc thử nghiệm đồng nhân dân tệ điện tử trong đời thực. ECB cũng đang triển khai đồng euro kỹ thuật số, trong khi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đang thực hiện nhiều thử nghiệm xuyên biên giới.
Tuy nhiên, lợi thế chính của SWIFT là mạng lưới hiện tại của họ đã có thể sử dụng được ở hơn 200 quốc gia và kết nối hơn 11.500 ngân hàng và quỹ đầu tư sử dụng để giao dịch hàng nghìn tỷ đô la mỗi ngày.
Từ chỗ hầu như không được biết đến bên ngoài giới ngân hàng, nhưng SWIFT đã trở thành một cái tên quen thuộc kể từ năm 2022 khi họ cắt hầu hết các ngân hàng của Nga khỏi mạng lưới của mình như một phần trong các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Thử nghiệm mới nhất của SWIFT có sự tham gia của các ngân hàng trung ương từ Đức, Pháp, Úc, Singapore, Cộng hòa Séc và Thái Lan cũng như một số ngân hàng yêu cầu giấu tên.
Một loạt ngân hàng thương mại lớn bao gồm HSBC, Citibank, Deutsche Bank, Societe Generale, Standard Chartered và nền tảng thanh toán CLS FX cũng tham gia, cùng với ít nhất hai ngân hàng từ Trung Quốc.
Ý tưởng là khi giải pháp liên kết được mở rộng quy mô, các ngân hàng sẽ có một điểm kết nối toàn cầu chính có thể xử lý các khoản thanh toán tài sản kỹ thuật số.
Cùng với sự tiến bộ đối với CBDC, dự báo từ Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) cho thấy rằng đến năm 2030, khoảng 16.000 tỷ USD tài sản có thể được “mã hóa” – một quá trình trong đó các tài sản như cổ phiếu và trái phiếu được chuyển đổi thành chip kỹ thuật số có thể sau đó được phát hành và giao dịch theo thời gian thực.
“Nếu chúng tôi có thể kết nối bất kỳ số lượng mạng nào (vào hệ thống SWIFT) thì nó sẽ trở thành một lựa chọn có khả năng mở rộng hơn nhiều cho ngành công nghiệp này”, ông cho biết.